Xiao Li, 27 tuổi, sống ở Hồ Nam (Trung Quốc). Sau khi chia tay bạn trai không lâu, cô cảm thấy buồn và hụt hẫng. Cô bắt đầu có cảm giác tức ngực, khó thở, trái tim như muốn vỡ.
Mỗi khi gặp chuyện phiền muộn, mọi người thường nói rằng trái tim tan nát. Trên thực tế, các bác sĩ cũng đề cập tới “hội chứng trái tim tan vỡ” của những người có tình trạng giống Xiao Li.
Hội chứng trái tim tan vỡ là gì?
Hội chứng trái tim tan vỡ còn gọi là bệnh lý cơ tim takotsubo là tình trạng bệnh tim tạm thời, thường xảy ra sau những tình huống căng thẳng. Khi đó, chức năng bơm máu tại một vùng tim bị gián đoạn.
Các triệu chứng ban đầu của “hội chứng trái tim tan vỡ” tương tự như hội chứng mạch vành cấp tính. Bệnh nhân đau dữ dội vùng sau thành ngực, ngất, đánh trống ngực.
Trong trường hợp nặng, người bệnh bị rối loạn nhịp tim, phù phổi, sốc. Ở một số rất ít người, có thể xảy ra ngừng thở, ngừng tim, thậm chí đột tử.
Theo nghiên cứu trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, "hội chứng trái tim tan vỡ" không chỉ gây tổn thương cho tim mà có nguy cơ dẫn tới ung thư.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm, người mắc có thể phục hồi trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Các yếu tố ảnh hưởng xấu tới tim
Uống rượu quá mức
Uống rượu quá nhiều sẽ dẫn đến tim đập nhanh, quá tải, làm tổn thương mô cơ tim. Những người này có nguy cơ mắc bệnh cơ tim như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
Làm việc quá nhiều và thiếu ngủ
Theo Aboluowang, thức đêm trong thời gian dài và căng thẳng quá mức sẽ từ từ “vắt khô” cơ thể. Một nghiên cứu đã xác minh các yếu tố gây tái phát đột quỵ ở những người trẻ tuổi trong 10 năm bao gồm thiếu ngủ. Ngủ không đủ giấc dẫn đến các vấn đề cấp tính hoặc mạn tính trong mạch máu. Phân tích cho thấy những người ngủ ít hơn 6 tiếng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn 35%.
Tập thể dục quá sức
Khi một người thực hiện các bài tập quá sức, tim sẽ bị quá tải, khiến huyết áp tăng đột ngột, tim đập nhanh. Nếu đã mắc các bệnh tim mạch, người đó có nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Thức dậy đột ngột
Bật dậy ngay lập tức sau tiếng báo thức sẽ khiến nhịp thở và nhịp tim của bạn tăng nhanh, lưu lượng máu cũng tăng.
Nếu một người đang trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê đột ngột ngồi dậy hoặc đứng lên, tổn thương tim sẽ lớn hơn. Đặc biệt người cao tuổi, bệnh nhân cao huyết áp, bệnh nhân Parkinson càng phải chú ý vì nguy cơ tai biến.