3. Sáng tạo hơn trong cách thiết kế nhiệm vụ để cơ chế hack có nhiều đất diễn hơn
Trong Watch Dogs, cơ chế hack là một trong những tính năng trọng tâm trong gameplay của game. Phải thừa nhận một điều, bản thân cơ chế này nếu xét về mặt ý tưởng thì khá mới lạ và thú vị. Tuy nhiên cách thức mà Ubisoft áp dụng nó vào những nhiệm vụ trong game thì lại không như kì vọng.
Trước hết, rõ ràng là Ubisoft không có tham vọng biến Watch Dogs thành một cuộc “cách mạng” cho thể loại thế giới mở. Trái lại, tưa game này được thiết kế theo kiểu “chắc ăn”, tránh rủi ro. Theo đó, cấu trúc các nhiệm vụ trong Watch Dogs cũng không khác là mấy với những kiểu nhiệm vụ mà chúng ta đã được trải nghiệm ở những tựa game thế giới mở khác. Vẫn là “Lái xe tới một địa điểm, nhận nhiệm vụ, lái tới một địa điểm khác, giết 1 ai đó, và rời khỏi (thỉnh thoảng kèm theo việc bị cảnh sát “dí”) “ – gần như theo một công thức “kinh điển” lặp đi lặp lại qua từng nhiệm vụ.
Chỉ khác ở chỗ, giờ đây chúng được “bổ sung” thêm với cơ chế hack bằng chiếc smartphone “bá đạo” của Aiden, vốn khá hấp dẫn để “nghịch” ở những nhiệm vụ đầu nhưng càng về sau thì lại mất dần đi sự mới mẻ. Đương nhiên, cũng có một vài nhiệm vụ khá thú vị và thử thách người chơi khi biến tấu “công thức” trên đi một chút. Tuy nhiên, số lượng những kiểu nhiệm vụ như vậy là không nhiều, khiến cho “hack” có quá ít đất diễn.
Rõ ràng, đây là một điểm trừ của game khi cách thiết kế các nhiệm vụ trong Watch Dogs của Ubisoft đã không tận dụng được hết tiềm năng mà cơ chế hack mang lại. Với Watch Dogs 2, Ubisoft cần sáng tạo hơn nữa trong cách thiết kế nhiệm vụ trong game để “hack” thực sự tỏa sáng.
2. Cơ chế lái xe cần chân thực và dễ dàng điều khiển hơn
Có lẽ cũng không phải nói quá nhiều về cơ chế lái xe của dòng GTA - một chuẩn mực mà không ít tựa game thế giới mở chưa thể vượt qua. Đương nhiên, với Watch Dogs, một tựa game thế giới mở dành cho nextgen console, cơ chế lái xe của game ít nhất cũng phải bằng hoặc vượt trội hơn dòng GTA.
Đáng tiếc thay, cơ chế này trong game lại nhận được những phản ứng trái chiều khác nhau: Có người thích, nhưng có người thì cực kì ghét. Acarde hơn rất nhiều nếu so với cơ chế lái xe trong GTA V, nhưng đồng thời lại không tuân theo bất kì các quy tắc vật lý nào, cơ chế lái xe của WD dường như có một chút “lộn xộn”.
Hãy thử tưởng tượng, trong phần lớn thời gian lái xe quanh thành phố Chicago, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều tình huống khá “phi lí”. Chẳng hạn như việc lao thẳng vào xe đối diện với vận tốc 130km/h, nhưng thay vì hư hỏng, vỡ nát hoàn toàn, xe của bạn lại chỉ nảy bật ra giống như được làm từ cao su. Hoặc mỗi khi rẽ vào những khúc cua, việc điều khiển chiếc xế hộp yêu quý của mình không khác gì như đang chạy trên một vỏ chuối trơn trượt.
Rõ ràng, trong một tựa game thế giới mở, nơi người chơi luôn dành lượng lớn thời gian di chuyển khắp mọi nơi trên xe, việc cải thiện cơ chế lái xe sao cho vừa chân thực, nhưng cũng vừa dễ điều khiển là điểm cần phải được “lên đời” ngay trong Watch Dogs 2.
1. Nhiệm vụ phụ cần đa dạng hơn
Người viết dám chắc rằng, sẽ có không ít người chơi sau khi hoàn thành những nhiệm vụ chính trong game sẽ không bao giờ đụng đến những nhiệm vụ phụ của game nữa. Việc này phần nào gợi nhớ đến dòng Assassin’s Creed: Mọi ngõ ngách trên bản đồ được nhồi nhét hàng loạt những nội dụng phụ để khám phá và trải nghiệm , đủ khiến bạn cảm thấy choáng ngợp. Nhưng trong số những nội dung phụ đó, chỉ có khoảng 30% là những thứ thực sự hay ho. Phần lớn thời gian trong Watch Dogs, người chơi sẽ tham gia những kiểu nhiệm vụ vừa lặp lại vừa nhàm chán.như truy đuổi những tên tội phạm hay xâm nhập vào hang ổ của băng nhóm gangster.
Đương nhiên, một tựa game thế giới mở luôn cần nhiều hoạt động khác nhau để giữ chân người chơi. Có lẽ, Ubisoft nên tham khảo dòng GTA hay Saint Row và Sleeping Dogs để học hỏi từ họ cách làm thế nào để tạo ra một thế giới mở đầy thú vị trong Watch Dogs 2.
MAX (theo WhatCulture)