Chị N.T.T (29 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) là bệnh nhân ung thư vú đang điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bảy tháng trước, chị T. phát hiện trên ngực có một nhân to như hạt lạc. Tuy nhiên, chị nghĩ đây là sẹo do tắc tuyến sữa khi sinh con nên không đi khám. Khi khối u to hơn, sờ rắn đanh, chị mới đến bệnh viện kiểm tra.
Bác sĩ khám lâm sàng nghi ngờ chị T. bị ung thư vú và cho chụp nhũ ảnh. Kết luận theo dõi ung thư vú trái và phải làm phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú, vét hạch nách. Giải phẫu bệnh tức thì chẩn đoán ung thư vú. Sau đó, chị T. phải sử dụng các biện pháp điều trị thuốc đích. Người phụ nữ trẻ ân hận vì không đi khám sớm khi bệnh ở giai đoạn sớm giúp việc điều trị hiệu quả cao hơn.
"Tôi nghĩ ung thư vú chỉ phổ biến ở người có tuổi, không nghĩ rằng căn bệnh này lại đến với mình”, chị T. chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Long - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chị T. bị ung thư vú trái ở ở giai đoạn 2. Quá trình phẫu thuật cắt tổn thương ung thư, nạo vét hạch và phẫu thuật tạo hình lại vú trái bằng vạt DIEP (toàn bộ tổ chức da và mỡ thừa ở vùng bụng) để che lấp lại vùng khuyết hổng ở tuyến vú. Bên vú đã phẫu thuật sau khi tạo hình cân đối với bên phải.
Số liệu của GLOBOCAN 2022 cho thấy, trước đây, ung thư vú có tỷ lệ mắc xếp sau các loại ung thư khác, nhưng hiện nay đã vươn lên vị trí số 2 trên thế giới và đứng đầu tại Việt Nam. Mỗi năm, thế giới ghi nhận khoảng trên 2 triệu ca mắc bệnh, tại Việt Nam riêng năm 2022 ghi nhận gần 25.000 ca.
Bác sĩ Long cho biết thêm, ung thư vú ở giai đoạn sớm có tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 90%, thậm chí 98%. Nếu ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt dưới 20%.
Ung thư vú thường gặp ở người 40 tuổi trở lên nhưng thời gian gần đây, bệnh gặp ở người trẻ thậm chí mới 20 tuổi.
Yếu tố gây ung thư vú
- Khoảng 5-10% các trường hợp ung thư vú do di truyền và gây ra bởi các đột biến di truyền trong gene BRCA1 (gen ung thư vú 1) và BRCA2 (gen ung thư vú 2) được truyền từ cha mẹ sang con cái.
- Nhịp sống thay đổi, cường độ làm việc cao, nhịp công việc, giờ giấc không còn như trước dẫn đến hàng loạt thay đổi như lười vận động, hút thuốc và uống rượu ở phụ nữ.
- Sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai.
- Phụ nữ mãn kinh sớm hoặc mãn kinh muộn, sinh con muộn, song thai.
- Phụ nữ thừa cân, béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Độ tuổi nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú
Ung thư vú giai đoạn sớm dấu hiệu không rõ ràng, chủ yếu phát hiện qua tầm soát. Nhóm đối tượng cần tầm soát như:
Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nên bắt đầu định kỳ đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa 1 năm một lần. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên khám sàng lọc ung thư vú hằng năm bằng chụp X-quang tuyến vú.
Những người có nguy cơ cao như có đột biến BRCA; bố, mẹ, anh chị em ruột mang đột biến BRCA; có tiền sử xạ trị vào vùng ngực từ 10 đến 30 tuổi... nên tầm soát thêm bằng chụp MRI tuyến vú hằng năm bắt đầu từ tuổi 30.
Chị em nên đi khám ngay khi có các dấu hiệu như một bên vú dày chắc hơn bên kia; núm vú dẹt hơn, thụt vào trong, tiết dịch có thể lẫn kèm máu; da của núm vú có thể trở nên sần sùi, có vảy, hay viêm, da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường.