Theo ước tính của Globocan năm 2020, Việt Nam có 182.563 trường hợp mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, 5 loại bệnh ung thư phổ biến nhất đó là: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng (chiếm khoảng 59,5% các loại ung thư).
5 loại bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại Việt Nam là ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư ở nam giới). Trong khi đó, 5 loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư ở nữ giới).
1. Ung thư vú
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi. Phát hiện sớm ung thư vú khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn lan rộng sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn, từ đó làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh. Khám sàng lọc thường xuyên là phương pháp hữu hiệu nhất để phát hiện sớm ung thư vú.
2. Ung thư phổi
Nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là việc bị phơi nhiễm với các hóa chất và bụi hạt trong không khí. Không phải loại ung thư phổi nào cũng có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua việc bỏ thuốc lá. Nếu bạn không hút thuốc, hãy tránh xa khói thuốc từ những người khác.
3. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư khởi phát từ đại tràng hoặc trực tràng. Một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng là thừa cân hoặc béo phì, lối sống lười vận động, thực đơn giàu thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, hút thuốc, sử dụng lượng lớn đồ uống có cồn, tuổi cao và tiền sử bản thân hoặc gia đình có ung thư hoặc polyp đại trực tràng.
Sàng lọc ung thư đại trực tràng thường xuyên là một trong những vũ khí hiệu quả nhất chống lại căn bệnh này. Hầu hết ung thư đại trực tràng khởi phát là polyp – tổ chức phát triển ở trong lòng đại tràng và trực tràng. Việc sàng lọc giúp phát hiện ung thư đại trực tràng khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn lan rộng và việc điều trị khi đó sẽ dễ dàng hơn. Một số phương pháp sàng lọc có thể phòng ung thư đại trực tràng bằng việc loại bỏ các polyp trước khi ung thư hóa.
Những người có yếu tố nguy cơ cao đối với ung thư đại trực tràng (có tiền sử bản thân hoặc gia đình, hoặc có các yếu tố nguy cơ khác) cần được sàng lọc trước năm 45 tuổi, sàng lọc thường xuyên hơn, hoặc được sàng lọc bằng các xét nghiệm đặc hiệu hơn.
4. Ung thư dạ dày
Những đối tượng nguy cơ mắc ung thư dạ dày:
- Hút thuốc lá: là một trong những thói quen mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì sử dụng.
- Tuổi trên 40: Trong số những người mắc ung thư dạ dày, có tới 96% là người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Nam giới có tỉ lệ cao khoảng hơn gấp đôi so với phụ nữ mắc ung thư dạ dày.
- Thói quen ăn uống mặn, đồ nướng, chiên… những thực phẩm được chế biến như hun khói, thức ăn ngâm tẩm, muối, món ăn chứa lượng muối cao thường có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người có thói quen ăn uống nhạt và thanh đạm.
- Những người mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa: ung thu dạ dày thường gặp ở người đã có bệnh dạ dày từ trước, như tiền sử đã từng bị phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét dạ dày lâu năm, bệnh nhiễm vi khuẩn HP.
- Di truyền: Nếu trong gia đình từng có thành viên có tiền sử bị bệnh ung thư, nguy cơ tự bị mắc ung thư liên quan sẽ có tỉ lệ cao hơn. Bệnh nhân hoặc tiền sử gia đình có polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP); mắc hội chứng Lynch; hội chứng Peutz-Jeghers; hội chứng Juvenile polyposis cũng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.
- Ngoài ra những người tăng sản hoặc polyp tuyến dạ dày, thiếu máu nghi ngờ ác tính, dị sản ruột tại dạ dày
Một số dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày bạn cần lưu ý:
- Đầy tức bụng: Lúc đầu, triệu chứng đau rất giống với trong loét dạ dày (đau liên quan tới bữa ăn, giảm khi dùng các thuốc điều trị loét).
- Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý. Trong nhiều trường hợp, biểu hiện này không đơn thuần chỉ là tiết lộ bạn đang gặp rắc rối với vị giác, tốt nhất bạn nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra.
- Sút cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
- Nôn ra máu: Khi nôn có lẫn máu cũng nên suy xét đến khả năng ung thư dạ dày.
- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn: Người bị ung thư dạ dày khi ăn xong có cảm giác tức bụng, đầy bụng và buồn nôn...
- Đi ngoài phân màu bất thường: Nếu bạn xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu, việc này lặp lại thường xuyên rất có thể bạn đã mắc ung thư dạ dày.
Cách phòng ngừa ung thư dạ dày
- Hạn chế ăn đồ ăn mặn, hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích, bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý: Ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.
- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.
5. Ung thư gan:
Nguyên nhân gây bệnh ung thư gan đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như những người mắc bệnh gan mãn tính (xơ gan), gan nhiễm mỡ, viêm gan B, viêm gan C, béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc… Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống lạm dụng rượu bia, thuốc lá...
Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C... Ngoài ra tiêm đầy đủ vắc xin phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ths.BS Nguyễn Thị Phương Thảo (Khoa Hóa trị, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)