Trong báo cáo được trình bày tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVII, Đại hội xác định mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh Hòa Bình đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn khi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, sở hữu những lợi thế đặc thù trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch-dịch vụ, công nghiệp; ngoài ra, tỉnh đang là tâm điểm mà các dự án đầu tư tầm cỡ hướng tới. Đặc biệt, tỉnh đã và đang xây dựng đội ngũ đồng thuận, trách nhiệm với tư duy, khát vọng đổi mới, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.
Mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ này, Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, kinh tế đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Nửa đầu năm vừa qua, cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, Hòa Bình cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid kéo dài. Song với mục tiêu không để chuỗi cung ứng, sản xuất bị đứt gẫy; không để ai bị bỏ lại phía sau, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH.
TP Hòa Bình |
6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP tiếp tục chuyển dịch tích cực với tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,92%; công nghiệp - xây dựng 44,45%; dịch vụ 30,55%; thuế sản phẩm 5,08%; Toàn tỉnh ước có 260 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 6.480 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng DN cấp mới tăng 9,3%, số vốn đăng ký tăng 24,4%. Giải quyết việc làm mới cho hơn 8.300 người, đạt 52% kế hoạch năm...
Có được kết quả ấn tượng như vậy là nhờ sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 19/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN và QP-AN năm 2021 với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng ngành, lĩnh vực và 229 nhiệm vụ trọng tâm chi tiết giao cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tổng hợp đánh giá tình hình KT-XH hằng tuần, hằng tháng, hằng quý và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo; chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng các kế hoạch, đề án phát triển KT-XH của tỉnh.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua chuyên đề: "Thi đua thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH năm 2021”, được các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và Nhân dân tỉnh Hòa Bình tích cực hưởng ứng.
Tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII đã đánh giá bổ sung về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và thảo luận việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2021; thông qua 21 Nghị quyết để tiếp tục thể chế các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước, huy động nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Báo cáo Bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021 của UBND tỉnh Hoà Bình cũng đã chỉ ra 11 khó khăn, hạn chế và nguyên nhân; 18 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2021.
Minh Phúc