Bác sĩ Hoàng Công Tình, trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận cấp cứu 5 trường hợp ngộ độc do uống rượu ngâm củ cây thương lục.
Những người này đều là công nhân, nhập viện với các triệu chứng giống nhau: tê lưỡi, đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi, khó thở... Qua khai thác nhanh, trước đó, nhóm này cùng ăn cơm, có uống rượu ngâm với củ của một loại cây mà theo họ, đó là nhân sâm. Rượu được mang ra uống lần đầu kể từ khi ngâm.
Các bác sĩ nhận định, đây là tình trạng ngộ độc tập thể qua đường ăn uống, chất gây ngộ độc nghĩ nhiều đến rượu ngâm. Ngay lập tức, bệnh viện kích hoạt hệ thống báo động đỏ, huy động tối đa nhân lực cấp cứu.
Các bệnh nhân sau khi đã ổn định sức khỏe, được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình |
“Mục tiêu trước mắt là dùng các biện pháp đào thải nhanh nhất chất độc ra khỏi đường tiêu hoá của bệnh nhân bằng: gây nôn, rửa dạ dày, nhuận tràng, truyền dịch. Ngoài ra, chúng tôi theo dõi liên tục để sẵn xử trí nếu có suy hô hấp, co giật, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy chức năng các tạng...”, bác sĩ Tình thông tin.
Song song, các bác sĩ hướng dẫn người nhà mang loại rượu nhóm công nhân uống cùng loại cây đã sử dụng ngâm rượu lên để tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Qua quan sát hình dạng, tra cứu tài liệu kết hợp tham khảo ý kiến một số chuyên gia, kíp nhận định đây là cây thương lục, có tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb.
“Nhóm công nhân đã nhầm lẫn cây này là nhân sâm nên đào củ để ngâm rượu. Trong 6 người sử dụng loại rượu ngâm này, 5 trường hợp uống nhiều xuất hiện triệu chứng nặng, người còn lại dùng ít, các triệu chứng nhẹ hơn nên không cần nhập viện”, bác sĩ Tình nói.
Sau 2 ngày điều trị, các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, tuy nhiên còn mệt, xin xuất viện về nơi trọ để tiếp tục theo dõi sức khoẻ.
Bình rượu gây ngộ độc và loại cây mà các bệnh nhân dùng ngâm rượu |
Theo các tài liệu y học cổ truyền, cây thương lục có độc chất ở tất cả các bộ phận (rễ, củ, quả, lá). Khi ăn phải loại độc này, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như tê môi, lưỡi, đau bụng, nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết dịch đường thở, co giật.
Nếu ngộ độc nặng hoặc không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể suy hô hấp, hôn mê hoặc tử vong.
Bác sĩ Hoàng Công Tình khuyến cáo, củ và rễ của cây thương lục rất giống với nhân sâm, khi ngâm rượu cũng có mùi thơm như nhân sâm nên rất dễ nhầm lẫn.
Nếu ngộ độc với bất kỳ thành phần nào của cây thương lục, cần nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi đường tiêu hoá bằng các cách gây nôn, rửa dạ dày, dùng thuốc nhuận tràng, truyền dịch... Bên cạnh đó, cần tới ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Nguyễn Liên
531 người ngộ độc thực phẩm trong ba tháng đầu năm 2021
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đây là con số “rất đáng suy ngẫm”.