Cháo lòng Bà Út trên đường Cô Giang, bánh canh bán trong vòng 1 tiếng đồng hồ trên đường Nguyễn Phi Khanh hay gánh súp cua ngon, bổ, rẻ ở ngay gần Nhà thờ Đức Bà là những quán bình dân người Sài Gòn nào cũng biết tiếng.
Hàng loạt cao ốc, khu văn phòng hoành tráng, lãnh sự quán các nước và nhà cao tầng đều tập trung tại quận 1 Sài Gòn, thế nên nói đây là quận sầm uất và có mức sống cao nhất của Thành phố về mọi phương diện cũng chẳng hề quá lời. Dẫu vậy ở đây vẫn có rất nhiều quán xá bình dân nổi tiếng, hấp dẫn thực khách.
1. Cháo lòng Bà Út, đường Cô Giang
Quán cháo lòng hơn 80 năm tuổi của bà Út trên đường Cô Giang đến nay đã trải qua 3 thế hệ, trong đó riêng bà Út đã bán hơn 60 năm. Dù chỉ là quán lề đường nhưng nhờ hương vị đặc biệt mà quán của bà đã có hương hiệu riêng và thu hút được rất nhiều thực khách.
Nhiều người nghiện cháo lòng Cô Giang đến nỗi dù đã ra nước ngoài sinh sống nhiều năm nhưng cứ về Sài Gòn là phải đến ăn. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi như ca sĩ Lý Hải, nhạc sĩ Đình Văn, nghệ sĩ hài Nguyên Hạnh, Kim Ngọc, nghệ sĩ cải lương Bạch Mai… cũng là khách quen của quán.
Gánh cháo lòng ở lề đường Cô Giang từ lâu đã trở thành điểm ăn sáng quen thuộc của nhiều người dân sống ở khu vực này |
Cháo lòng ở đây vẫn cách nấu truyền thống của người Sài Gòn xưa đó là dùng hai chiếc thau nhôm úp ngược và hàn chúng lại để thành chiếc nồi. Cháo lòng bà Út nổi tiếng bởi đồ ăn kèm ngon và sạch. Ngoài gan, huyết, lòng non, dồi trường, tim, dạ dày...mỗi phần cháo còn có một miếng xương sườn. đặc biệt có dồi và nước mắm chấm do quán tự làm rất đặc trưng.
Cháo ở đây được nấu trong chiếc nồi đặc biệt, hàn từ 2 chiếc nồi úp ngược. Theo bà Út chia sẻ, kiểu nồi giúp cháo nóng lâu hơn |
Lòng, dồi của quán này có tiếng là ngon, sạch, ăn là nhớ mãi |
Cháo lòng ở đây trông khá đặc biệt từ màu sắc đến hương vị. Cháo có màu xỉn hơi ngả đen nhờ được nấu cùng huyết tươi, được pha chế và luộc theo công thức gia truyền. Gạo tẻ sau khi được rang vàng mới được nấu chín nhừ, sánh đặc. Huyết vì được pha và luộc tại nhà nên đạt được độ mềm, dai vừa đủ chứ không như huyết luộc sẵn bán ngoài chợ.
Cháo sánh vừa phải ăn kèm quẩy |
2. Bánh canh Nguyễn Phi Khanh
Nói đến quán ăn nổi tiếng ở quận 1, không thể không nhắc đến quán bánh canh của bác Huối trên đường Nguyễn Phi Khanh. Đây là một trong những quán ăn có tốc độ hết hàng nhanh đến chóng mặt ở Sai Gòn khi có thể bán cả trăm tô bánh canh chỉ bán đúng trong một tiếng không hơn không kém (từ 15 đến 16 giờ).
Khoảng gần 15 giờ, bác Huối đã sẵn sàng "ra trận" |
Thứ ghi điểm nhất ở tiệm bánh canh này nằm ở những khoanh giò heo. Thịt giò heo được bác Huối lựa chọn rất kĩ, đem về làm thật sạch, luộc 3 lần với nước sôi, đến lần thứ 3 thì lấy làm nước dùng. Đó là bí quyết giúp giò heo đảm bảo chất lượng thơm ngon mà không bị bay mùi hay cảm giác quá béo ngậy.
