Việc Canada bắt giữ bà Meng Wanzhou, giám đốc tài chính của Huawei và cũng là con gái nhà sáng lập Ren Zhengfei (Nhiệm Chính Phi), đã khiến cho căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao. Vụ bắt giữ này có liên quan đến yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Vào ngày 7 tháng 12, một tòa án tại Canada đã nhận được thông tin về việc công ty con Skycom Tech của Huawei, đã bán các thiết bị cho Iran từ năm 2009 đến năm 2014, trái với lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này. Giám đốc tài chính của Huawei tại Canada đã bị bắt giữ ngay sau đó.

Tuy nhiên trước đó, Mỹ và các nước đồng minh của mình vẫn luôn tỏ ra lo sợ đối với công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei. Nỗi lo sợ này khiến Mỹ và nhiều nước khác đã phải ra lệnh cấm sử dụng các thiết bị của Huawei, thậm chí smartphone Huawei còn không được đặt chân vào thị trường Mỹ.

Vậy vì sao Huawei lại khiến cho các cường quốc lo sợ đến như vậy?

Mối đe dọa đối với việc phát triển công nghệ mạng 5G

Các công ty viễn thông trên toàn thế giới đang chuẩn bị ứng dụng công nghệ mạng 5G vào thực tế. Khác với 4G LTE hiện nay, mạng 5G hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới cho các công nghệ tương lai, từ xe tự lái cho đến thành phố thông minh, các nhà máy sản xuất tự động và robot. Quân đội cũng sẽ ứng dụng mạng 5G trong chiến đấu và mạng thông tin liên lạc.

Trong khi đó, Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới hiện nay trong lĩnh vực 5G. Tuy nhiên, Mỹ lo ngại các thiết bị viễn thông của Huawei có thể bị hack hoặc bị thu thập dữ liệu. Với việc ứng dụng mạng 5G rộng rãi, trong cả quân đội, thì đây chính là mối đe dọa rất lớn đối với an ninh của một cường quốc như Mỹ.

Chính vì vậy mà Mỹ đã phải ra lệnh cấm sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei. Tiếp đó, Úc và New Zealand cũng ban hành lệnh cấm tương tự. Mới đây, Anh cũng cấm sử dụng thiết bị Huawei trong việc phát triển hạ tầng mạng 5G.

Mối đe dọa đối với thị trường tài chính, giao thông, viễn thông và các cơ sở hạ tầng quan trọng

Huawei cung cấp các thiết bị viễn thông từ trạm phát sóng, ăng-ten và các thiết bị mà nhà mạng viễn thông sử dụng để cung cấp dịch vụ di động và mạng internet không dây. Các mạng không dây này được sử dụng để quản lý nhiều hệ thống quan trọng trong giao thông, thị trường tài chính, lưới điện thành phố và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Mỹ lo sợ rằng các cơ quan tình báo Trung Quốc có thể cài một con chip điều khiển vào các thiết bị viễn thông của Huawei. Từ đó có thể vô hiệu hóa từ xa các thiết bị này, khiến cho mạng dữ liệu không dây hoàn toàn sụp đổ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc tranh chấp giữa hai quốc gia.

Việc kiểm tra mức độ an toàn của các thiết bị này là điều không dễ dàng

Từ năm 2010, Vương Quốc Anh đã tổ chức một đơn vị đặc biệt, bao gồm các nhân viên của Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ), nhiệm vụ chính là kiểm tra các thiết bị viễn thông của Huawei trước khi triển khai sử dụng.

Tuy nhiên vào đầu năm nay, đơn vị này cho biết họ chỉ có thể đảm bảo rằng các thiết bị Huawei không gây ra mối đe dọa an ninh, ví dụ như hack và tấn công vào hệ thống. Trong khi đó, có nhiều khả năng các thiết bị này có thể lấy cắp dữ liệu và gửi về cho cơ quan tình báo Trung Quốc.

Theo báo cáo, đơn vị này đã phát hiện ra một vài đoạn code của Huawei khi triển khai thực tế đã thay đổi so với lúc thử nghiệm. Các nhà cung cấp phần mềm cho hệ thống thiết bị viễn thông này hoạt động nằm tại Trung Quốc và cũng không chịu sự kiểm soát của nước sở tại.

Backdoor có thể bí mật cài đặt và thu thập dữ liệu quan trọng

Cơ quan tình báo của Mỹ vẫn luôn lo sợ rằng các thiết bị của Huawei có thể bị cài backdoor, để thu thập dữ liệu và gửi về Trung Quốc. Đã từng có những bằng chứng về việc smartphone Huawei tại Mỹ thu thập dữ liệu của người dùng, sau đó lợi dụng kết nối không dây nâng cấp hệ điều hành hoặc cập nhật bản vá sửa lỗi để gửi những dữ liệu này về trụ sở chính tại Trung Quốc.

6 lý do Huawei khiến cho Mỹ và các nước đồng minh lo sợ, số 1 chính là mối đe dọa đối với công nghệ 5G - Ảnh 1.

Chính vì vậy mà Mỹ đã phải cấm nhập khẩu smartphone Huawei. Hồi tháng 5, Bộ Quốc Phòng cũng ra lệnh cấm quân đội sử dụng các thiết bị di động của Huawei và ZTE, vì lo sợ dữ liệu vị trí có thể bị thu thập và làm lộ các căn cứ quân sự bí mật, hoặc việc di chuyển của quân đội.

Các công ty Trung Quốc có thể bán lại các linh kiện công nghệ của Mỹ cho nước khác

Vụ bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei tại Canada có liên quan đến việc bán các linh kiện công nghệ của Mỹ cho Iran. Trước đó, ZTE cũng đã phải nhận lệnh trừng phạt từ Bộ Thương mại, do vi phạm việc bán linh kiện cho một quốc gia bị Mỹ cấm vận.

Các công ty Trung Quốc liên tiếp vi phạm điều khoản đặt ra từ ban đầu của Mỹ, khiến cho căng thẳng giữa hai nước ngày càng tăng cao.

Huawei vẫn chịu ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc

Huawei nhiều lần nhấn mạnh rằng mình là một công ty tư nhân và hoàn toàn độc lập với Chỉnh phú Trung Quốc. Với mục đích khiến Mỹ tin rằng Huawei không có động cơ để phá hoại và gây ra rắc rối cho các công ty khách hàng tại Mỹ. Tuy nhiên cơ quan tình báo của Mỹ lại tìm ra những điều không rõ ràng trong cấu trúc quản trị của Huawei.

Trong đó, nhà sáng lập Ren Zhengfei đã từng là sĩ quan trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Khiến cho Mỹ tin rằng Huawei vẫn chịu tác động nhất định từ Chính phủ Trung Quốc, và có thể trở thành mối đe dọa khi căng thẳng hai bên leo thang.

Mặc dù vậy, cho đến nay Huawei vẫn khẳng định rằng các thiết bị viễn thông của mình là tuyệt đối an toàn. Không có bất kỳ bằng chứng hay dấu hiệu nào cho thấy có những con chip gián điệp, backdoor hay killswitch trong các thiết bị viễn thông của Huawei. Tuy nhiên nó vẫn không thể thay đổi quan điểm của Mỹ, khi cho rằng Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia và bảo mật dữ liệu mạng.

 

Trí Thức Trẻ