Tôi có một mối quan hệ phức tạp với trường cũ. Đại học là thời gian tự khám phá, nhưng thực sự khó khăn để tìm thấy bản thân khi bạn theo học một trong những ngôi trường cạnh tranh, siêu chỉ trích.

{keywords}

Tất nhiên, tôi sẽ luôn biết ơn những học bổng, trợ cấp và những cơ hội mà Harvard mang lại cho tôi – một sinh viên thuộc thế hệ đầu tiên trong một gia đình thu nhập thấp được học đại học. Bố mẹ tôi là người nhập cư và gần như không hiểu hay nói được tiếng Anh. Tôi sẽ luôn biết ơn việc Harvard trao cho tôi cơ hội được tiến gần tới sự bình đẳng với các bạn cùng lớp – những người có bố mẹ là các CEO, người đứng đầu tiểu bang, những nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới. Tôi sẽ luôn biết ơn việc thương hiệu Harvard xuất hiện trong hồ sơ của tôi và giúp tôi mở ra nhiều cánh cửa khác. Quan trọng nhất, tôi sẽ luôn biết ơn những người bạn mà tôi đã gặp ở Harvard – những người tạo nên tôi của ngày hôm nay.

Tuy nhiên, trong suốt 16 năm kể từ ngày tốt nghiệp, cứ nghĩ đến việc họp lớp là tôi lại cảm thấy khó chịu và lo lắng. Tôi nhận ra một phần lý do là vì tôi đã không nói ra được tôi khốn khổ như thế nào trong suốt 4 năm học ở Harvard. Vì thế, bây giờ tôi cảm thấy đã tới lúc tôi phải kể câu chuyện vỡ mộng của mình.

Là một người tị nạn tới từ Việt Nam, lớn lên ở khu vực nội thành Philadelphia, học trường công, tôi thấy mình cực kỳ may mắn khi nhận được thư trúng tuyển của Harvard. Nó giống như giấc mơ trở thành sự thật.

Khu vực tôi sinh sống là một trong những khu có tỷ lệ tội phạm, bạo lực, nghèo đói cao hơn các khu vực khác trong thành phố.

Thời đó, gần một nửa trẻ em khu dân cư tôi sống bỏ học phổ thông, vì thế việc một đứa được học cao đẳng cộng đồng đã là một thành công. 

Còn vào Harvard thì giống như bạn đang lái tên lửa lao ra khỏi khu ổ chuột. Hi vọng của tôi là sử dụng kiến thức của mình để giúp đỡ gia đình và giúp đỡ thêm nhiều đứa trẻ nghèo giống mình vượt qua các rào cản.

Harvard là trải nghiệm đầu tiên của tôi trong một môi trường của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. 

Nó giống như một cú sốc. Không giống như những sinh viên giành học bổng từng học trường tư, tôi chưa từng giao lưu với những người quá giàu có trước đó. 

Trái lại, nơi tôi sinh sống, bạo lực là chuyện bình thường. Bố mẹ tôi có một nhà hàng bán đồ ăn “take-out” (mua đồ ăn mang đi) ở một khu đầy những băng đảng. Thường xuyên có những trận đánh nhau, trộm cắp ở cửa hàng của chúng tôi. 

Có lần, một vị khách còn bị bắn vào đầu khi vừa bước ra khỏi cửa. 

Trong suốt năm đầu tiên ở Harvard, tôi nhận ra rằng những gì mà tôi đã trải qua hoàn toàn không bình thường chút nào. Hầu hết những đứa trẻ trong lớp tôi đều có một cuộc sống rất yên bình. Khi tôi nghe các bạn cùng lớp phàn nàn về những vấn đề của họ, tôi tự hỏi làm sao mà họ có thể hiểu được những gì mà tôi đã trải qua?

{keywords}

Dieu Quach: Động lực để tôi viết bài luận này là để đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân về việc từng bị coi thường và từ chối vì gia cảnh nghèo khó

Trong năm đầu tiên, tôi cố gắng tìm một cộng đồng – nơi mà tôi cảm thấy có thể chia sẻ một cách cởi mở những mối quan tâm của mình và tìm được những người bạn đồng cảm với những giá trị và trải nghiệm của mình. 

Trong suốt những năm phổ thông, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ những người bạn Mỹ gốc Á – những người có bố mẹ cũng là dân nhập cư, nghèo khó và làm những công việc bình thường như bố mẹ tôi.

Ở Harvard, dù cố gắng kết nối với các nhóm sinh viên Mỹ gốc Á nhưng tôi sớm nhận ra rằng, ngoài màu da, chúng tôi không có nhiều điểm chung. Nhiều người có bố mẹ là tiến sĩ, thạc sĩ, chơi xuất sắc trong dàn nhạc. 

