Chiều 1/7, Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức tọa đàm "Liên kết phát triển vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) trong bối cảnh mới".

Vùng KTTĐ miền Trung gồm các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Nhiều thách thức

Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, Quảng Nam được xem giữ vai trò là nhân tố quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhiều hạ tầng chiến lược, như: Sân bay, cảng biển tại Khu kinh tế mở Chu Lai là điều kiện thuận lợi để kết nối Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Quy mô và cơ cấu kinh tế Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có tiềm lực kinh tế, thị trường thu hút các dự án đầu tư và đóng góp cho ngân sách Trung ương....

Tuy nhiên, các thách thức về giao thông, môi trường, dân số, hiện tượng cực đoan về biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thời gian gần đây… đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả vùng và của từng địa phương. 

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ngãi cho biết, trong bối cảnh kinh tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế miền Trung và cả nước.

“Chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng chuyển đổi số, cuộc sống số, kinh tế số… cùng với đó là khí hậu, mưa gió thất thường tại miền Trung.

Nhưng điều quan trọng, chúng ta đang có cơ hội tiếp cận với các hiệp định thương mại tự do. Từ đó, vùng kinh tế miền Trung sẽ nhận thức ưu thế của mình để tận dụng và hỗ trợ lẫn nhau”, bà Vân nói.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân

Bí thư tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu nhìn nhận, kinh tế biển và du lịch là những yếu tố này tạo cơ hội mới đầu tư cho KTTĐ miền Trung. Mặt khác, môi trường đầu tư của miền Trung hiện đang rất phát triển. Tuy nhiên, để có được những thành công đó cần có sự hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương. 

Đang là "vùng trũng", chưa đáp ứng kỳ vọng

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho hay, phát triển vùng KTTĐ miền Trung còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương, đang là “vùng trũng” trong các vùng KTTĐ khác của cả nước. 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đưa ra những tồn tại, hạn chế của vùng KTTĐ miền Trung như: Tăng trưởng kinh tế còn thiếu ổn định; quy mô kinh tế còn nhỏ, khoảng cách phát triển giữa các địa phương gia tăng nhất là mật độ kinh tế; quy hoạch phát triển vùng KTTĐ miền Trung còn nhiều bất cập.

Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ cản trở tổ chức không gian phát triển; diện tích lớn trong khi nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; các đô thị thiếu liên kết thành một hệ thống thống nhất, vai trò hạt nhân của TP Đà Nẵng chưa cao.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương 

Cùng với đó, tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển nhất là tài nguyên biển; tỷ lệ lao động lành nghề thấp; thiếu hụt lao động chất lượng cao; doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế… 

Đặc biệt, cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành (như Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng...), nhưng chưa mang lại nhiều kết quả do thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương, xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng; lợi thế cấp vùng của nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.

Bốn lĩnh vực phải liên kết phát triển

TS Trần Du Lịch, nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đưa ra một số giải pháp, từ kinh nghiệm thực tiễn của 20 năm, nên thực hiện việc quy hoạch tốt hơn, nhất là tiểu vùng kinh tế gắn kết cơ cấu hình thành rõ rệt trên 4 lĩnh vực gồm phân bố lực lượng sản xuất;  kết nối hạ tầng giao thông; đào tạo nguồn nhân lực; giải quyết môi trường chung. Bốn lĩnh vực phải liên kết phát triển.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại buổi toạ đàm

"Trong tương lai tiếp tục xác định vùng KTTĐ để có một số chính sách cần thiết tạo động lực cho vùng này phát triển. Tôi tin rằng, sau tổng kết có một nghị quyết mới cho vùng để có thể tạo động lực mới cho sự phát triển", ông Lịch kỳ vọng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương gợi mở, để kinh tế vùng phát triển cần chủ động phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin của bộ, ngành, địa phương và thông tin vùng nhằm hướng tới tăng cường chia sẻ và tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nâng cao tần suất, hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Mặt khác, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng và các hệ lụy do thiếu hợp tác đối với nền kinh tế quốc gia, vùng và địa phương.

Cùng với đó, rà soát, kiện toàn trong hoạt động đầu tư nâng cấp, tăng cường tiềm lực đối với các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành trung ương đóng tại các vùng kinh tế - xã hội để các cơ sở này có đủ năng lực và điều kiện để giải quyết các vấn đề đặt ra của vùng.

Toàn cảnh buổi toạ đàm

“Thường xuyên trao đổi, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách phát triển vùng, từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời…”, Thứ trưởng nói.

Trong giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng được duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm). Giai đoạn 2011-2019 có sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể so với thời kỳ trước (8,14%), song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm). 

TP Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng, bình quân 12,05%/năm. Tiếp đến là Quảng Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,58%/năm. Quảng Ngãi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong thời kỳ dài (11,19%/năm). Tỉnh Bình Định có tốc độ tăng trưởng khoảng 8,73%/năm.

Công Sáng