Số liệu thống kê nêu trên vừa được Vụ Tổ chức cán bộ, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ TT&TT thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo được tổ chức hôm nay, ngày 12/11 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính Bộ TT&TT chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo. |
Hơn 90% văn bản phát hành của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT dưới dạng điện tử có ký số
Cũng theo đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, tính đến tháng 11/2019, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT là 243 thủ tục, trong đó có 200 thủ tục thực hiện tại Bộ và 43 thủ tục thực hiện tại địa phương.
Thực hiện Nghị quyết 16 ngày 27/2/2018 của Chính phủ về việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ TT&TT đang tiến hành rà soát và dự kiến cắt giảm 16 TTHC.
Bên cạnh công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực quản lý, việc ban hành mới các TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT cũng luôn được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đơn giản hóa tối đa, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.
Tính từ đầu năm đến nay, Bộ TT&TT đã và đang thực hiện xem xét cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thành phần hồ sơ cũng như thời gian thực hiện đối với các thủ tục hành chính trong 2 dự thảo Thông tư thuộc lĩnh vực Internet và xuất bản: dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên Internet và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định 195/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.
Về công bố, công khai TTHC, từ đầu năm đến nay, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định công bố 2 TTHC được sửa đổi, bổ sung. “Các TTHC đều được cập nhật đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đảm bảo đầy đủ và chính xác. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có TTHC đều thực hiện tốt việc niêm yết các TTHC tại trụ sở cơ quan, đơn vị”, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ nhận xét.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT cũng đang tập trung triển khai xây dựng “Hệ thống thông tin điện tử một cửa Bộ TT&TT” và thực hiện đánh giá việc tổ chức thủ tục hành chính tại Bộ theo đúng quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP, Thông tư 01/2018/VPCP đảm bảo điều kiện để thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia khi được đưa vào vận hành.
Triển khai hiện đại hóa nền hành chính, thời gian qua, Bộ TT&TT đã và đang triển khai 20 nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong năm 2019, với các nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thành xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ, phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0); triển khai cung cấp 26 dịch vụ công mức 3 theo danh mục đã được phê duyệt giai đoạn 2018 - 2020; tăng cường sử dụng văn bản điện tử; giám sát, khắc phục sự cố an toàn thông tin.
Về kết quả ứng dụng CNTT nội bộ, hiện 100% văn bản không mật đã được gửi, nhận qua môi trường điện tử; 100% trưởng đơn vị đã sử dụng hệ thống quản lý văn bản và ký số văn bản; và trên 90% văn bản phát hành của các đơn vị dưới dạng điện tử có ký số.
Với việc áp dụng ISO, hiện 100% đơn vị thuộc Bộ TT&TT có TTHC đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001, có bản công bố ISO theo quy định. Hoạt động duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ được thực hiện thường xuyên, hiệu quả nhằm phát huy vai trò của việc áp dụng Hệ thống ISO trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Việc chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008 sang hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đang được các đơn vị triển khai. Đến nay Cục Tần số vô tuyến điện là đơn vị đầu tư công bố ISO 9001: 2015. Khối cơ quan Bộ TT&TT dự kiến công bố trong năm nay.
Cần có giải pháp nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ
Tuy nhiên, theo Vụ Tổ chức cán bộ, một hạn chế trong cải cách hành chính của Bộ TT&TT là mặc dù số TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 khá lớn: 88/200 thủ tục; song số thủ tục có phát sinh hồ sơ trực tuyến còn thấp, 23/88 thủ tục hành chính (đạt 26%). Cùng với đó, việc tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích trong thời gian qua cũng đạt kết quả thấp, đặc biệt là không phát sinh việc tiếp nhận hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Tính đến nay tổng số thủ tục hành chính được Bộ TT&TT cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 là 88 thủ tục, với 54 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 34 dịch vụ công trực tuyến mức 4. |
Trao đổi tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Phúc cho biết, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh thấp là tình trạng chung mà nhiều bộ, tỉnh gặp phải. Vấn đề quan trọng là các cơ quan cung cấp dịch vụ cần có giải pháp khắc phục.
Ông Phúc cũng chia sẻ 2 giải pháp đã được một số bộ, tỉnh thực hiện để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đó là cử cán bộ Đoàn Thanh niên ra bộ phận một cửa để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC thực hiện theo phương thức trực tuyến, ví dụ thời gian quy định đang là 5 ngày thì để khuyến khích có thể rút ngắn còn 2 ngày với những người dân, tổ chức chọn dùng thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.
Nói về việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nêu ra bài học kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, giai đoạn đầu khi người dân chưa quen, tỉnh Quảng Ninh trả chi phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ để đảm bảo người dân, doanh nghiệp khi đến sử dụng dịch vụ hành chính công sẽ không phải quay lại để lấy kết quả.