UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đó, dự thảo đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 168/2024, trong đó có 5 hành vi vi phạm phạt tiền lên tới 120 triệu đồng.
Cụ thể:
Giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của đường bộ trên 20% đến 50%.
Theo đó, Nghị định 168 đề xuất mức phạt đối với cá nhân vi phạm hành vi này từ 28 -30 triệu đồng và từ 56- 60 triệu đồng đối với tổ chức. Hà Nội đề xuất tăng gấp 2 lần với cá nhân phạt tiền lên tới 56- 60 triệu đồng và 112- 120 triệu đồng đối với tổ chức mắc lỗi trên.
Giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe nếu có) vượt quá quy định trong giấy phép lưu hành.
Nghị định 168 phạt 28- 30 triệu đồng đối với cá nhân và 56 - 60 triệu đồng đối với tổ chức. Còn Hà Nội đề xuất nâng lên 2 lần tới 56 - 60 triệu đồng đối với cá nhân và 112 - 120 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm quy định trên.
Giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng đi không đúng tuyến đường quy định trong giấy phép lưu hành.
Nghị định 168 phạt 28 - 30 triệu đồng đối với cá nhân và 56 - 60 triệu đồng đối với tổ chức. Còn Hà Nội đề xuất nâng lên 2 lần tới 56 - 60 triệu đồng đối với cá nhân và 112-120 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm quy định trên.
Giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150%.
Nghị định 168 phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với cá nhân và 60 - 80 triệu đồng đối với tổ chức còn Hà Nội đề xuất tăng mức phạt lên 1,5 lần với cá nhân 45 - 60 triệu đồng đối với cá nhân và 90 - 120 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.
Giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150%.
Nghị định 168 phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với cá nhân và 60 - 80 triệu đồng đối với tổ chức còn Hà Nội đề xuất tăng mức phạt lên 1,5 lần với cá nhân 45 - 60 triệu đồng đối với cá nhân và 90 - 120 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.
Trước đề xuất này, nhiều tài xế băn khoăn vì mức phạt quá cao. Anh Trần Văn Toản (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, lương tài xế của anh được 18 triệu/tháng. Nếu chẳng may chở quá tải bị phạt tới 60 triệu đồng thì coi như 3 tháng sau làm không lương.
“Như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của gia đình. Trong khi đó, tài xế chúng tôi chỉ là đi làm thuê. Chủ xe hợp đồng vận chuyển với đơn vị thuê. Chúng tôi nhiều khi không được quyền quyết định chở tải trọng bao nhiêu”, anh Toản nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại đồng tình với mức đề xuất Hà Nội đưa ra. Bởi trên thực tế, tình trạng xe quá khổ, quá tải khá phổ biến. Nhiều xe chở quá tải tới gần 50% mà vẫn lao rầm rầm trên các đường quốc lộ. Thậm chí từng xảy ra trường hợp xe chở quá tải làm sập cầu.
“Sự việc xảy ra vào ngày 13/11/2024, một xe ô tô tải chở gạch thuê từ Bình Dương đến cửa khẩu Giang Thành (Kiên Giang). Ô tô có trọng tải 19 tấn nhưng đã chở tới 30 tấn gạch, khi qua cầu T6 xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang) thì bị sập cầu. Do đó, tôi cho rằng phạt tiền là hình thức để tài xế, doanh nghiệp vận tải có ý thức hơn, nếu thấy nặng thì đừng vi phạm nữa”, anh Nguyễn Trần Trung nói.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng cho rằng đây không phải là mức phạt cao nếu so sánh với thiệt hại mà xe quá khổ, quá tải gây ra. Việc làm hư hỏng, thiệt hại một đoạn/con đường hay một cây cầu thì nhà nước phải bỏ ra khoản tiền lớn hơn rất nhiều để sửa chữa.
Chưa kể việc chở quá tải tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Tại Thái Lan, hành vi này được hình sự hóa từ rất lâu.