Câu chuyện trong 50 năm của mẫu siêu xe hiệu suất cao Dodge Challenger - một trong những biểu tượng đương đại của dòng xe cơ bắp Mỹ sẽ được giới thiệu ngay sau đây, từ bối cảnh ra đời, giai đoạn khó khăn đến sự trỗi dậy và định hướng cho tương lai.
Quãng đường 50 năm của siêu xe cơ bắp Dodge Challenger |
Sự bắt đầu muộn màng và “chết yểu” sau 4 năm
Challenger thế hệ đầu tiên ra đời vào năm 1970, được định hình là chiếc xe cơ bắp điển hình của Mỹ, mạnh mẽ, giá rẻ và tiết kiệm nhiên liệu. Nó cũng đi kèm với kiểu dáng đẹp lạ và một số yếu tố thú vị khác. Challenger ban đầu được sử dụng động cơ cơ sở V6 và V8 với dung tích xy-lanh 7.2 lít, công suất cực đại khoảng 375 mã lực.
Dodge Challenger có sự khởi đầu hơi muộn so với các đối thủ |
Tuy vậy, Dodge đã bắt đầu hơi muộn. Trước đó, vào năm 1964, Ford Mustang đã ra đời và sớm giành được thị phần lớn trong phân khúc xe cơ bắp tại Mỹ. Challenger đã bị lu mờ trước các đối thủ cũng như chính những “người anh em” trong nhà khiến Dodge buộc phải thay đổi.
Dodge Challenger Ralley với thiết kế "miệng buồn" |
Vào năm 1972, phiên bản Challenger Ralley xuất hiện với thiết kế “miệng buồn” khá đặc biệt. Một số người gọi đây là một chiếc xe ngựa vì phía sau ngắn hơn, đi kèm với hiệu suất cao dựa trên nền tảng Barracuda E-Body. Các đặc điểm nổi bật của Challenger là: Mui xe dài, cốp phía sau lớn, đèn pha kép hình tròn, lưới tản nhiệt được mạ viền crom,… khiến nó nổi bật giữa đám đông.
Mui xe dài, cốp phía sau lớn, đèn pha kép hình tròn, lưới tản nhiệt được mạ viền crom,... là những đặc trưng trong thiết kế của Challenger. |
Thế nhưng, cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 kéo theo hàng loạt quy định mới về kiểm soát khí thải tại Mỹ như một cú đấm kép vào các dòng xe có dung tích xy-lanh cao, khiến mọi thứ thay đổi. Năm 1974, nhiều mẫu xe cơ bắp khác đã phải rút khỏi thị trường, trong đó có Challenger.
Năm 1974, Dodge đã dừng sản xuất các mẫu xe hiệu suất cao do cuộc khủng hoảng dầu mỏ. |
Trở lại với xe Mỹ lai Nhật
Năm 1978, Dodge hồi sinh Challenger với sự hợp tác cùng hãng xe Nhật Bản Mitsubishi để chế tạo một chiếc xe dẫn động cầu trước như Honda Prelude, Nissan 200SX và Toyota Celica.
Dodge Challenger giai đoạn 1978 có nét "hao hao" một chiếc xe Nhật. |
Challenger được thiết kế sang trọng hơn và đặc biệt là Dodge đã bỏ kiểu động cơ V8 tốn xăng quen thuộc, thay vào đó là sử dụng động cơ 4 xy-lanh 1.6 lít hoặc 2.6 lít, công suất khá “đuối”, chỉ 76 hoặc 105 mã lực. Nhiều người cho rằng, Challenger giai đoạn này không khác mấy với chiếc Mitsubishi Galant Lambda GSR.
Đây là một chiếc xe tốt với nhiều cải tiến, nhưng nó không còn mang nhiều bản sắc chất Mỹ cơ bắp của Challenger. Thế hệ này cũng chỉ tồn tại một thời gian và đến năm 1983, nó đã được cho “nghỉ hưu”.
Giai đoạn hồi sinh
Đến 15 năm sau, vào năm 2008, thế hệ thứ ba của Dodge Challenger mới xuất hiện với sự mong đợi của nhiều người, và nó đã tạo ra một cơn sốt thực sự mà hai thế hệ trước không thể tạo ra. Chiếc xe có vẻ vừa hiện đại nhưng vẫn rất cơ bắp, với một số điểm nhấn trong thiết kế như phần mui xe dài, phía sau ngắn và đèn pha kép hình tròn.
