Ngành công nghiệp ô tô những năm gần đây đã có nhiều phát triển vượt bậc, trong đó xu hướng nổi bật xoay quanh việc sản xuất xe điện và xe tự hành (self-driving). 

Nhắc đến xe tự hành, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những chiếc xe có thể tự di chuyển trên đường mà không cần người lái. Tuy vậy, đó chỉ là một phần khái niệm về loại xe thông minh này.

xe tuong lai 2.jpeg
Xe tự hành là giải pháp giúp giải phóng một phần hoặc hoàn toàn người lái. (Ảnh: istockphoto)

Hiệp hội Kỹ sư ô tô (Society of Automotive Engineers - SAE) của Mỹ đã xếp loại xe tự hành với 5 cấp độ chính, và khái niệm này được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

cac cap do xe tu lai.jpeg
Các cấp độ của xe tự hành. (Nguồn ảnh: SAE)
Xem nhanh:
  • • Cấp độ 1: Hỗ trợ người lái
  • • Cấp độ 2: Tự hành một phần
  • • Cấp độ 3: Tự hành tuỳ điều kiện
  • • Cấp độ 4: Tự hành cấp cao
  • • Cấp độ 5: Tự hành hoàn toàn

Cấp độ 1: Hỗ trợ người lái

Đây là cấp thấp nhất của công nghệ tự hành. Trên các xe này, người lái được hỗ trợ một phần, tuy nhiên vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Hệ thống tự hành cấp độ 1 giúp chiếc xe có thể tự chuyển động theo phương dọc dựa vào cơ chế ga hoặc phanh.

Ở cấp độ này, chiếc xe có khả năng duy trì khoảng cách với các phương tiện phía trước, tuy nhiên không có khả năng tự đánh lái và người lái luôn phải sẵn sàng để điều khiển chiếc xe ngay khi cần thiết.

Đa số mẫu xe đời mới trang bị nhiều tính năng hỗ trợ người lái được xếp vào nhóm cấp độ 1 này. Một số tính năng phổ biến của cấp độ 1 có thể kể đến là hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control), phanh tự động, và đặc trưng nhất là hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng - Adaptive Cruise Control (ACC)…

cruise control.jpeg
Chức năng Cruise Control trên một số dòng ô tô chính là cấp độ 1 của xe tự hành. (Ảnh: Carscoops)

Cấp độ 2: Tự hành một phần

Ngoài những chức năng như ở cấp độ 1 thì cấp độ tự hành một phần, chiếc xe được trang bị thêm nhiều tính năng hỗ trợ người lái hơn, và mấu chốt là xe có tác động đánh lái (chuyển động ngang) một cách tự động nếu được kích hoạt.

Ở cấp độ 2, xe có thể chủ động hơn trong xử lý một số tình huống trên đường như tự động giữ làn đường, phanh khẩn cấp, chuyển hướng, tăng tốc, bám theo xe khác,... Tuy nhiên người lái vẫn phải giám sát và can thiệp một phần vào quá trình xử lý.

Ví dụ cho cấp độ này như các tính năng giữ làn đường, hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao - Advanced Driver Assistance Systems (ADAS) và đặc trưng nhất tự động ghép xe vào điểm đỗ. Hiện, các mẫu xe đời mới của Audi, Mercedes-Benz, BMW, Volvo,...hoặc thậm chí trên một số mẫu xe bình dân của Ford đều có những tính năng thuộc cấp độ 2 này.

do xe tu dong ford.jpeg
Các tác động đến chân ga và vô-lăng như giữ làn đường, đỗ xe tự động,... là chức năng của xe tự hành cấp độ 2. (Ảnh: Ford)

Cấp độ 3: Tự hành tuỳ điều kiện

Ở cấp độ này, người lái không cần phải liên tục giám sát mà hoàn toàn có thể làm những việc khác trên xe như đọc sách, xem phim, thậm chí là… ngủ. Việc vận hành hoàn toàn do chiếc xe tự động theo cài đặt có sẵn của người lái.

