Chọn tuyến đường và lộ trình phù hợp
Trước khi di chuyển, chủ xe nên lựa chọn hành trình, tuyến đường phù hợp. Đặc biệt, nên chọn tuyến đường ngắn nhất, ít tắc nghẽn, gồ ghề… sẽ giúp xe ngốn ít nhiên liệu hơn.
Theo các chủ xe có kinh nghiệm, giờ xuất phát để tránh ách tắc là sáng sớm hoặc tối muộn. Khi rời khỏi thành phố, thông thường sẽ có nhiều tuyến đường mà không nhất thiết phải đi vào trục đường chính. Các gia đình có thể tham khảo thông tin trên radio hoặc sử dụng ứng dụng Google map để cập nhật, kiểm tra tình trạng ùn tắc liên tục nhằm lựa chọn cung đường hợp lý nhất trước khi xuất phát, tránh tắc đường gây lãng phí nhiên liệu.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, trước khi xuất phát, người tham gia giao thông cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho mình những tuyến đường thay thế phù hợp. Hãy tìm kiếm một số tuyến đường nhanh nhất, ngắn nhất và các tuyến đường thay thế có thể xuống các con đường phụ. Việc có những dự định rõ ràng sẽ giúp cho người lái tiết kiệm thời gian và nhiên liệu xe khi phải lái xe đường dài.
Giữ tốc độ trung bình, giữ đều ga
Trong quá trình lái xe đường dài, để giúp xe tiết kiệm nhiên liệu nhất có thể các tài xế nên chú ý đi đều ga. Việc kiểm soát tốc độ và khoảng cách khi lái xe cũng hết sức quan trọng. Tài xế nên ước lượng khoảng cách để giữ cho xe đi đều vận tốc, tránh trường hợp mất trớn đứng khựng rồi phải đạp ga lấy lại đà.
Ngoài ra, không ít tài xế cho rằng đi chậm sẽ tiết kiệm xăng hơn đi nhanh. Tuy nhiên, việc đi chậm không hề mang lại lợi ích tiết kiệm xăng. Trên thực tế, khi lái xe chậm, vòng tua máy vẫn duy trì ở mức 1000 - 3000 vòng/phút, xe chuyển về số thấp, số vòng quay động cơ trên km sẽ lớn hơn cũng khiến tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, nhược điểm của việc lái xe nhanh là xuất hiện lực cản không khí lớn hơn lái xe chậm. Khi lực cản không khí tăng, động cơ sẽ phải làm việc vất vả hơn để thắng lực cản này. Điều này đồng nghĩa sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Theo một nghiên cứu, khi tốc độ xe tăng lên gấp đôi thì lực cản không khí sẽ tăng lên gấp bốn.
Vì thế, khi lái xe đường dài, người điều kiểm xe cần giữ tốc độ trung bình. Theo các tài xế có kinh nghiệm, tuỳ vào cung đường, điều kiện giao thông nên lái xe đều ga, giữ vòng tua máy dưới 2000 vòng/phút.
Tăng tốc từ từ
Xe tăng tốc càng nhanh thì sẽ càng tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Thế nên để đưa mức sử dụng nhiên liệu xuống thấp nhất có thể, hãy tăng tốc một cách từ tốn và chậm rãi.
Hơn nữa, tốc độ cũng là yếu tố quan trọng giúp tiết kiệm nhiên liệu. Chạy xe ở tốc độ từ 50 - 80km/h sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả hơn với hầu hết các loại xe ô tô. Khi xe vượt quá tốc độ 80km/h, đồng nghĩa với việc xe sẽ tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn. Ví dụ khi xe chạy với tốc độ 120km/h, nó sẽ tiêu tốn nhiều hơn khoảng 20% nhiên liệu so với khi chạy 100km/h.
Ảnh minh họa.
Tránh đạp phanh gấp, phanh khi không cần thiết
Khi di chuyển trên đường, tài xế cần quan sát tình hình giao thông phía trước để có thể đưa ra các phán đoán nhanh chóng, kịp thời nhằm giảm hoặc tăng tốc. Mỗi lần nhấn phanh động cơ xe phải làm việc nhiều hơn để giúp xe thắng lực ma sát và tiếp tục lăn bánh. Vì vậy, tránh dừng xe quá đột ngột hoặc phanh quá gấp, thay vào đó hãy nhả chân ga để giảm tốc độ từ từ. Cách này không chỉ tiết kiệm được nhiên liệu cho xe mà còn bảo vệ cho chính bản thân người lái.
Đảm bảo áp suất lốp xe
Nếu lốp xe non, ô tô cần nhiều nhiên liệu hơn để vận hành. Người dùng phải đảm bảo lốp ô tô được bơm đủ hơi theo áp suất khuyến cáo từ nhà sản xuất, vì không chỉ tiết kiệm xăng, lốp có áp suất chuẩn còn giúp người lái điều khiển xe êm ái hơn, đảm bảo không bị trơn trượt trên đường.
Bên cạnh đó, trước mỗi chuyến đi dài về quê, chủ xe cần bảo dưỡng xe như thay nhớt, kiểm tra hệ thống phanh… Việc làm này góp phần không nhỏ vào việc vận hành của xe, giúp xe chạy tốt và giảm tiêu hao nhiên liệu.
Theo NLD
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!