Quãng đường 50 năm của siêu xe cơ bắp Dodge Challenger |
Quan trọng nhất, khối động cơ V8 đã trở lại với sức mạnh khủng khiếp. Sau đó, khối động cơ V6 cũng được đưa vào sản xuất song song nhằm giảm giá chiếc xe, điều này đã khiến chiếc Dodge Challenger tiếp cận được với đông đảo tín đồ mê tốc độ hơn với mức giá vừa phải.
Động cơ V8 đã trở lại với Dodge Challenger |
Vào năm 2011, Challenger được làm mới một lần nữa, lần này có nhiều điểm nhấn hơn, màu sắc và thậm chí là động cơ hoạt động tốt hơn thế hệ cũ. Dodge đã “nhồi” vào chiếc xe nhiều chế độ an toàn như: Hỗ trợ phanh, cảnh báo phanh, hỗ trợ phanh khi trời mưa,... Thêm vào đó là hệ thống kiểm soát ổn định điện tử và hỗ trợ khởi hành ngang dốc để lái xe an toàn hơn.
Phần nội thất được thiết kế rất cao cấp với ghế và vô lăng bọc da với nhiều tiện ích công nghệ phía trong ca-bin khiến người tiêu dùng cảm thấy đây là một chiếc xe vừa mạnh mẽ vừa an toàn.
Không chỉ mạnh mẽ, hàng loạt công nghệ an toàn mới nhất cũng được "nhồi" lên mẫu xe này trong thế hệ thứ ba. |
Phiên bản đương thời Hellcat & Demon
2015, Dodge ra mắt phiên bản là Challenger SRT Hellcat và Challenger SRT Demon vào 2018. Hai mẫu xe này đã cho thấy sức mạnh của Dodge với thế giới theo cách chưa từng có trước đây, trở thành mẫu xe cơ bắp phổ biến và có doanh số cao bậc nhất thị trường Mỹ.
Dodge Challenger SRT Demon 2021 đạt công suất tới 840 mã lực |
Một lần nữa, chất cơ bắp đặc trưng của Mỹ được khẳng định. Năm 2018, chiếc Challenger Demon tạo ra công suất tới 808 mã lực. Và không dừng lại ở đó, phiên bản Demon 2021 còn tạo ra công suất đến 840 mã lực. Còn phiên bản “đàn em” là Demon 2021 cũng tạo ra được công suất 717 mã lực một cách dễ dàng.
Cuộc đua về công suất của các dòng xe cơ bắp tại Mỹ vẫn chưa có hồi kết. Và có lẽ, người Mỹ với cá tính mạnh mẽ luôn thích điều này.
Tương lai có thể có Challenger điện
Có thể có Dodge Challenger hybrid hoặc chạy điện trong tương lai không xa |
Tuy đang thăng hoa ở thời điểm hiện tai, song các nhà lãnh đạo của Dodge vẫn nắm bắt được xu hướng “điện hoá” trong tương lai gần. Họ cảm nhận được sự cần thiết phải sớm cho ra đời các dòng xe điện để bảo vệ môi trường, điều đó cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ Mỹ trong nhiều năm tới.
Dodge đang chứng tỏ mình rất giỏi trong việc thay đổi, đó là lý do tại sao họ đã có lộ trình dừng sản xuất các mẫu SRT của mình.
Tương lai của Dodge có thể là hybrid hoặc thậm chí chạy điện cho Challenger. Và dù chuyển sang chạy điện thì chắc chắn rằng, Dodge Challenger vẫn sẽ vẫn là một chiếc xe cơ bắp dẫn đầu xu thế.
Hoàng Hiệp (theo Hot Cars)
Trân trọng mời độc giả gửi tin bài cộng tác về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Những mẫu siêu xe mất giá thảm hại nhất
Nhiều mẫu siêu xe thể thao sau vài năm ra mắt đã bị mất giá nhanh đến chóng mặt, thậm chí có những xe đã giảm giá tới gần 200.000 đô la mà vẫn “ế”.