Động cơ diesel từng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô, nổi bật nhờ hiệu suất nhiên liệu vượt trội và độ bền cao khi vận hành trong thời gian dài. Ban đầu, loại động cơ này chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp nặng.

Tuy nhiên, theo thời gian, động cơ diesel đã được các hãng xe đưa vào ứng dụng trên ô tô, nhằm tận dụng ưu thế về khả năng tiết kiệm nhiên liệu và mô-men xoắn lớn ở vòng tua thấp.

Dù vậy, vẫn có những thương hiệu ô tô lớn chưa từng – hoặc hoàn toàn không – phát triển bất kỳ mẫu xe nào sử dụng động cơ diesel. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ định hướng kỹ thuật và triết lý thương hiệu không phù hợp với đặc điểm của loại động cơ này.

1. Aston Martin

Aston Martin là đại diện tiêu biểu cho sự kết hợp giữa nét thanh lịch và hiệu năng thể thao. Từ lâu, hãng xe đến từ Anh quốc đã trung thành với các dòng động cơ xăng truyền thống như I6, V8 và V12 – những cấu hình mang lại âm thanh đặc trưng và cảm giác lái phấn khích cho những chiếc xe thể thao hạng sang mà hãng theo đuổi. 

Aston martin Valour.jpeg
Mẫu xe Aston Martin hiện tại có công suất lớn nhất là Valour. Ảnh: Aston Martin

Trong suốt chiều dài lịch sử, Aston Martin chưa từng sản xuất hay thậm chí thử nghiệm với động cơ diesel. Thay vào đó, hãng tập trung toàn lực vào việc tối ưu hiệu suất và độ phản hồi của các dòng động cơ xăng. Minh chứng rõ nét cho triết lý này là mẫu xe mạnh mẽ nhất hiện tại – Aston Martin Valour – được trang bị động cơ V12 5.2L tăng áp kép, cho công suất 705 mã lực và mô-men xoắn 753 Nm, mang đến trải nghiệm lái đậm chất thể thao đặc trưng của thương hiệu.

2. Bugatti

Với định hướng tập trung vào sự sang trọng và hiệu suất tối đa, Bugatti – từ thời nhà sáng lập Ettore Bugatti cho đến kỷ nguyên thuộc Tập đoàn Volkswagen – luôn kiên định theo đuổi triết lý hoàn hảo thông qua việc phát triển các động cơ xăng hiệu suất cao.

Bugatti Tourbillon.jpg
Tourbillon là mẫu siêu xe hybrid mạnh mẽ nhất của Bugatti. Ảnh: Bugatti

Tiêu biểu cho triết lý hiệu suất tối đa của Bugatti là khối động cơ W16 với 4 bộ tăng áp, từng được trang bị trên các mẫu siêu xe huyền thoại như Veyron và Chiron. Gần đây nhất, Bugatti tiếp tục đẩy giới hạn với mẫu siêu xe hybrid Tourbillon, kết hợp động cơ V16 hút khí tự nhiên dung tích 8.3L cùng ba mô-tơ điện, cho tổng công suất lên tới 1.775 mã lực. Riêng hai mô-tơ điện đặt ở trục trước đã tạo ra mô-men xoắn lên tới 3.000 Nm, trong khi khối động cơ xăng đóng góp thêm 900 Nm.

Với mục tiêu không ngừng theo đuổi danh hiệu “những chiếc xe nhanh nhất thế giới,” Bugatti chưa bao giờ xem động cơ diesel – vốn thiên về sức kéo và khả năng tiết kiệm nhiên liệu – là lựa chọn phù hợp. Đây chính là lý do hãng chưa từng “để mắt” tới công nghệ động cơ này.

3. Ferrari

Lịch sử của Ferrari gắn liền với những khối động cơ xăng hiệu suất cao – một phần không thể tách rời trong di sản đua xe lâu đời của hãng. Ferrari đặc biệt chú trọng đến âm thanh đặc trưng và độ phản hồi tức thì của động cơ, những yếu tố mà động cơ diesel khó có thể đáp ứng. Chính vì vậy, hãng xe Ý chưa từng phát triển bất kỳ mẫu xe nào sử dụng động cơ diesel trong suốt hành trình của mình.  

Ferrari SF90 XX Stradale.jpg
Lịch sử của Ferrari đã gắn liền với những khối động cơ xăng hiệu suất cao. Ảnh: Ferrari

Ngay cả khi thị trường ô tô toàn cầu liên tục thay đổi, Ferrari vẫn giữ vững bản sắc bằng cách trung thành với các dòng động cơ xăng – từ V12 hút khí tự nhiên huyền thoại đến các động cơ V6 và V8 tăng áp hiện đại. Bên cạnh đó, hãng cũng từng bước tích hợp công nghệ hybrid nhằm nâng cao hiệu suất mà không đánh mất trải nghiệm lái đặc trưng.