Thông thường, ở cấp độ này, chiếc xe sẽ tự phân tích và tối ưu hoá việc ga, phanh, chuyển làn,…hoàn toàn không cần sự can thiệp của con người với tốc độ dưới 60 km/h. Khi tốc độ vượt quá 60km/h hay tình hình giao thông đã trở nên thông thoáng thì hệ thống sẽ yêu cầu người lái phải tự điều khiển chiếc xe.

Khi tính năng đã được kích hoạt người lái có thể rời chân khỏi bàn đạp ga và tay lái trong một khoảng thời gian dài, thư giãn và sử dụng các tiện ích giải trí trên xe. Hệ thống sẽ tự động nhận biết được những giới hạn vận hành, nếu không đủ điều kiện thì hệ thống sẽ thông báo cho người lái điều khiển chiếc xe trở lại. 

Nếu người lái từ chối yêu cầu và bỏ qua các cảnh báo, thì chiếc xe sẽ tự động phanh lại liên tục cho đến khi dừng hẳn trên làn đường của mình. Hiện, nhiều dòng xe điện của Tesla, Volkswagen, BMW hay một số mẫu xe Trung Quốc đã đạt tới cấp độ tự hành này.

tesla driver.jpeg
Người lái có thể làm việc riêng, thậm chí là ngủ trên xe tự hành cấp độ 3. (Ảnh: Tesla)

Cấp độ 4: Tự hành cấp cao

Ở cấp độ tự hành cấp cao (cấp 4), chiếc xe không cần phải có người điều khiển. Thậm chí, từ cấp độ này chiếc xe có thể không cần vô-lăng.

Tuy vậy, với cấp độ 4, chiếc xe bị giới hạn hoạt động ở một số khu vực nhất định. Khi tự hành, nếu phát hiện lỗi, chiếc xe sẽ tự động dừng lại hoặc tự đi đến một vị trí đã được lập trình thay vì yêu cầu tài xế can thiệp như cấp độ 3.

Đây chính là cấp độ tự hành mà các hãng xe trên toàn thế giới đang hướng đến với tính khả thi cao. Trong đó, các taxi robot hay xe buýt không người lái là ví dụ cho cấp độ này. Chúng sẽ tự lái ở một dải vận tốc giới hạn trên một tuyến đường cố định, phù hợp với các nội khu như trường đạihọc, khu đô thị, sân golf,...

xe-tu-hanh-cap-do-4-phenikaa-1.jpeg
Chiếc xe tự hành cấp độ 4 đầu tiên của Việt Nam đang được thử nghiệm trong khuôn viên đại học Phenikaa tại Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Cấp độ 5: Tự hành hoàn toàn

Đây là cấp độ tự hành cao nhất của một chiếc xe thông minh. Chiếc xe sẽ tự kiểm soát những chuyển động ngang, dọc, phanh và tăng tốc hoàn toàn thông qua các cảm biến, radar, lidar, camera,... 

Dù cấp độ 5 không có quá nhiều điểm khác biệt so với cấp độ 4, nhưng thực tế đây là một bước nhảy vọt về công nghệ khi chiếc xe không yêu cầu sự trợ giúp của người lái trong bất kỳ tình huống nào. Tất nhiên, ở cấp độ này, xe hoàn toàn không cần có tay lái, chân ga và chân phanh.

Để một chiếc xe có thể nhận diện mọi điều kiện đường sá, tín hiệu giao thông, phản ứng với các tình huống giao thông phức tạp ở mọi điều kiện thời tiết dù xấu nhất hoặc ở những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất đòi hỏi các cảm biến, hệ thống camera, GPS, bộ vi xử lý,… làm việc hết sức chính xác, đồng thời năng lực tính toán cao cấp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). 

Hiện, rất ít hãng xe phát triển sản phẩm đến cấp độ này và đây được cho là cái đích hướng đến trong tương lai.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn gì với các cấp độ của xe tự hành nói trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!