Thông tin được PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ tại tọa đàm Nâng cao nhận thức cộng đồng trong kiểm soát hen tại Việt Nam ngày 23/1.
PGS Khuê cho biết, hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Mỗi năm trên thế giới ghi nhận hơn 250.000 ca tử vong do bệnh hen.
Tại Việt Nam, khoảng 4% dân số mắc bệnh hen nhưng có tới gần 70% người bệnh chưa được kiểm soát. Trong số điều trị, 36% bệnh nhân tự đánh giá kiểm soát tốt bệnh nhưng thực tế con số này chỉ chiếm 9%.
Bệnh hen phế quản gây co thắt phế quản, làm cản trở sự lưu thông của không khí trong phổi. Bệnh có đặc điểm tái đi tái lại nhiều lần. Người mắc bệnh hen phế quản có thể xuất hiện cơn khó thở nặng, suy hô hấp và tử vong ở bất kỳ thời điểm nào. Tại nước ta, hầu hết bệnh nhân hen đều phát hiện muộn khi bệnh đã nặng, đến viện cấp cứu do lên cơn hen cấp.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh
Dù là bệnh mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu được kiểm soát tốt, 85% người bệnh tránh được tử vong.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, quản lý tốt bệnh hen là một trong những ưu tiên của Chính phủ và ngành y tế. Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 trong đó có bệnh hen. Tháng 4/2020, Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị hen phế quản người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.
Song việc kiểm soát hen tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, một phần do trình độ và tuân thủ khuyến cáo điều trị của nhân viên y tế tại các tuyến chưa đồng đều, phần còn lại do nhận thức của người bệnh hạn chế, không tuân thủ điều trị, đặc biệt là tình trạng lạm dụng và phụ thuộc vào các thuốc cắt cơn (bình xịt giãn phế quản tác dụng ngắn).
Trong khuyến cáo mới nhất, Bộ Y tế đã cảnh báo, việc sử dụng thường xuyên hoặc quá mức thuốc cắt cơn có thể làm tăng nguy cơ nhập viện và gây tử vong cho người bệnh. Lạm dụng thuốc cắt cơn sẽ làm tăng phản ứng quá mức của đường thở gây bùng các đợt hen phế quản cấp.
Theo khảo sát năm 2020 với 336 bệnh nhân trên 18 tuổi tại 14 tỉnh, thành phố cho thấy, 68% bệnh nhân hen đã mua từ 3 bình thuốc cắt cơn trở lên. Đây là tình trạng đáng báo động.
PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, Phó chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam cảnh báo, nếu sử dụng 3 bình thuốc cắt cơn trong 1 năm có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện do bệnh hen. Thống kê cho thấy, khoảng 30% bệnh nhân hen phế quản phải nhập viện khám khẩn cấp.
“Nếu bệnh nhân thờ ơ, tự đánh giá thấy ổn, không dùng thuốc, khi vào đợt cấp không phải khi nào bác sĩ cũng có thể cứu sống thành công”, PGS Lan cảnh báo.
Theo PGS Lan, nếu bệnh nhân hen phế quản tuân thủ điều trị, dù hen nặng bậc 4 cũng chỉ mất 4-5 triệu đồng/năm và điều trị ngay tại tuyến quận. Tuy nhiên nếu để lên cơn hen cấp, chi phí có thể lên tới 21 triệu đồng/đợt chưa kể các chi phí khác như thiết bị, vật tự y tế trong bệnh viện, các xét nghiệm theo dõi, hỗ trợ dinh dương, tái khám.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc điều trị hen dài hạn được chia thành 3 loại chính, bao gồm: Thuốc kiểm soát hen, thuốc cắt cơn hen và thuốc điều trị phối hợp đối với hen nặng. Trong đó, tất cả những bệnh nhân ngay khi chẩn đoán mắc hen cần được dùng thuốc kiểm soát hen càng sớm càng tốt.
PGS Lan cho biết, hiện mới có 1/3 bệnh nhân hen tại Việt Nam sử dụng thuốc ngừa cơn hen liên tục. Đây là thuốc giúp kiểm soát cơn hen, nếu dùng liên tục sẽ kiểm soát được bệnh, không cần dùng thuốc cắt cơn.
Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng và phải dùng thuốc cắt cơn khi đó tình trạng hen đang không được kiểm soát. Lúc này, bệnh nhân nên đi khám để kiểm tra lại, bác sĩ sẽ có chỉ định và kê đơn phù hợp. Người bệnh tuyệt đối không tự ý ra nhà thuốc mua bình xịt cắt cơn về dùng.
Thúy Hạnh
Nữ công nhân suýt chết ở công ty vì căn bệnh thường gặp khi mưa nhiều
Khi đang làm việc ở công ty, nữ công nhân cảm thấy khó thở, mệt lã, đồng nghiệp gọi hỏi không trả lời được.