1, Tốc độ cao, vùng phủ bé và ngược lại
Trong một thử nghiệm tại Los Angeles (Mỹ), nhà mạng AT&T cho tốc độ 5G đạt 1.8Gbps. Tại Chicago, một nhà mạng khác của Mỹ là Verizon cũng cho kết quả 2Gbps tương tự.
Việc hoạt động ở phổ tần mmWave (milimeter wave) cho phép tốc độ 5G tăng vọt. Tuy vậy, tần số cao làm khả năng đâm xuyên của tín hiệu bị kém đi, điều này dẫn tới việc vùng phủ 5G hạn chế hơn hẳn so với 4G.
Việc chọn tần số nhằm cân đối giữa tốc độ và diện tích vùng phủ sóng là một bài toán cần giải khi triển khai mạng 5G. |
Chính vì vậy, có sự chuyển đổi qua lại giữa mạng 5G và 4G trong thực tế. Đây cũng là lý do mà với cùng một nội dung tải xuống, ở nơi có sóng 5G mạnh, thời gian tải xuống chỉ mất 3 phút, trong khi ở một nơi khác xa hơn, người dùng bị chuyển sang mạng 4G và phải mất tới hơn 10 phút.
Để giải quyết điều này, một nhà mạng khác của Mỹ là Sprint sử dụng một phổ tần khác thấp hơn là Sub-6GHz hay Sub-6. Việc sử dụng tần số thấp giúp khả năng đâm xuyên của mạng 5G tốt hơn, từ đó vùng phủ rộng hơn.
2, Trải nghiệm không mượt do chênh lệch tốc độ giữa 4G và 5G
Trong các thử nghiệm của CNET với công cụ Speedtest, tốc độ tải xuống được ghi lại là 400Mbps. Tốc độ này nhanh hơn so với một mạng WiFi gia đình (300Mbps) và nhanh gấp rưỡi mạng 4G của AT&T với chỉ 200 Mbps. Tốc độ nhanh hơn WiFi của 5G khiến nó đặc biệt phù hợp đối với người sống ở khu vực nông thôn hoặc xa khu đô thị.
Tốc độ 5G thường cao hơn đáng kể so với 4G. Chính điều này vô tình lại đem tới trải nghiệm kém mượt khi người dùng lọt vào vùng 5G yếu và buộc phải chuyển sang 4G. |
Cũng giống như việc chuyển đổi từ 3G sang 4G, việc sử dụng so le giữa 4G và 5G cũng sẽ diễn ra trong quá trình triển khai 5G. Như đã nói ở trên, có sự chuyển đổi qua lại giữa mạng 5G và 4G trong thực tế. Do tốc độ chênh lệch giữa 4G và 5G tương đối lớn, người dùng có thể cảm nhận rõ ràng về sự chênh lệch đáng kể này.
Ngoại lệ sẽ chỉ đến tại những quốc gia mà tốc độ mạng 4G ở mức đặc biệt nhanh, như Úc chẳng hạn. Ở một trường hợp khác, tốc độ 4G cũng có thể sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của 5G, trải nghiệm khi chuyển đổi giữa 4G và 5G vì thế cũng sẽ tăng lên đáng kể.
3, Giá điện thoại sẽ cao hơn bởi 5G
Mức giá của những chiếc smartphone đã tăng vọt sau mỗi năm, con số này thậm chí còn cao hơn cả chỉ số lạm phát. Trong tương lai, điều này sẽ tiếp tục diễn ra với sự xuất hiện của mạng 5G. Lý do là bởi để kết nối 5G, những chiếc smartphone buộc phải có chip 5G tương thích.
Hiện tại chỉ có những chiếc điện thoại cao cấp mới có thể tương thích với mạng 5G. |
Ở thời điểm hiện tại, chỉ có một vài mẫu điện thoại có khả năng tương thích với sóng 5G. Có một điểm chung khi tất cả chúng đều là những mẫu smartphone cao cấp.
Giá 1 chiếc Galaxy S10 5G hiện cao hơn khoảng 300 USD so với Galaxy S10 bản 4G. Mức chênh lệch này đến từ kích thước khác nhau, mức dung lượng pin và cả chất lượng máy ảnh nữa. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, những chiếc điện thoại 5G được xếp ở phân khúc giá bán cao hơn hẳn. Đây rõ ràng là một trở ngại lớn đối với người dùng.
4, Người dùng không muốn trả nhiều tiền hơn cho 5G
Các nhà mạng đã chi ra hàng tỷ USD để phát triển mạng 5G. Để bù lại khoản kinh phí này, một số nhà mạng ở Mỹ có chính sách tăng giá dữ liệu. Điều này khiến người dùng phải chi trả nhiều hơn mỗi tháng để được sử dụng mạng 5G.
Ở Châu Âu, các nhà mạng lại có xu hướng đưa thêm các dịch vụ bổ sung vào gói dữ liệu không giới hạn. Ví dụ, người dùng có thể trả một mức tiền cứng hàng tháng để được sử dụng không giới hạn dữ liệu vào mục đích chơi game hoặc xem YouTube.
Các nhà mạng cũng sẽ phải tìm ra giải pháp để vừa khai thác hiệu quả 5G, vừa không khiến người dùng di động cảm thấy bị "móc túi". |
Một nhà mạng là Vodafone thậm chí còn tính cước phí 5G không giới hạn dựa trên tốc độ mong muốn của người dùng. Điều này giúp người dùng có thể lựa chọn chi trả mức phí thấp hơn nếu không cần đến tốc độ Internet quá nhanh.
Cách làm của Châu Âu được đánh giá cao hơn bởi người dùng có thể lựa chọn mức giá cước mà mình mong muốn khi chuyển sang dịch vụ 5G.
5, 5G là kẻ thù của thời lượng pin
Những thử nghiệm của CNET cho thấy, việc sử dụng 5G trên các thiết bị như Moto Z3, Galaxy S10 5G và LG V50 tiêu tốn nhiều pin hơn hẳn so với kết nối 4G.
Các thiết bị tham gia thử nghiệm đều có tốc độ tiêu hao pin nhanh hơn khi sử dụng 5G. Điều này sẽ chỉ được khắc phục khi Qualcomm ra mắt chip Snapdragon X55 nhỏ hơn và giúp tiết kiệm pin cho những chiếc điện thoại 5G thế hệ kế tiếp.
Việc sử dụng 5G khiến dung lượng pin của thiết bị giảm đi nhanh chóng. |
6, Ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đến thiết bị 5G
Vào những tháng hè, khi nhiệt độ ngoài trời lên mức 32 độ C, thử nghiệm của CNET cho thấy, họ đã phải chuyển kết nối từ 5G xuống 4G. Lý do là bởi sóng cao tần mmWave cùng việc xử lý các tác vụ nặng khiến chiếc điện thoại trở nên quá nóng. Do vậy, giải pháp đưa ra là chuyển về 4G để có thể hạ nhiệt cho thiết bị.
Cùng với Sub-6, mmWave là một trong hai dải tần được lựa chọn để phát triển mạng 5G. Tuy vậy, tần số cao đôi khi sẽ khiến thiết bị nhanh nóng hơn, đặc biệt là khi phải xử lý các tác vụ nặng như streaming hoắc hiệu ứng ảnh phức tạp trong điều kiện thời tiết nóng bức.
Với Sub-6, vấn đề nóng máy dường như không gặp phải ở cùng điều kiện 32 độ C. Diện tích vùng phủ của Sub-6 cũng cao hơn, tuy nhiên dải tần này lại gặp hạn chế về vấn đề tốc độ.
Tuấn nghĩa (Theo CNET)