5 năm qua, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô liên tục kêu ca về những khó khăn, bế tắc dẫn đến thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì 'giấy phép' con được quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương.

Giấy phép nhỏ, thiệt hại lớn

“Từ một DN mỗi năm đóng góp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, đến nay chúng tôi đã trở thành DN siêu nhỏ, phải dừng toàn bộ hoạt động, trả lại mặt bằng, cho nhân viên nghỉ việc hết. Đến giờ chỉ còn một mình tôi duy trì công ty chờ cơ hội, xem có thay đổi gì không”.

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc khi nhắc đến “giấy phép con” quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người ban hành ngày 12/5/2011 có hiệu lực ngày 26/6/2011.

{keywords}

Quy định của Thông tư này là yêu cầu thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, phải có Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó,...

“Thông tư 20 đã tác động đến hàng trăm DN nhập khẩu ô tô. Gần như tất cả các DN sau 5 năm đều dừng hoạt động, chỉ tồn tại khoảng 20 DN nhập xe cũ còn duy trì”, ông Nguyễn Tuấn nói.

Ông Hồ Khắc Hùng, Giám đốc Công ty ô tô Tây Bắc nói: Thông tư 20 đòi hỏi có giấy ủy quyền chính hãng, chúng tôi đương nhiên không được hãng ủy quyền nên ngồi chơi xơi nước, phải đóng cửa showroom trên đường Giải Phóng. Sau đó, tôi bỏ nghề vì không được nhập xe nữa".

Còn ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại KYLIN-GX668 kể: trước khi Thông tư 20 ra đời, chúng tôi làm ăn rất tốt. Hàng tháng, chúng tôi nộp thuế cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Đùng cái, yêu cầu phải có giấy ủy quyền chính hãng làm bao công sức của chúng tôi gây dựng hệ thống kinh doanh bị tiêu tán.

Đến giờ phút này, công ty của ông Nguyễn Thế Hùng vẫn còn 6-7 triệu USD bị “tắc” ở nước ngoài. Đó là số tiền đặt cọc được công ty chuyển cho đối tác để nhập xe trước khi Thông tư 20 ra đời.

Sau bao lần kêu cứu, Bộ Công Thương có gỡ khó bằng cách cho nhập những xe đã đặt cọc trước thời điểm có Thông tư 20. Thế nhưng, ông Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: Cơ quan quản lý yêu cầu DN phải nhập đúng mẫu xe đã ký trong hợp đồng từ 4-5 năm trước. Những mẫu xe này đã cũ, bắt nhập về thì bán làm sao được, thậm chí hãng xe cũng không sản xuất mẫu xe đó nữa.

Ông Nguyễn Tuấn chia sẻ: Theo quy định, cấp bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh. Thế nên chúng tôi đã có nhiều đơn kiến nghị nhưng... chưa được giải quyết". Và đợt rà soát, điều chỉnh các quy định kinh doanh lần này khiến cho các DN nhen nhóm lại hy vọng.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương quyết định đưa một phần điều kiện nhập ô tô cũ ở Thông tư 20 vào Nghị định sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương. Dự thảo này vừa hết hạn lấy ý kiến, trong đó nội dung về nhập ô tô gần giống như Thông tư 20 hiện nay.

Sửa giấy phép con: Thông tư lên nghị định

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: Nếu dỡ bỏ điều kiện kinh doanh quy định Thông tư 20 sẽ dẫn đến một loạt hệ quả tiêu cực với thị trường ô tô.

Thứ nhất, việc này sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có định hướng thúc đẩy phát triển các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Thứ hai, đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN sẽ giảm về 0%, cùng với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt những dòng xe nhỏ, các yếu tố này đã thúc đẩy gia tăng nhập khẩu. Giờ nếu bỏ Thông tư 20 thì việc nhập khẩu ô tô sẽ tăng ồ ạt, ảnh hưởng tới các vấn đề xã hội như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị...

{keywords}

Thứ ba, nếu nhập khẩu ô tô tăng quá mạnh sẽ tác động đến mất cân bằng cán cân thanh toán, gia tăng nhập siêu, trong khi đây không phải nhóm hàng ưu tiên nhập khẩu.

Thứ tư, bỏ điều kiện kinh doanh quy định tại Thông tư 20 sẽ dẫn tới tình trạng gia tăng ồ ạt số lượng các nhà nhập khẩu dẫn đến tình trạng cạnh tranh hỗn loạn trên thị trường giống như giai đoạn trước 2011, thậm chí số DN tham gia thị trường có thể còn lớn hơn nữa.

Phản hồi về dự thảo nghị định mới của Bộ Công thương, quan điển của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho rằng, điều kiện kinh doanh tại Thông tư 20 không phù hợp quy định của Luật Đầu tư 2014.

Theo VCCI, yêu cầu phải có Giấy ủy quyền chính hãng có thể tạo ra ưu thế cho một số thương nhân đã có Giấy ủy quyền. Trong khi đó, những thương nhân khác không có giấy tờ này, muốn được tiếp tục kinh doanh ô tô nhập khẩu, phải mua qua một khâu trung gian là các thương nhân này. Điều này một mặt làm méo mó cạnh tranh giữa hai nhóm thương nhân, mặt khác cũng khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu này.

Vì thế, VCCI bày tỏ mong muốn bãi bỏ hẳn các quy định tại Thông tư 20 để DN được quyền kinh doanh như trước năm 2011, cũng như không đưa điều kiện này vào Nghị định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho hay, Hội đồng tư vấn thẩm định đã có văn bản nhất trí quy định của Bộ Công Thương là không phù hợp quy định pháp luật về cạnh tranh, cản trở cạnh tranh, đồng thời chưa phù hợp với điều 125 Luật sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu xử lý quy định nêu trên cho phù hợp, thậm chí bỏ điều kiện kinh doanh này.

Tuy nhiên, theo vị đại diện của Bộ Công thương: “Quan điểm của VCCI cũng như một số DN nói Thông tư 20 làm hạn chế kinh doanh là chưa phù hợp. Cuộc sống xã hội cũng như môi trường kinh doanh nào cũng phải có những luật lệ, ràng buộc. Bất kỳ luật lệ nào cũng ảnh hưởng đến một nhóm người nào đó, nhưng Nhà nước với vai trò điều phối chung lợi ích của toàn xã hội sẽ phải cân nhắc biện pháp cụ thể, đây là điều mà các DN cần hiểu và chia sẻ với Nhà nước”.

Ông Trần Thanh Hải bày tỏ quan điểm không nhất trí bãi bỏ Thông tư 20. “Nếu giờ bỏ Thông tư 20, đến cuối năm ô tô ồ ạt nhập về, làm gia tăng nhập siêu. Khi đó, DN và báo chí lại cho rằng Bộ Công Thương buông lỏng quản lý với thị trường ô tô, để ô tô nhập khẩu tràn ngập thị trường”, ông Trần Thanh Hải lưu ý.

Về ý kiến của một số DN nói Thông tư 20 làm hạn chế kinh doanh, ông Trần Thanh Hải chia sẻ: "Nhà nước luôn ủng hộ DN kinh doanh, nhưng cuộc sống xã hội cũng như môi trường kinh doanh nào cũng có những hạn chế, ràng buộc vì lợi ích chung. Bất kỳ hạn chế nào cũng ảnh hưởng đến một nhóm người nào đó, nhưng Nhà nước với vai trò điều phối lợi ích chung của toàn xã hội sẽ phải cân nhắc biện pháp cụ thể, đây là điều mà các DN cần hiểu và chia sẻ với Nhà nước”. 

Hà Duy