Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Tạ Mạnh Hùng vừa ký quyết định thu hồi 51 số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do đơn vị này cấp đối với 51 sản phẩm mỹ phẩm.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH Mỹ Hương (Địa chỉ ghi trên Phiếu công bố: Số nhà 8, tổ 7, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 0105043096).
Lý do thu hồi là do công ty không có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
51 sản phẩm gồm: Bellessere oil (phiếu công bố số 70143/18/CBMP-QLD 18/07/2018); Volume E Corposita' cond (số phiếu công bố 70144/18/CBMP-QLD 18/07/2018); Actyva P Factor Lotion Donna Intensive (số phiếu công bố 87870/19/CBMP-QLD 24/01/2019); Uni. Color Oxi 20Vol (số phiếu công bố 87872/19/CBMP-QLD 24/01/2019); Actyva P Factor Scalp (số phiếu công bố 87873/19/CBMP-QLD 24/01/2019)... và các sản phẩm khác.
Danh sách 51 sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm tại đây. Trong danh sách này, có nhiều loại sản phẩm nhuộm tóc, tẩy tóc, bảo vệ tóc...
Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi sản phẩm mỹ phẩm khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF - Product Information File) theo hướng dẫn của ASEAN lưu giữ tại địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Hồ sơ thông tin sản phẩm mỹ phẩm gồm: Tài liệu hành chính và tóm tắt về sản phẩm; Chất lượng của nguyên liệu; Chất lượng của thành phẩm; An toàn và hiệu quả.
Theo quy định, phần tài liệu hành chính và tóm tắt về sản phẩm của Hồ sơ này phải được xuất trình ngay cho cơ quan kiểm tra, thanh tra khi được yêu cầu; các phần khác nếu chưa đầy đủ thì xuất trình trong vòng 15-60 ngày kể từ ngày kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm là số do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp khi tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm. Số này có giá trị chứng nhận sản phẩm mỹ phẩm đã được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường khai báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc mỹ phẩm sẽ được lưu thông trên thị trường, không có giá trị chứng nhận sản phẩm đó đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, đáp ứng tất cả các yêu cầu của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN và các phụ lục (Annexes) kèm theo.