- Mỗi ngày BV Bạch Mai tiếp nhận 5-6 bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá, đều có tiền sử nghiện rượu, có người đều đặn ‘súc miệng’ 1 lít mỗi ngày.

Trong những ngày nghỉ Tết, BV Bạch Mai cho biết số bệnh nhân nhập viện cấp cứu liên quan đến rượu bia tăng hơn bình thường, số bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá do rượu chiếm gần 1/4.

Tại khoa Cấp cứu A9, BS Ngô Đức Hùng cho biết, 6 ngày Tết, mỗi ngày khoa tiếp nhận 100 bệnh nhân từ khắp nơi chuyển đến, cao điểm ngày mùng 4 Tết tiếp nhận đến 116 bệnh nhân. 2/3 trong số này là những trường hợp nặng, phải nhập viện.

{keywords}
Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai luôn chật kín bệnh nhân. (Ảnh: T.Hạnh)

“Đáng lưu ý trong đó có nhiều bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá, cao điểm 29-30 Tết, khoa tiếp nhận 5-6 bệnh nhân/ngày. Tất cả đều có tiền sử nghiện rượu trên các nền bệnh lý mạn tính, có người uống 1 lít/ngày gây xơ gan và các bệnh lý dạ dày, thực quản”, BS Hùng thông tin.

Ngay trong sáng nay, khoa tiếp nhận một nam bệnh nhân 36 tuổi bị viêm túi mật, có tiền sử nghiện rượu trên 10 năm, mỗi ngày “súc miệng” hơn nửa lít.

2 ngày gần đây bệnh nhân đau bụng, xuất hiện cơn sảng rượu, kích thích, vật vã, run rẩy. Bác sĩ phải điều trị song song viêm nhiễm đường mật, vừa điều trị hội chứng cai.

Cũng liên quan đến đồ uống có cồn, sáng nay khoa tiếp nhận thêm 2 bệnh nhân viêm bị tuỵ cấp, có tiền sử dùng rượu nhiều năm.

“Cách đây khoảng 10 năm, mỗi tuần khoa chỉ có 1-2 ca sảng rượu nhưng giờ ít nhất 2 ca/ngày. Đáng lưu ý, số bệnh nhân nhập viện do rượu bia ngày càng trẻ hoá, trong độ tuổi 30-40”, BS Hùng chia sẻ.

{keywords}
Những ngày Tết, các bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ. (Ảnh: T.Hạnh)

Tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), BS Nguyễn Đàm Chính cho biết thêm, những ngày cận Tết, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng đột biến, có ngày 4 bệnh nhân nhập viện, tử vong. Nhưng những ngày trong Tết, bệnh nhân ngộ độc rượu giảm dần.

Vào mùng 4 Tết, có 1 bệnh nhân nam 57 tuổi ở Mỹ Hào, Hưng Yên tử vong nghi ngộ độc rượu methanol (rượu pha cồn công nghiệp). Trước đó, ngày mùng 3 Tết, bệnh nhân uống nhiều rượu tại nhà, rơi vào trạng thái hôn mê, được chuyển đến BV Bạch Mai cấp cứu.

Dù được lọc máu, dùng thuốc trợ tim nhưng tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi, huyết áp tụt và gia đình đã xin bệnh nhân về đêm mùng 4 Tết.

Ngoài ra, đêm mùng 4 có 3 bệnh nhân nam nhập viện vì say rượu, sau một đêm nằm theo dõi, các chức năng trở về bình thường, người bệnh tỉnh rượu, được ra viện vào sáng nay.

BS Chính cho biết, tình trạng ngộ độc rượu methanol hiện nay rất đáng báo động. Trước đây mỗi năm khoa chỉ tiếp nhận chừng 30 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol nhưng từ cuối 2016 trở lại đây, hầu như tuần nào cũng bệnh nhân, cá biệt có ngày 4 người tử vong.

Gần 300 ca chấn thương sọ não

Tại BV Việt Đức, 6 ngày Tết là những ngày căng thẳng, các bác sĩ bơ phờ vì cấp cứu bệnh nhân. Trong số bệnh nhân nhập viện có hơn 70% là các ca tai nạn giao thông nặng.

Theo BS Phạm Hải Bằng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, 6 ngày Tết, BV tiếp nhận cấp cứu 714 trường hợp, trong đó có 272 ca chấn thương sọ não.

{keywords}
Một bệnh nhân bị chấn thương sọ não, đang cấp cứu tại BV Việt Đức. (Ảnh: T.Hạnh)

Cao điểm nhất là ngày mùng 3 Tết với 145 trường hợp đến viện khám, cấp cứu; 112 ca tai nạn giao thông, có đến 9 trường hợp nặng xin về.

Số bệnh nhân tai nạn giao thông cấp cứu dịp Tết chiếm đến 504 ca thì có 148 ca không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, trong 3 ngày Tết, tỉ lệ người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm rất thấp.

“Ngày 29 Tết có 65 bệnh nhân đội mũ bảo hiểm trong tổng số các bệnh nhân nhập viện. Nhưng đến ngày 30 Tết chỉ có 4 người đội mũ, đến ngày mùng 1 Tết có 12 ca, mùng 2 là 15 ca. Đến ngày mùng 3 tăng lên 85 người đội mũ”, BS Bằng thông tin.

Vẫn theo BS Bằng, trong Tết, không có trường hợp nào tử vong tại BV nhưng có 35 trường hợp nặng xin về, chủ yếu là do tai nạn giao thông.

Thúy Hạnh