Thị trường khó tính đồng loạt cấp “visa” cho trái cây Việt
Năm 2019, vải thiều Bắc Giang bị mất mùa, sản lượng giảm gần một nửa so với năm 2018. Thế nhưng, nhờ làm tốt khâu thị trường, xuất khẩu sang cả các thị trường khó tính mà nông dân Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn có một mùa bội thu. Theo đó, kết thúc vụ vải, người dân nơi đây thu 6.300 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm trước đó.
Những ngày cuối năm, người trồng vải thiều khắp cả nước nói chung và Lục Ngạn nói riêng đón thêm một tin vui mới: Vải thiều Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào Nhật Bản. Sau Mỹ, EU, Úc, Canada,... quả vải thiều Việt Nam tiếp tục khẳng định được uy tín cũng như chất lượng ở một thị trường khó tính bậc nhất thế giới là Nhật Bản, tạo thêm cơ hội xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng vải.
Đây là kết quả sau hơn 5 năm nỗ lực đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và MAFF, cùng nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các đối tượng kiểm dịch thực vật của Nhật Bản có khả năng đi theo quả vải thiều của Việt Nam.
Vải thiều Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào Nhật Bản sau 5 năm đàm phán |
Các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bao gồm: quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục BVTV kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản; lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục BVTV và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian hai giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản; các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục BVTV cấp.
Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) - cho biết, mặc dù quả vải thiều Việt Nam đã vào được nhiều thị trường khó tính,... nhưng nếu thị trường Mỹ, Úc chỉ đòi hỏi chiếu xạ thì Nhật Bản lại yêu cầu xử lý bằng khử trùng xông hơi.
“Chúng ta mất hơn 2 năm thực hiện thí nghiệm khử trùng xông hơi để diệt trừ triệt các đối tượng kiểm dịch thực vật có thể đi theo quả vải. Cuối cùng, chuyên gia Nhật sang kiểm tra trực tiếp và đã chấp thuận”, ông Hà nói. Đây là đột phá mới, lần đầu tiên chúng ta làm được khử trùng xông hơi và đã được thị trường Nhật chấp nhận.
Thành công này không chỉ riêng với quả vải, mà là tiền đề để những trái cây khác có thể xuất khẩu được vào Nhật Bản, thậm chí cả Hàn Quốc. Bởi hai nước này chỉ chấp nhận khử trùng xông hơi chứ không chấp nhận chiếu xạ, ông Hà cho hay.
Nhìn lại năm 2019, dù gặp nhiều khó khăn, song đây cũng là một năm nỗ lực khi trái cây Việt Nam thâm nhập được vào hàng loạt các thị trường khó tính trên thế giới.
Đơn cử, giữa tháng 2 năm nay, xoài Việt Nam chính thức được cấp “visa” vào Mỹ sau hành trình 10 năm nỗ lực đàm phán, sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long. Mỹ cũng trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của quả xoài Việt.
Tương tự, sau một thời gian dài đàm phán, cuối tháng 8 năm nay, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc đã cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam được chính thức xuất khẩu vào nước này. Nhãn là trái cây thứ 4 được phép xuất vào thị trường Úc sau khi vượt qua nhiều quy chuẩn kiểm tra chất lượng. Cùng thời điểm này, Chile cũng cho phép xoài Việt Nam được xuất khẩu vào Chile.
Trước đó, măng cụt cũng là loại trái cây thứ 9 của nước ta được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc.
Khẳng định chất lượng trái cây Việt Nam
Theo ông Lê Sơn Hà, việc những loại trái cây chủ lực của Việt Nam mở được cánh cửa các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, EU, New Zealand,... có ý nghĩa rất lớn, ngoài việc khẳng được uy tín của quả tươi Việt Nam còn giúp nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất hàng hóa chất lượng cao.
“Trái cây Việt Nam gần như xuất đi được tất cả các nước. Những loại quả có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam đến nay đã thâm nhập hầu hết các thị trường khó tính bậc nhất thế giới”, ông Hà khẳng định. Hiện lượng trái cây xuất sang thị trường khó tính chiếm khoảng hơn 30%, trong đó có những thị trường tăng trưởng rất tốt như: Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Canada,...
Việt Nam có tiềm năng lớn về các loại trái cây xuất khẩu khi thị trường ngày càng mở rộng |
Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, việc cần làm ngay là mở rộng quy mô sản xuất, các doanh nghiệp tổ chức xuất khẩu tốt hơn. Đặc biệt, phải làm sao trái cây Việt Nam đến với người tiêu dùng phải đạt chất lượng ngon nhất, giá cả tốt nhất.
Trên thực tế, đã xuất hiện những đối tác cạnh tranh như Campuchia, như xoài của họ cũng xuất được vào thị trường khó tính Hàn Quốc. Hay Trung Quốc đã mở rộng diện tích trồng thanh long,.... Nếu chúng ta không thay đổi thì đến lúc nào đó sẽ gặp khó khăn.
Ngoài yếu tố chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi người nông dân phải sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn để đáp ứng được những đơn hàng lớn của nhà nhập khẩu - đây vẫn là bài toán khó với ngành hàng trái cây ở nước ta.
Do vậy, theo ông Hà, trong sản xuất phải liên kết. Chúng ta hay nói liên kết dọc “6 nhà”. Đây là cách tốt, nhưng còn phải làm liên kết ngang, tức các nông dân liên kết với nhau nhằm tạo thành vùng trồng quy mô lớn, từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều.
Nước ta đã có vùng vải Lục Ngạn khá lớn, thanh long Bình Thuận làm liên kết rất tốt, tạo ra sản phẩm đảm bảo khối lượng và chất lượng đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn những thị trường khó tính nhất.
Mục tiêu năm tới, ngành nông nghiệp tính lại hiệu quả xuất khẩu ở mỗi thị trường, tập trung vào những nơi có hiệu quả cao. Trong đó, ưu tiên thị trường Trung Quốc do lợi thế về vận chuyển gần bằng cả đường bộ và đường hàng không, đường sắt, đường thủy. Tới đây chúng ta sẽ đàm phán để quả sầu riêng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, ngoài ra là một số trái cây khác để mở thêm cửa các thị trường khó tính.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 11 tháng năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm nhẹ về số lượng nhưng lại chuyển biến lớn về chất tạo ra hướng đi bền vừng cho hoa quả Việt Nam
Cụ thể, dù xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm 13,7%, nhưng đổi lại giá trị xuất khẩu sang các thị trường khó tính lại tăng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu rau quả sang Mỹ đạt 124,6 triệu USD, tăng 10,7%; Hàn Quốc đạt 107,4 triệu USD, tăng 12,3%; Nhật Bản đạt 100,7 triệu USD, tăng 12,6%,... so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, một số thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh như Lào (gấp 5,17 lần), Hồng Kông (gấp 3,12 lần), Đài Loan (tăng 66,6%), Hà Lan 36,6%.
Tâm An