Không thể phủ nhận vai trò của 5G đối với chuyển đổi số nói chung và đô thị thông minh nói riêng. 5G sẽ sớm trở thành phương tiện kết nối không dây chủ đạo thay thế Wi-Fi và mạng di động 4G trong các kết nối đòi hỏi tốc độ cao như nhà máy thông minh, y tế từ xa, xe tự lái… bên trong thành phố thông minh.

Ông Santhosh Viswanathan, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Intel khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khối Kinh doanh, Tiếp thị & Truyền thông, khẳng định nhờ công suất mạng di động tốc độ cao, tính linh hoạt đáng kinh ngạc và độ trễ thấp, mạng 5G sẽ tạo ra các mô hình sử dụng mới, từ các nhà máy và thành phố thông minh hỗ trợ 5G đến các thiết bị y tế thông minh và được kết nối liên tục.

{keywords}
Một gian hàng triển lãm giải pháp đô thị thông minh của VNPT. (Ảnh: Hải Đăng)

Đồng tình với quan điểm trên, giảng viên Trần Quang Thanh (Khoa Điện - Điện tử, ĐH GTVT), khẳng định công nghệ di động 5G, với sự phủ sóng rộng rãi của mình, sẽ đóng vai trò hạ tầng mạng quan trọng để cung cấp dịch vụ và giúp thành phố thông minh vượt qua những thách thức liên quan đến sự gia tăng tỉ lệ đô thị hoá.

Theo ông Thanh, các thành phố thông minh trên thế giới cung cấp nhiều dịch vụ giống nhau, chẳng hạn như lưới điện thông minh, cảm biến giao thông và dữ liệu đô thị mở, ngoài ra là các công nghệ đang phát triển như xe tự hành, mạng IoT và các nguồn năng lượng tái tạo.

Trong lĩnh vực đời sống, các ứng dụng của thành phố thông minh tập trung vào các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, kiểm soát ô nhiễm, phúc lợi xã hội, quản lý các khu công cộng, đảm bảo an ninh an toàn cho cư dân, các vấn đề liên quan đến văn hóa,...

Về giao thông vận tải, thành phố thông minh có các ứng dụng liên quan đến vận hành giao thông, thông tin và an toàn giao thông, thông tin về các bãi đỗ xe thông minh, dịch vụ vận chuyển hậu cần trong thành phố, và cả các ứng dụng dành cho người khuyết tật và người có nhu cầu đặc biệt, cũng như khái niệm giao thông thông minh… 

Ngoài ra, còn nhiều ứng dụng khác liên quan đến tài nguyên, chính phủ điện tử, y tế, giáo dục,…

Theo ông Thành, các ứng dụng nêu trên của thành phố thông minh đều được xây dựng trên nền tảng truyền thông là mạng di động 5G và kết nối thiết bị tới thiết bị, một mô hình trong mạng di động, cho phép tương tác trực tiếp giữa các thiết bị người dùng gần nhau, giảm thiểu việc truyền dữ liệu trong mạng truy cập vô tuyến. 

Do tầm quan trọng của 5G, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thử nghiệm mạng này từ năm 2019. Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với 3 nội dung chính, bao gồm Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, dự kiến nền kinh tế số sẽ có thể đóng góp 20% vào GDP năm 2025.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, ông Santhosh Viswanathan nhận định công nghệ 5G chính là chìa khóa cho mục tiêu chuyển đổi số sâu và rộng mà Việt Nam đang cần đến, nhất là trong giai đoạn hồi phục kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch.

Tuy vậy, đại diện Intel nhận định 5G chưa thể là cứu cánh ngay lập tức cho các giải pháp chuyển đổi số hay đô thị thông minh.

Từ nay cho tới 2025, các nhà khai thác mạng lớn trên thế giới dự kiến sẽ cần nguồn đầu tư gần 880 tỷ USD vào mạng 5G. Trong khi đó, các nhà mạng tại Việt Nam dự kiến cần khoản đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD đến năm 2025 nhằm phục vụ phát triển mạng 5G trong nước.

Do vậy, ông Santhosh Viswanathan nhận định con đường chinh phục và khai phá toàn bộ sức mạnh của hệ thống mạng 5G sẽ không thể diễn ra tức thì. Mỗi thế hệ di động đều cần được triển khai qua nhiều đợt thử nghiệm, cải tiến mạng và kích hoạt các tính năng mới qua nhiều năm.

Thực tế cho thấy phải mất khoảng 10 năm để phát huy hết tiềm năng của mạng 4G. Mạng 5G hiện đang trong giai đoạn đầu triển khai, và các nhà cung cấp dịch vụ vẫn đang tiếp tục triển khai để đưa mạng 5G đến tay người dùng.

Dù mất thời gian nhưng đại diện Intel cho hay người dùng sẽ có thể nhận ra nhiều tính năng mới luân phiên xuất hiện với tốc độ ngày càng tăng trên mạng 5G.

Hải Đăng

Việt Nam sẽ triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Vietnam

Việt Nam sẽ triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Vietnam

Bộ TT&TT xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Vietnam. Hiện thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã đầy đủ ở các phân lớp hệ thống mạng.