Ngon như thế nên khi đến ăn bánh canh, nhiều người thậm chí còn mua giò ăn thêm hoặc mua giò không mang về, thế nên đến muộn là chỉ còn bánh canh với nước dùng. Tuy nhiên ngoài phần giò heo ngon xuất sắc thì phần bánh canh bột lọc và nước lèo chưa thật nổi bật.
Những khoanh giò heo hấp dẫn được hầm vừa tới nên giữa được độ chắc mà ăn vào vẫn mềm vừa miệng |
Nước mắm ăn kèm được pha sẵn kèm với chút chanh, ớt và tiêu làm tăng thêm hương vị đậm đà sẵn có của giò heo |
Tô bánh canh hấp dẫn với phần chân giò chất lượng |
Giá bánh canh ở đây khá không rẻ, 1 tô bánh canh không là 13.000 đồng, có 1 miếng giò heo thì 25.000 đồng, còn 2 miếng giò nạc và giò gân là 40.000 đồng, uy nhiên thực khách đánh giá rằng với miếng giò to và chất lượng như thế, mức giá này hoàn toàn có thể chấp nhận được.
3. Súp cua Nhà thờ Đức Bà
Nằm trên đường Nguyễn Du - quận 1, gần sát bên Nhà thờ Đức Bà nên gánh súp hơn 20 tuổi này còn được khách đặt tên là “súp cua Nhà Thờ”. Tuy chỉ có một gánh hàng cùng vài chiếc ghế đẩu nhựa, không có đến cả chiếc bàn, nhưng độ nổi tiếng của quán bình dân này đã lan ra khắp thành phố.
Súp cua Nhà Thờ bán từ đầu giờ chiều đến chiều tối, vì nằm gần cà phê bệt Hàn Thuyên nên đắt khách nhất vào xế chiều tan tầm, khi giới trẻ bắt đầu ra chơi.
Nồi súp chất lượng |
Với thực khách kĩ tính, súp cua tại gánh này tuy không quá xuất sắc nhưng vẫn đảm bảo ngon, ngọt, vị vừa ăn, thêm vào đó là giá thành bình dân và đầy ắp thịt thà. Nếu dùng thìa đảo qua bát súp bạn sẽ thấy bất ngờ bởi có rất nhiều thức ăn đính kèm.
Ngoài trứng đánh, thịt gà, trứng cút còn có trứng bắc thảo, chả cua, thanh cua... Mỗi chén, nếu yêu cầu trứng, sẽ được cho tận nửa cái trứng bắc thảo. Nếu dùng trứng với chả cua hay thanh cua thì sẽ cho ¼ quả.
Chén súp tuy có vẻ khiêm tốn, đơn điệu nhưng khi múc lên mới thấy cực chất lượng |
Nấm mèo khiến món súp thơm ngon hơn |
Trứng bắc thảo giúp món ăn đậm đà hơn |
Chả cua hay thanh cua tại đây cũng đều rất chất lượng và ngon. Chả cua dai thịt, xắt rất dày, cắn vào ngập chân răng, nhai đến đâu ngọt đến đó, to gần choáng hết chén. Một chén súp bắc thảo + chả cua thế này có giá 23.000đ |
Súp cua một chén to có giá từ 15.000 – 25.000 đồng, tùy vào món ăn gọi dùng kèm. Ngoài súp cua, ở gánh còn có gỏi khô bò. Quán đặc biệt đông khách vào khoảng 5 – 6 giờ, giờ này đến đây nhiều người chẳng có đủ ghế mà ngồi, phải dựng chống đứng xe rồi mạnh ai nấy tự cầm chén mà ăn “dã chiến”.
