Smartphone ngày nay chủ yếu sử dụng ứng dụng để phục vụ nhu cầu người dùng, từ nhắn tin đến lướt mạng xã hội, chơi game, ngân hàng. Tuy nhiên, trong tương lai, điện thoại thông minh sẽ không còn cần đến ứng dụng nữa. Với niềm tin này, Deutsche Telekom đã phối hợp với hãng chip Qualcomm và công ty trí tuệ nhân tạo Brain.ai phát triển “T-phone”, giao diện điện thoại không ứng dụng.

“Tôi có thể nói với các bạn rằng, trong 5-10 năm tới kể từ bây giờ, không ai trong chúng ta còn dùng ứng dụng nữa”, CEO Tim Hoettges phát biểu trong bài trình bày tại MWC 2024, triển lãm di động đang diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha).

Nhờ vào AI, T-phone có thể trả lời các lời nhắc của người dùng, đưa ra khuyến nghị về các điểm du lịch, mua hàng cho chủ nhân, gửi ảnh và video cho danh bạ. Thiết bị phản ánh niềm tin của Deutsche Telekom vào việc các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đa phương thức sẽ sớm không thể tách rời với điện thoại, giúp cải thiện và đơn giản hóa cuộc sống của khách hàng.

Các hãng viễn thông và công nghệ đều mang đến sản phẩm và concept mới đến MWC 2024 với hi vọng “cơn sốt” AI sẽ giúp kích thích kinh doanh. Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về khía cạnh đạo đức và pháp lý của công nghệ mới này.

Theo hãng nghiên cứu GlobalData, thị trường AI nói chung - bao gồm phần mềm, phần cứng và dịch vụ - sẽ trị giá 383,3 tỷ USD trong năm 2030, tăng trưởng thường niên trung bình 21,4% từ mức 81,3 tỷ USD năm 2022. Thị trường ứng dụng AI chuyên biệt sẽ đáng giá 146 tỷ USD trong cùng kỳ với mức tăng trưởng hằng năm 21,3%.

(Theo Reuters, Verdict)