Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, cùng với 5 CSDL quốc gia khác là dân cư, đăng ký doanh nghiệp, thống kê tổng hợp về dân số, tài chính và bảo hiểm.
Đây cũng là CSDL quốc gia duy nhất trong 6 hệ thống nêu trên hiện vẫn chưa được hoàn thành. Trên diễn đàn Quốc hội hồi đầu tháng 11/2022, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã bày tỏ sự lo ngại về việc CSDL đất đai quốc gia còn chậm được triển khai.
Theo Bộ TT&TT, trong 6 CSDL quốc gia, CSDL đất đai quốc gia là hệ thống khó khăn nhất trong triển khai, đặc biệt là vấn đề thu thập dữ liệu đất đai đến từng hộ gia đình, đến từng mét vuông và thực hiện số hóa. Cùng với đó, còn có những khó khăn trong quan điểm về xây dựng CSDL tập trung hay phân tán, tập trung mức nào, phân tán mức nào, địa phương hay Trung ương.
Với vai trò là cơ quan đầu mối, điều phối và dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã đánh giá và có khuyến nghị Bộ TN&MT sử dụng nền tảng số Việt Nam, dùng công nghệ Việt Nam để xây dựng CSDL đất đai. Thời gian qua, Bộ cũng đã cùng Bộ TN&MT đôn đốc thực hiện, tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng CSDL quốc gia đất đai. Với sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, hệ thống thông tin đất đai tại nhiều địa phương đã và đang được hình thành.
Số liệu từ Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho hay, đến trung tuần tháng 12/2022 tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng CSDL đất đai, với 217/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thường xuyên tại văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh của các tỉnh, thành phố. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị đang tiếp tục xây dựng CSDL 250 huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2023.
Theo Bộ TN&MT, hệ thống CSDL đất đai quốc gia đang được xây dựng gồm 6 thành phần chính là CSDL Địa chính; CSDL Thống kê, kiểm kê đất đai; CSDL Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; CSDL về giá đất; CSDL điều tra đánh giá đất đai; CSDL khác liên quan đến đất đai. Trong từng CSDL thành phần sẽ bao gồm CSDL do Trung ương xây dựng và CSDL được tổng hợp trích chọn từ CSDL ở các địa phương.
Trong đó, CSDL địa chính ở Trung ương được tổng hợp, trích chọn và đồng bộ từ CSDL địa chính ở địa phương qua chức năng “Quản lý tích hợp và đồng bộ”, do đó luôn đảm bảo tính pháp lý của dữ liệu theo thời gian thực. Việc quản lý cơ sở dữ liệu địa chính ở Trung ương cũng đảm bảo quản lý, tổng hợp được tình hình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của từng địa phương.
Bộ TN&MT cũng cho biết, với mô hình vận hành CSDL đất đai tập trung cấp Trung ương, đến trước ngày 29/12, CSDL đất đai quốc gia đã liên thông, kết nối được với hệ thống thông tin của cơ quan thuế và hệ thống một cửa hành chính công. Cụ thể, đã có 27 địa phương kết nối, liên thông với cơ quan thuế và 14 tỉnh, thành phố kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin một cửa hành chính công.
Đáng chú ý, tối ngày 29/12, CSDL đất đai quốc gia đã chính thức kết nối với CSDL quốc gia về dân cư. Sự kiện này vừa được chọn là 1 trong 9 sự kiện tiêu biểu của ngành TN&MT trong năm 2022.
Theo đó, hệ thống đã được hoàn thành về cấu trúc, mô hình và nền tảng CNTT để kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ CSDL đất đai quốc gia và CSDL quốc gia về dân cư trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.
Hiện nay, đã có 56 tỉnh, thành phố kết nối thành công dữ liệu đất đai với CSDL quốc gia về dân cư. Cụ thể là, kết nối và khai thác dữ liệu đất đai cho nghiệp vụ cư trú và bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; kết nối, sử dụng dữ liệu dân cư để thực hiện nghiệp vụ về quản lý sử dụng đất đai và công tác xây dựng CSDL đất đai quốc gia.