4. Bánh mì Huỳnh Hoa
Tiệm bánh mì Huỳnh Hoa nằm trên đường Lê Thị Riêng, quận 1 được người sành ăn ví von như "ngôi sao" giữa các tiệm bánh mì vốn đã rất đa dạng, hấp dẫn ở Sài Gòn. Đến tiệm này, không phải cứ chạy xe đến, hê một cái là tí sau sẽ cầm được trong tay ổ bánh mì như thường thấy, mà bạn sẽ phải xếp hàng đợi đến lượt. Cực là thế nhưng vẫn không ít người chịu cực để được ăn ổ bánh mì ngon nhất nhì Sài thành.
bánh mi huynh hoa |
Có người từng nói đùa, ổ bánh mì Huỳnh Hoa không phải ăn bánh mì kẹp thịt chả mà là thịt chả kẹp bánh mì. Ổ bánh mì ở đây nặng trịch, cắn vào ổ bánh mì Huỳnh Hoa, ngập chân răng là patê, là bơ, là thịt jambon, béo thơm bùi dai hòa quyện lẫn nhau. Một bánh mì của tiệm có giá 32.000 đồng, tức đắt gấp đôi giá bánh mì thịt trung bình, bằng giá một tô phở chất lượng ấy vậy mà vẫn cứ tấp nập khách. Khách nếu đã quen ăn ở tiệm này sẽ khó hài lòng với những xe bánh mì bình dân khác bởi cả chất lượng và số lượng đồ ăn kèm.
5. Trà sữa Bố Già
Nơi đây được xem là "quán cha đẻ" của món trà sữa túi lọc được giới trẻ Sài Thành cực kì yêu mến suốt hơn 8 năm qua. Với giá thành chỉ có 10 nghìn/ ly cùng vị trị đắc địa khi nằm ngay giữa trung tâm thành phố, đây là điểm đến hot không thua kém gì cà phê bệt đối với các bạn trẻ, nhất là vào những chiều tối cuối tuần.
Vài chục ly trà được chuẩn bị trước từ lúc 6h30 tối |
Trà sữa ở đây không giống như đa phần trà sữa ở mọi nơi trong thành phố, không trân châu, không thạch, chỉ có sữa đặc và túi lọc, thế nhưng quán luôn tấp nập khách khi tối về. Dù đã phân chia quy trình bán hàng ra nhiều khâu pha trà, đóng hộp – bỏ bọc giao khách, thu tiền; nhưng tối nào người bán và người mua cũng như sắp bước vào cuộc chiến.
Vào giờ cao điểm, người làm dù luôn chân luôn tay vẫn không đủ phục vụ khách mua |
Đứng giữa hàng chục người mua, vừa nóng mà vẫn phải làm luôn tay, người bán đôi khi quá mệt không buồn trả lời mặc khách hỏi và nhắc liên tục. Ai nhắc hoặc hối quá nhiều lần sẽ bị đáp trả: "Cô biết rồi con đừng nói nữa, sao con nói nhiều quá vậy". Thậm chí trước đây, khi chưa tách khâu thu tiền ra riêng, ai đến mua mà không chuẩn bị tiền lẻ thì sẽ phải đợi đến khi khách vãn để người bán có thời gian “thở” và thối tiền.
Trà sữa Nhà hát dùng phần phần trà túi lọc và sữa đặc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên người uống rất yên tâm |
Ngoài món trà tuy tuy dễ làm nhưng dễ nghiện thì vị trí của quán cũng là yếu tố hút khách. Nằm ở ngay hông Nhà hát lớn thành phố, không khí nhộn nhịp và thoáng đãng chính quanh quán trà rất thu hút các bạn trẻ. Từ đây, bạn có thể thả tầm nhìn ngắm Sài Gòn về đêm, vừa được nghe ké miễn phí vài bài hát ngẫu hứng.
Từ đây, bạn có thể thả tầm nhìn ngắm Sài Gòn về đêm, vừa được nghe ké miễn phí vài bài hát ngẫu hứng.
(Theo Tri thức trẻ)