Trong quá trình viết bài, chúng tôi nhận thấy không chỉ những gia đình trẻ điều kiện khó khăn phải đau đầu với việc quản lý chi tiêu, nhiều gia đình hai vợ chồng thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng cũng vẫn phải loay hoay với việc tiết kiệm.
Tiết kiệm nhờ “công thức 6 chiếc lọ”
Là nhân viên, không kinh doanh gì thêm, thu nhập ổn định của vợ chồng anh Lê Quang Hải (giáo viên dạy thanh nhạc) và chị Ngọc Anh (nhân viên thuộc Tập đoàn FPT) ở mức gần 20 triệu đồng/tháng. Sau 6 năm kết hôn, anh chị có con trai 4 tuổi, tài sản là căn hộ chung cư mua trả góp.
Chị Ngọc Anh cho biết, để mua được nhà chị phải tích lũy 45% tổng thu nhập của gia đình mỗi tháng. Tiền lương vợ chồng được phân bổ trong 6 chiếc lọ, lọ nào chi riêng cho khoản ấy. Lọ 1 (chiếm 55% thu nhập) dành cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình. Lọ 2 chứa khoản tiền tương đương 10% thu nhập dành cho việc mua sắm, giải trí.
Vợ chồng Thu Hà thường đi ăn ở những nhà hàng Âu dịp cuối tuần. |
10% thu nhập khác được cho vào lọ thứ ba để chi cho giáo dục - phát triển bản thân, mua sách vở cho con... 20% thu nhập khác cho lần lượt vào lọ thứ 4 và thứ 5 để tiết kiệm làm quỹ tự do tài chính, dành vốn để kinh doanh và tiết kiệm dài hạn. 5% thu nhập còn lại dành cho việc từ thiện, đối ngoại, hiếu hỉ, giúp đỡ người thân trong gia đình.
Nhiều năm nay kế hoạch chi tiêu của chị Ngọc Anh được tuân thủ chặt chẽ. Mỗi bữa ăn gia đình 3 người chỉ được phép chi 50 nghìn đồng tiền thức ăn, liên tục đổi món, cách chế biến với đầy đủ dưỡng chất.
Chị Nguyễn Minh Huệ, 30 tuổi, ở phường Thạch Bàn, Long Biên (Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị cũng mua nhà chung cư sau 5 năm cưới nhau nhờ khoản tiết kiệm từ lương nhờ cách chi tiêu áp dụng tương tự như gia đình chị Ngọc Anh. Để nhận được căn nhà, hiện tại mỗi tháng chị cũng phải trả lãi suất ngân hàng 5 triệu đồng từ gói vay nhà ở xã hội.
Bữa ăn có mức “khoán chi” 50 nghìn đồng tiền thức ăn của chị Ngọc Anh. |
Không kế hoạch, bao nhiêu cũng hết
Chị Nguyễn Thu Hà, có mức thu nhập đáng mơ ước lên tới 50 triệu đồng nhờ giữ vị trí phụ trách kinh doanh của Cty Cổ phần chứng nhận và giám định (Vinacert) trong khi chồng là đầu bếp người Pháp với mức lương cao hơn cô vài chục triệu đồng.
Dù thu nhập trên 100 triệu/tháng nhưng vợ chồng chị Hà hiện vẫn đi thuê nhà do các khoản chi tiêu hàng tháng “vô cùng tốn kém”. “Con tôi học trường quốc tế mỗi tháng hơn 10 triệu đồng học phí, đứa nhỏ 4 tuổi gửi mẫu giáo trường tư cũng hết 2,5 triệu đồng, tiền thuê nhà 16 triệu đồng, trả lương giúp việc hơn 4 triệu đồng, ăn nhà hàng tất cả dịp cuối tuần nhẹ nhàng cũng hết 10 triệu đồng.
Tháng nào cũng ngót nghét 70-80 triệu đồng cho gia đình 4 người”, chị Hà thống kê và cho biết do “ít tính toán” nên cũng có tháng chi tiêu của cả gia đình tới cả trăm triệu đồng.
“Nhà có sẵn, chỉ ăn uống chi tiêu mà tháng nào cũng hết veo thu nhập chị ạ. Sợ nhất là khoản shopping của em, nào váy áo mới, nước hoa, túi xách…tháng nào cũng tốn tới chục triệu đồng chưa kể đi ăn nhà hàng, liên hoan, du lịch. Vợ chồng em giống nhau, để tiền trong nhà như “kiến cắn trong người” nên cứ làm ra bao nhiêu tiêu hết”, chị Trịnh Thu Lý, ở phố Thái Hà (Hà Nội) |
Tuy không có thu nhập thuộc diện “khủng” như chị Thu Hà, nhưng vợ chồng chị Trịnh Thu Lý, 26 tuổi, hiện ở phố Thái Hà (Hà Nội) cũng có mức thu nhập dạng khá, hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Lý cho biết vợ chồng chị dù chưa sinh con nhưng vẫn không thể tiết kiệm được, làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu do không lập được kế hoạch chi tiêu. Chị Lý cho biết, khi có con sẽ học tập kinh nghiệm những thủ quỹ gia đình giỏi để có kế hoạch chi tiêu hợp lý, có khoản tích lũy đầu tư cho con cái học hành.
Trao đổi với PV, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng, môi trường giáo dục và cách sinh hoạt của từng cá nhân chịu ảnh hưởng rất lớn từ bố mẹ và sau này quyết định đến đời sống mỗi người, nhất là khi họ trưởng thành, lập gia đình. “Truyền thống người Việt Nam rất tiết kiệm nên hầu hết việc chi tiêu ngay từ ngày nhỏ được cha mẹ hướng dẫn, dạy bảo.
Ở các nước tiên tiến, trẻ em được học cách quản lý tài chính cá nhân từ rất sớm, nhưng ở Việt Nam chưa có nên việc chi tiêu trong mỗi gia đình khác nhau. Hơn nữa, do tốc độ đô thị hóa nhanh, mức chi tiêu cho cuộc sống ở thành phố đắt đỏ hơn đòi hỏi mỗi người càng cần phải tự trang bị kiến thức quản lý tài chính cá nhân, chi tiêu cho gia đình một các hợp lý, hiệu quả”, ông Ngô Trí Long nói.
(Theo Tiền Phong)