Ngoài ra, nhiều sinh viên gốc Á mà tôi quen biết bị ám ảnh về chuyện điểm số và có lối sống nghiêng về vật chất. Tôi cảm thấy họ coi thường mình vì tôi nghèo và không có điểm chung với họ.

Tôi không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng mình hoàn toàn xa lạ với nền văn hóa học thuật tháp ngà và xu hướng đặt cái tôi lên trên hết của các bạn học và các giáo sư.

 Lãnh đạo nhà trường rao giảng về những mục tiêu cao cả và tôn vinh những cựu sinh viên làm thay đổi thế giới. Không có bất kỳ ai trong đội ngũ lãnh đạo của trường – những người biết về hoàn cảnh của tôi và về tình trạng tài chính của tôi – từng một lần hỏi thăm tôi. Nếu có ai đó thì có lẽ là tôi không biết.

Những cái chết trên giảng đường và áp lực của sự hoàn hảo

Nhiều sinh viên mắc phải Hội chứng Con Vịt (Duck Syndrome): Một con vịt đang bơi trông có vẻ thảnh thơi trên mặt nước, nhưng kỳ thực bên dưới, đôi chân của nó phải đạp liên hồi.

Với tôi, Harvard là nơi mà mọi người đều mang khuôn mặt đúng đắn một cách thận trọng. 

Việc sống thật và dễ bị tổn thương là điều không bình thường. Ngay cả khi bạn không cảm thấy mình giỏi giang thì bạn vẫn phải giả vờ như thế, bởi vì ai cũng kỳ vọng bạn như vậy. 

Tôi hiểu rằng, nếu cảm thấy mình không phù hợp, thì bạn phải thay đổi để thích nghi với Harvard.

Còn nếu không, bạn sẽ phải chọn hoặc là nghỉ học một năm để suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện, tự xoay sở cho tới khi tốt nghiệp, hoặc là uống thuốc chống trầm cảm. Tôi đã sốc khi thấy quá nhiều sinh viên ở đây phải tìm tới ma túy và thuốc chống trầm cảm.

Việc căng thẳng đầu óc trong khi không có ai để chia sẻ khiến tôi có những triệu chứng như trầm cảm tự tử, hoảng loạn, khiến tôi không thể ngủ hay thư giãn, suy giảm nhận thức chung. 

Từ năm nhất tới năm hai, tôi từ một sinh viên trúng tuyển Harvard trở thành một sinh viên không thể tập trung trong lớp học. Đến mùa xuân năm thứ hai, khi chứng rối loạn tinh thần hậu chấn thương xâm chiếm cuộc sống, thì mục tiêu của tôi đơn giản chỉ là tồn tại ở Harvard.

Cuối cùng, tôi tìm thấy niềm an ủi ở khoa nghệ thuật với cái tên đầy khoe mẽ - “Nghiên cứu môi trường và nghệ thuật thị giác”. 

Điều khiến tôi thích thú nhất là nó chính thức cho phép tôi trở nên kỳ lạ và khác biệt. Tôi dùng nó như một chiếc áo giáp để bảo vệ chính mình. Nghệ thuật đã cho tôi một lối thoát để đưa ra những bình luận về xã hội.

Tôi thử nghiệm những cá tính khác biệt: tôi cạo đầu, nhuộm tóc xanh đỏ và ăn mặc lập dị. 

Sau đó tôi tham gia hoạt động ở nhà hát. Khi chúng tôi chỉ đạo sản xuất vở M. Butterfly của David Henry Hwang, tôi ăn mặc như một con bướm và mang theo một chiếc đài cát-sét đi xung quanh khuôn viên Harvard để quảng bá cho buổi biểu diễn. Tôi nhận ra rằng tôi đã trở nên nổi bật khi tới lớp trong bộ trang phục này nhưng các bạn cùng lớp không hề nao núng. Họ chỉ hỏi là có thể xem buổi biểu diễn bằng cách nào.

Trong thời gian ở Harvard, tôi đã tìm đến bác sĩ tâm lý. Đó là thời điểm thay đổi cuộc sống của tôi, khi bác sĩ tâm lý giải thích rằng sự phát triển bộ não của tôi bị ảnh hưởng bởi những thứ đau thương mà tôi đã từng trải qua khi còn là một đứa trẻ - thời gian mà gia đình tôi rời khỏi Việt Nam bằng thuyền và sống gần 2 năm ở trại tị nạn.

Thật đau lòng khi biết rằng bộ não của mình bị ảnh hưởng vì những sự kiện mà tôi hoàn toàn không thể kiểm soát được. Sau đó, bác sĩ đề nghị tôi thử dùng thuốc chống trầm cảm Zoloft và bắt đầu quá trình trị liệu.

Thuốc giúp não tôi ổn định hơn, nhưng nó khiến tôi cảm thấy tê cứng. 

