Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp (DN) ngày 9/5, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19 có tới 86% DN bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%.

Hơn 20.000 tỷ đã đến tay người lao động

Khu vực DN vừa và nhỏ, khu vực du lịch hàng không, dịch vụ lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng; 26% DN tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc.

Mặc dù vậy, nhiều DN vẫn cố gắng trả lương cơ bản cho người lao động, nhiều nơi người lao động tự nguyện giảm một phần thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn với DN.

{keywords}
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

Chính phủ, Thủ tướng đưa ra gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ hơn 20 triệu lượt đối tượng lao động bị giảm sâu về thu nhập, có mức sống dưới mức tối thiểu.

Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ LĐ-TBXH cùng Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, NHNN, NH Chính sách xã hội, VPCP cùng với MTTQ Việt Nam và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đúng, kịp thời công khai, minh bạch đến các đối tượng.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay 63 tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai, hỗ trợ hơn 20.000 tỷ; 45/63 tỉnh đã rà soát xong và cơ bản bắt đầu từ 9/5 sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng ước tính khoảng 7.630 tỷ.

Đến nay, 47 tỉnh đã triển khai giải quyết việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 DN với 80.000 lao động với trên 300 tỷ đồng.

Ông Dung đánh giá, với chủ trương quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ phục hồi thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình trong dài hạn (khoảng 70-80.000), lao động mất việc làm hàng tháng sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.

Bộ LĐ-TBXH đề nghị các địa phương, các DN triển khai đúng, có hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng.

Bộ trưởng cũng lưu ý, đối với các DN cần ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị.

"Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khuyến cáo để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc DN sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ LĐ-TBXH sẽ trình với Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000-5.000 tỷ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ.

Cùng với đó, Bộ sẽ triển khai cấp phép lao động cho chuyên gia, nhà quản lý và lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều chính sách hỗ trợ DN, bảo đảm thu nhập cho người lao động

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, mặc dù chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 nhưng cộng đồng DN của TP vẫn tích cực đồng hành, đóng góp vào công tác phòng chống dịch bệnh như chia ca làm việc bảo đảm thu nhập, tiền lương cho người lao động. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị và tập đoàn giữ nguyên tiền lương cho công nhân, đẩy mạnh việc làm qua hệ thống trực tuyến và thương mại điện tử.

Từ tháng 2 đến nay, Hà Nội đã chuyển 1.020 tỷ đồng sang NHCSXH và cam kết sẽ tiếp tục chuyển nguồn tài chính này để hỗ trợ DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh vay phát triển sản xuất với  lãi suất 0%, trong đó chú ý cho đầu tư phát triển đàn lợn, gia súc gia cầm; tái cơ cấu và đưa kỹ thuật cao vào phát triển công nghiệp.

{keywords}
Hội nghị Chính phủ với DN

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thanh Phong cho biết, hiện có 421.000 DN đăng ký trong 4 tháng đầu năm, dưới tác động của dịch Covid-19, đã có 12.700 DN giải thể, dừng hoạt động, hệ quả là hơn 300.000 lao động, tạm hoãn, ngưng hợp đồng lao động, mất việc.

TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như lập tổ công tác hỗ trợ DN từ tháng 3 nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các DN.

Về thực hiện các chính sách, ông Phong cho biết các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ là 63.000 tỉ đồng, giảm lãi cho kinh tế hộ 12.300 tỉ đồng cho 168.000 khách hàng, cho vay mới 88.800 tỉ đồng để đồng hành cùng DN với lãi suất ưu đãi. Cục thuế đã khoanh nợ 40.000 tỉ đồng, gia hạn nộp thuế.

Thu Minh