Ferrari SF90 XX Stradale – mẫu xe mạnh mẽ nhất hiện tại của hãng – là minh chứng rõ nét cho hướng đi này. Chiếc siêu xe hybrid này kết hợp động cơ V8 tăng áp kép với ba mô-tơ điện, tạo ra công suất tổng cộng 1.018 mã lực và mô-men xoắn 900 Nm (riêng động cơ xăng). Dù ứng dụng công nghệ hiện đại, SF90 XX Stradale vẫn giữ nguyên “chất Ferrari” thông qua âm thanh động cơ lôi cuốn và khả năng phản hồi cực nhạy – những giá trị mà động cơ diesel không thể tái hiện.

4. Lamborghini

Công ty Lamborghini Trattori – tiền thân của thương hiệu Lamborghini – vốn chuyên sản xuất máy kéo sử dụng động cơ diesel từ năm 1948 và thậm chí còn nắm giữ bằng sáng chế về vòi phun nhiên liệu diesel. Tuy nhiên, khi chuyển hướng sang lĩnh vực xe thể thao vào năm 1963, Ferruccio Lamborghini đã dồn toàn bộ tâm huyết vào việc phát triển động cơ xăng hiệu suất cao nhằm cạnh tranh trực tiếp với Ferrari.

Lamborghini Revuelto.jpg
Chiếc Lamborghini cung cấp nhiều sức mạnh nhất của hãng hiện nay là Revuelto. Ảnh: Lamborghini

Hiện nay, Lamborghini vẫn tiếp tục duy trì định hướng đó. Mẫu siêu xe hybrid Lamborghini Revuelto, với sự kết hợp giữa động cơ V12 hút khí tự nhiên và mô-tơ điện, cho ra tổng công suất 1.001 mã lực cùng mô-men xoắn 804 Nm, là minh chứng rõ ràng cho triết lý phát triển của hãng. Điều này cũng khẳng định rằng động cơ diesel không phù hợp với hình ảnh một thương hiệu xe thể thao mạnh mẽ và hiệu suất cao mà Lamborghini theo đuổi.

5. McLaren

McLaren Automotive, được thành lập vào những năm 1980, nổi tiếng với việc chế tạo các dòng xe thể thao hiệu suất cao. Hãng xe đến từ Anh chưa từng phát triển xe sử dụng động cơ diesel, mà nhất quán theo đuổi các khối động cơ xăng V8 hiệu suất cao, thường tích hợp bộ tăng áp kép. Gần đây, McLaren cũng đã mở rộng sang các hệ truyền động hybrid, tiếp tục khẳng định cam kết với hiệu năng và công nghệ tiên tiến.

McLaren W1.jpg
McLaren chỉ tập trung vào các khối động cơ xăng V8 hiệu suất cao. Ảnh: McLaren

Bản sắc hiện đại của McLaren gắn liền với công nghệ tiên tiến và trải nghiệm lái xe đỉnh cao. Để phục vụ những mục tiêu này, McLaren ưu tiên sử dụng các loại động cơ xăng và điện có vòng tua cao, vốn mang lại khả năng phản hồi nhanh và cảm giác lái phấn khích hơn so với động cơ diesel. Mẫu McLaren W1, với khối động cơ V8 4.0L tăng áp kép kết hợp cùng mô-tơ điện, đạt tổng công suất 1.258 mã lực và mô-men xoắn 1.400 Nm, là minh chứng rõ rệt cho triết lý thiết kế nhẹ, mạnh mẽ và đậm tính công nghệ – điều mà động cơ diesel không thể đáp ứng trong thế giới siêu xe hiệu suất cao.

6. Lotus

Lotus từ lâu đã trung thành với triết lý “giảm trọng lượng là chìa khóa của hiệu năng” do nhà sáng lập Colin Chapman đề xướng. Hãng xe này nổi tiếng với những mẫu xe thể thao nhẹ, sử dụng động cơ nhỏ gọn nhưng mang lại khả năng xử lý linh hoạt và chính xác. Lotus ưu tiên lựa chọn các động cơ xăng cỡ nhỏ, chủ yếu là loại I4 và V6 – nhiều trong số đó được cung cấp bởi Toyota. Với đặc tính nặng nề và cồng kềnh, động cơ diesel hoàn toàn đi ngược lại tinh thần thiết kế tối giản và trọng lượng nhẹ mà Lotus luôn theo đuổi.

Lotus Evija.jpg
Lotus nổi tiếng với những mẫu xe thể thao có động cơ nhỏ gọn và nhẹ nên động cơ diesel sẽ đi ngược với triết lý. Ảnh: Lotus

Hiện nay, dù đã chuyển sang phát triển xe điện với mẫu siêu xe Lotus Evija, hãng vẫn giữ vững triết lý cốt lõi về trọng lượng nhẹ. Evija sở hữu khối lượng chỉ 1.680 kg – con số ấn tượng đối với một mẫu xe điện – cùng công suất gần 2.000 mã lực, cho thấy Lotus tiếp tục theo đuổi sự kết hợp giữa hiệu năng vượt trội và thiết kế tinh giản, đúng với tinh thần mà hãng đã gầy dựng từ những ngày đầu.

Bạn đang hài lòng hay thất vọng với xế cưng của mình? Hãy chia sẻ bài viết trải nghiệm về chiếc xe của mình tới Ban ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!