Trị liệu làm tôi cảm thấy chán nản và bất lực hơn. Tôi cũng cố gắng kiên trì, nhưng điều khiến tôi nản lòng nhất là những người điều trị không tập trung vào việc giúp tôi giải quyết vấn đề khiến mình trầm cảm: đó là việc gia đình tôi vẫn sống một cuộc sống nghèo khó, và tôi không muốn trở thành gánh nặng của họ, và việc học ở Harvard đã không trực tiếp đặt tôi ở một vị trí tốt hơn để hỗ trợ tài chính cho bố mẹ.

Cái mà tôi cần là sự tư vấn và huấn luyện để xây dựng những kỹ năng sống mà tôi không học được ở nhà, nhằm giải quyết những vấn đề khiến tôi có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống. 

Vì Harvard không có cách nào để giải quyết những vấn đề này giúp tôi nên tôi nhận ra rằng phải tự cứu lấy mình. 

Ngoài ra, cũng không có ai hiểu được rằng rồi tôi sẽ phải dừng dùng thuốc chống trầm cảm. Sự thật là tôi sẽ dừng thuốc ngay khi bảo hiểm y tế sinh viên hết hạn khi tôi rời Harvard. Và vì thế, tôi phải lên kế hoạch từ bỏ thuốc mà không để bệnh tình tái phát.

Tôi cố gắng tự làm lành cho mình và tự nỗ lực để vượt qua một chặng đường dài sau khi tốt nghiệp. 

Tôi tự dạy mình khoa học thần kinh, tự phát triển các kỹ thuật thâm nhập tâm trí để làm lành não bộ. 

Tôi lùng sục những cuốn sách về trí thông minh cảm xúc, kinh tế hành vi và tâm lý tích cực để hiểu rõ về trạng thái của mình, xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn với bản thân, kết nối thực hơn với người khác. 

Tôi trở thành chuyên gia về tài chính bằng cách làm việc trong mảng tư vấn quản lý. 

Tôi cũng nhận được bằng MBA của Wharton, sau đó quản lý các khoản đầu tư cổ phần tư nhân.

Hiện, tôi đang là một doanh nhân xã hội và lý tưởng mà tôi đang theo đuổi lại dẫn tôi về với Harvard. 

Tôi đào tạo những kỹ năng sống cần thiết mà tôi học được từ cuộc đời mình. 

Tôi đặt tên cho nó là Calm Clarity Program bởi vì nó giúp người ta bình tâm để suy ngẫm và nhìn nhận một cách rõ ràng. Hiện tôi đang trong quá trình xây dựng một doanh nghiệp xã hội.

Tôi đang đợi để kết nối với Harvard như một doanh nghiệp, bởi vì tôi vẫn không biết liệu có ai ở đó sẽ nguyền rủa câu chuyện của mình hay không và thực tế là tôi đã sống 4 năm ở Harvard trong đau khổ. 

Tôi tự hỏi liệu việc chia sẻ câu chuyện của mình với những người có thẩm quyền ở đó thì có khác gì không. Có một số câu hỏi mà tôi đã đặt ra trong nhiều năm nay:

- Việc bắt đầu một cuộc hội thoại như thế này có thể khiến Harvard tạo điều kiện hỗ trợ nhiều hơn cho những sinh viên đến từ các gia đình thu nhập thấp hay không?

- Liệu có thể tạo một không gian an toàn để nói về sự khác biệt về tầng lớp kinh tế xã hội trong hội sinh viên hay không?

- Liệu các lãnh đạo của trường có hiểu được tầm quan trọng của việc đào tạo kỹ năng sống do tổn thương về mặt cảm xúc không?

- Liệu họ có sẵn lòng đào tạo những kỹ năng sống đó cho sinh viên hay không?

Tôi thực lòng không biết câu trả lời cho bất cứ câu hỏi nào trên đây. Tuy nhiên, tôi hi vọng rằng mình sẽ tìm được những người cởi mở và quan tâm tới vấn đề này để cùng trò chuyện.

Chú thích: Động lực để tôi viết bài luận này là để đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân về việc từng bị coi thường và từ chối vì gia cảnh nghèo khó. Và tôi quyết định chia sẻ câu chuyện của mình với các bạn cùng lớp để họ hiểu tại sao tôi lại tránh những dịp họp lớp. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận được những chia sẻ và đồng cảm ngay sau đó của họ. Vì thế, tôi nhận ra rằng thực ra không có ai coi thường tôi cả, mà hoàn toàn ngược lại.

Bài viết của Due Quach – người sáng lập Calm Clarity – một cơ sở đào tạo dựa vào khoa học thần kinh để giúp con người làm chủ tâm trí mình và được là mình một cách tốt nhất.

  • Nguyễn Thảo (Lược dịch)