Trước thông tin số ca mắc ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, tỷ lệ tử vong từ đứng thứ 3 đã tăng lên hàng 2. Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, đây là thách thức mới trong việc điều trị bệnh ung thư.
Theo PGS Bình, hiện dân số trên thế giới là 8 tỷ người. Mỗi năm, thế giới ghi nhận khoảng 19 triệu người mắc ung thư mới. Con số này ngày càng tăng. Việt Nam cũng theo xu hướng chung của toàn cầu, với dân số 100 triệu người, một năm Việt Nam có khoảng 182.000 người mắc ung thư mới, 122.000 người tử vong vì bệnh này. Trước đây, số lượng bệnh nhân tử vong do ung thư đứng thứ 3 sau tim mạch, bệnh truyền nhiễm, hiện tại, bệnh ung thư đã đứng hàng thứ 2.
Phó giáo sư Bình cho biết hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ung thư. Tuy nhiên, các yếu tố gây ung thư đã được chỉ ra rõ ràng:
Thứ nhất, dân số càng cao tỷ lệ mắc càng nhiều. Ngoài ra, tuổi thọ người dân ngày càng tăng. Ung thư liên quan chặt chẽ tới yếu tố tuổi. Càng nhiều tuổi nguy cơ mắc ung thư càng lớn hơn.
Thứ hai, các yếu tố nhiễm virus, nhiễm trùng. Ví dụ viêm gan virus B và viêm gan virus C làm tăng nguy cơ ung thư. Virus HPV tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng, ung thư dương vật ở nam giới. Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây viêm dạ dày và là yếu tố tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Thứ ba, lối sống của người dân thay đổi. Bác sĩ Bình cho biết những thói quen xấu là lười vận động, ăn uống không lành mạnh, dẫn tới thừa cân béo phì. Đặc biệt, tỷ lệ người Việt lạm dụng bia rượu, hút thuốc còn cao. Những thói quen như quan hệ tình dục không an toàn cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
Thứ tư, các yếu tố ô nhiễm môi trường như nguồn nước, không khí, ô nhiễm trong quá trình lao động cũng tăng nguy cơ ung thư.
Thứ năm, tỷ lệ người được phát hiện mắc ung thư tăng là do nền y học có nhiều sự phát triển. Hiện nay, các máy siêu âm hiện đai, nội soi tiêu hóa, các xét nghiệm máu đã về tới y tế cơ sở. Người dân có thể tầm soát ung thư tiêu hóa từ tuyến huyện. Bệnh nhân phát hiện bất thường trong chỉ số xét nghiệm máu hay quá trình siêu âm có thể làm tầm soát chuyên sâu. Qua đó, người bệnh được phát hiện ung thư sẽ tăng hơn trước.
Bệnh ung thư vẫn là gánh nặng và đặt ra nhiều thách thức cho ngành y tế. Mặc dù, việc chẩn đoán và điều trị ung thư đã có nhiều tiến bộ nhưng Việt Nam vẫn có nhiều bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn. Điều đó khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, gây tốn kém.
Ở giai đoạn sớm, bệnh có thể được điều trị bằng phẫu thuật triệt căn và 60% bệnh nhân ung thư có thể can thiệp ngoại khoa. Trong số ca mắc mới, 1/3 bệnh nhân nếu biết cách phòng tránh có thể không mắc ung thư; 1/3 nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hẳn; 1/3 bệnh nhân còn lại phát hiện bệnh ở giai đoạn tiến triển.
Tại nước ta, 10 loại ung thư phổ biến nhất năm 2020 gồm gan (chiếm 14,5%), phổi (14,4%), vú (11,8%), dạ dày (9,8%), đại tràng (5,1%), trực tràng (3,5%), bệnh bạch cầu (3,4%), tuyến tiền liệt (3,4%), vòm họng (3,3%) và tuyến giáp (3%).
Theo thống kê của Bệnh viện K, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/năm. Trong đó, bảo hiểm y tế chi trả khoảng 51 triệu đồng (chiếm 29% chi phí điều trị). Điều đáng lo ngại là có tới 33,8% bệnh nhân ung thư hiện nay không thể chi trả tiền thuốc do kinh phí điều trị quá nhiều.
Bác sĩ bối rối khi bệnh nhân nhờ xem thuốc ung thư 'xách tay'
Tốn tiền tỷ kéo dài sự sống, bệnh nhân ung thư đứng giữa 'ngã ba đường'