Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được khởi công cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4 đáp ứng công suất hơn 20 triệu hành khách/năm, phục vụ 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại máy bay code C, E. 

Đồng thời, dự án giúp giải quyết cơ bản tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm qua tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu.

w dji 0381jpg 14682 2804.jpg
Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang thi công, tiến độ đạt khoảng 85%.  Ảnh: TK.

Ông Lê Khắc Hồng - Trưởng Ban Quản lý dự án cho biết, đến nay, toàn dự án đã đạt khoảng 85% khối lượng. Trong đó, phần xây thô công trình đã hoàn thành.

Các nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện kiến trúc, xây dựng, nội thất và lắp đặt trang thiết bị; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình để vận hành và đưa nhà ga T3 vào khai thác đúng dịp 30/4/2025 - vượt tiến độ 2 tháng.

Đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hoà: Khởi công cuối năm 2022, dự án này có mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Công trình khi hoàn thành sẽ tạo trục đường mới tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất, phá thế độc đạo của đường Trường Sơn, giảm ùn tắc giao thông cho khu vực vốn đã quá tải nhiều năm.

Theo thiết kế, đường nối dài khoảng 4,4 km với quy mô 6 làn xe. Điểm đầu ở vị trí giao đường Trần Quốc Hoàn - đường Phan Thúc Duyện và điểm cuối tại vị trí giao đường C12 - Cộng Hòa - Trường Chinh.

Trên tuyến, xây 1 cầu vượt trước nhà ga T3  rộng 17m (4 làn xe) dài 980m đã cơ bản hoàn thành.

Xây dựng 2 hầm chui tại nút giao đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn dài 42m, rộng 9m (2 làn xe), thông xe hồi cuối tháng 8/2024 và nút giao đường Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý (chưa triển khai).

w img 4592jpg 66704 72727.jpg
Hầm chui cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà thông xe, giúp giảm tải ùn tắc. Ảnh: TK.

Đến nay, công trình đã thông xe giai đoạn 1, đoạn từ hầm chui đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn đến đoạn giao đường Hoàng Hoa Thám. Với việc thông xe đoạn này, người dân có thể di chuyển liền mạch từ nút giao hầm chui Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn về đường Hoàng Hoa Thám, giúp giảm tải cho khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả và đường Cộng Hòa.

Theo Ban Quản lý xây dựng các công trình giao thông (Ban giao thông) TPHCM, các hạng mục lớn còn lại của tuyến đường nối sẽ hoàn thành năm nay để đồng bộ với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khi đưa vào khai thác.

w quoc lo 50 nguyen hue 17 1308.jpg
Dự án mở rộng Quốc lộ 50 có kinh phí gần 1.500 tỷ đồng khi hoàn thành góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông phía Nam TPHCM. Ảnh: Nguyễn Huế.

Quốc lộ 50: Dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 qua địa bàn huyện Bình Chánh là dự án giao thông trọng điểm của TPHCM. 

Dự án này có mức đầu tư xây dựng gần 1.500 tỷ đồng với điểm đầu tuyến giao với đường Nguyễn Văn Linh và điểm cuối giáp ranh tỉnh Long An.

Toàn bộ dự án có tổng chiều dài khoảng 6,92 km gồm đoạn song song với quốc lộ 50 hiện hữu dài khoảng 4,3 km và đoạn 2,56 km đường quốc lộ 50 hiện hữu, mở rộng mặt đường từ 4 lên 6 làn xe kéo dài đến khu vực cầu Ông Thìn (TPHCM giáp Long An).

Sau 2 năm khởi công, công trình vừa thông xe giai đoạn 1, đoạn song hành quốc lộ 50 (từ Trịnh Quang Nghị đến Ngã ba quốc lộ 50 hiện hữu) dài khoảng 2km.

Dự kiến trong năm 2025, Ban giao thông cùng các nhà thầu sẽ đẩy nhanh công tác tháo gỡ khó khăn về vướng công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành 2 đoạn còn lại gồm đoạn từ Trịnh Quang Nghị đến giao lộ Nguyễn Văn Linh dài hơn 2km và đoạn mở rộng gần 2,8km quốc lộ 50 hiện hữu.

Khi hoàn thành, dự án mở rộng Quốc lộ 50 sẽ tăng cường kết nối giao thông và thúc đẩy kinh tế giữa TPHCM, Long An và các tỉnh miền Tây.

Đồng thời, tuyến đường này cũng liên kết các trục giao thông quan trọng khác như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 (đang triển khai) và đại lộ Nguyễn Văn Linh, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông phía Nam TPHCM.

w nut giao an phu 20 94.jpg
Công trường thi công nút giao An Phú. Ảnh: Nguyễn Huế.

Nút giao An Phú:

Nút giao An Phú là một trong những dự án trọng điểm nhằm giảm tải cho khu Đông TPHCM, có tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng.  

Công trình được khởi công cuối năm 2022 với quy mô 3 tầng, gồm: hầm chui 2 chiều nối cao tốc Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn), kéo dài qua nút giao đường Đồng Văn Cống. Trên cao, 2 cầu vượt được thiết kế cho xe rẽ đi các hướng; mặt đất có đảo tròn trung tâm cùng tháp biểu tượng được xem là điểm nhấn đặc biệt cho công trình.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư), hiện nhiều hạng mục lớn thuộc dự án như cầu Bà Dạt, Giồng Ông Tố 2 đã thi công xong, các gói thầu chính khác như hầm chui, cầu cũng đang tập trung triển khai. 

Dự kiến, toàn bộ công trình sẽ hoàn thành cuối năm 2025, giúp giảm ùn tắc tại một trong những điểm nóng giao thông lớn nhất TPHCM mà còn tăng cường năng lực vận chuyển đến các cảng biển, sân bay Long Thành.

w z6176646076654 853e0d1ddee8a625a763c61db9358a2b 66604.jpg
Vành đai 3 TPHCM đoạn đi trên cao qua địa phận TP Thủ Đức. Ảnh: T.K.

Đường Vành đai 3 TPHCM: Trong năm 2025, dự kiến hoàn thành công trình xây dựng cầu Nhơn Trạch và thông xe đoạn 14,7km đi trên cao qua TP Thủ Đức.

2 hạng mục khi hoàn thành sẽ tạo tuyến đường huyết mạch liên kết vùng. Trong đó, cầu Nhơn Trạch tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) triển khai, đang thi công vượt tiến độ, dự kiến khai thác dịp 30/4 tới.

Kết nối trực tiếp với cây cầu này, đoạn Vành đai 3 qua TP Thủ Đức được thiết kế đi trên cao dài 14,7km.

Hiện nay, Chủ đầu tư (Ban giao thông) cùng các nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số hạng mục trước ngày 30/4/2025 để kết nối đồng bộ với gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đến cuối năm 2025 sẽ thông xe 14,7km cầu cạn của tuyến Vành đai 3 trên địa bàn TP Thủ Đức.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, công trình đường Vành đai 3 là dự án rất quan trọng khi là tuyến huyết mạch kết nối liên vùng, rút ngắn thời gian đi lại giữa TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Việc khai thác đoạn 14,7km qua địa bàn TP Thủ Đức giúp đồng bộ với tiến độ dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giảm áp lực giao thông khu Đông thành phố, góp phần vào mục tiêu quốc gia năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc.