Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở TT&TT Bắc Ninh (Nguồn ảnh: bacninh.gov.vn) |
UBND tỉnh Bắc Ninh mới đây đã tổ chức công bố kết quả thực hiện Quyết định 877 ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giai đoạn 2018 - 2019. Nhân sự kiện này, ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở TT&TT Bắc Ninh liên quan đến câu chuyên xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT), Thành phố thông minh (TPTM) của tỉnh này.
Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Ninh về lĩnh vực CNTT, xin ông chia sẻ những nét lớn trong kế hoạch xây dựng CQĐT, TPTM của Bắc Ninh đến 2020?
Bắc Ninh xác định xây dựng CQĐT và TPTM là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 44 của Hội đồng nhân dân tỉnh về xây dựng TPTM, và đặc biệt là Nghị quyết 14 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng CNTT…
Về phát triển CQĐT, tỉnh Bắc Ninh quán triệt cao tinh thần chỉ đạo của Trung ương, ưu tiên bố trí nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, tập trung triển khai nhanh, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tập trung vào việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật dùng chung, xây dựng các CSDL chuyên ngành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kịp thời giải quyết có hiệu quả các vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm và phản ánh trên môi trường mạng, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính.
Giám đốc Sở TT&TT Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng từ nay tới năm 2020 sẽ có kết quả cụ thể ở một số lĩnh vực trọng tâm, giúp cho cuộc sống của người dân tỉnh Bắc Ninh an toàn hơn, môi trường sạch hơn, cải thiện chất lượng y tế, giáo dục và nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp" (Ảnh minh họa: Internet). |
Với xây dựng mô hình TPTM, đây là nhiệm vụ mới mẻ và khó khăn song được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ cho phép thí điểm xây dựng mô hình TPTM Bắc Ninh, sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ nhất là về chuyên môn của Bộ TT&TT, tỉnh Bắc Ninh đang nỗ lực phấn đấu triển khai các dự án thành phần đầu tiên nhằm tạo nền tảng căn bản cho triển khai các hợp phần còn lại. Do quy mô của đề án triển khai TPTM là khá lớn nên ngay từ đầu, tỉnh Bắc Ninh đã xác định một số lĩnh vực trọng tâm để ưu tiên triển khai, đó là những lĩnh vực trực tiếp liên quan tới đời sống của nhân dân như An ninh trật tự, Môi trường, Y tế, Giáo dục.
Việc triển khai xây dựng CQĐT và TPTM không phải là việc làm một sớm một chiều mà nó là một quá trình lâu dài với nhiều giai đoạn. Chúng tôi kỳ vọng từ nay tới năm 2020 sẽ có kết quả cụ thể ở một số lĩnh vực trọng tâm, giúp cho cuộc sống của người dân tỉnh Bắc Ninh an toàn hơn, môi trường sạch hơn, cải thiện chất lượng y tế, giáo dục và nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp.
Với việc ra mắt Cổng dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử liên thông của Bắc Ninh giai đoạn II mới đây, ông có thể chia sẻ thêm về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tỉnh hiện nay?
Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp Hệ thống một cửa điện tử dùng chung toàn tỉnh Bắc Ninh từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã tại địa chỉ http://dvc.bacninh.gov.vn/ được khai trương và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 1/2017 với 335 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
Thực hiện các Quyết định 846 ngày 9/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017 và Quyết định 877 ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện trong các năm 2018 - 2019, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức rà soát và tổng hợp có 484 dịch vụ công trực tuyến được xây dựng lên mức độ 3, 4 thuộc các Sở, ngành, cấp huyện và cấp xã, thỏa mãn các điều kiện theo quy định.
Như vậy, hiện tại trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh có thể cung cấp cho người dân và doanh nghiệp 819 dịch vụ công mức độ 3 và 4/1.789 dịch vụ công trực tuyến chiếm 46% tổng số dịch vụ công trực tuyến; trong đó có 104 dịch vụ công mức 4, chiếm gần 6% tổng số dịch vụ.
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố ra mắt Cổng dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của Bắc Ninh giai đoạn 2. |
Đi kèm với phát triển CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh là những nguy cơ về mất ATTT. Thách thức này đã được Bắc Ninh nhìn nhận và giải quyết ra sao, thưa ông?
Trong quá trình xây dựng Chính quyền điện tử và mô hình thành phố thông minh, tỉnh Bắc Ninh rất coi trọng nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin (ATTT). Để thực hiện công tác này, tỉnh Bắc Ninh đã nhìn nhận và có phương pháp giải quyết.
Cụ thể, về môi trường chính sách, tỉnh triển khai các quy định của pháp luật về ATTT mạng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng, ban hành quy định, chính sách bảo đảm ATTT mang trên địa bàn tỉnh như: Quy định chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Quy chế bảo đảm ATTT; Quy chế quản lý, sử dụng các ứng dụng CNTT dùng chung; xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó sự cố ATTT...
Về kỹ thuật, Bắc Ninh triển khai áp dụng hệ thống quản lý ATTT mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các hệ thống thông tin; triển khai hệ thống thông tin tập trung như: xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tập trung; các ứng dụng CNTT dùng chung; triển khai một số nội dung như hệ thống quét mã độc tập trung, cài đặt phần mềm có bản quyền...
Về nhân lực, cùng với việc phân công lãnh đạo phụ trách và thành lập bộ phận đầu mối chịu trách nhiệm về ATTT mạng, Bắc Ninh cũng tham gia, phối hợp trong các chương trình huấn luyện, diễn tập ATTT quốc gia: tham gia các cuộc diễn tập, huấn luyện quy mô quốc gia do các cơ quan, đơn vị chuyên trách về ATTT quốc gia tổ chức. Đồng thời, quán triệt các công chức, viên chức và người lao động nâng cao nhận thức về công tác đảm bảo ATTT, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng ATTT cho cán bộ có trách nhiệm liên quan.
Với vấn đề hợp tác, tỉnh đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục ATTT và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thuộc Bộ TT&TT kiểm tra, đánh giá về ATTT mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; tham khảo học tập kinh nghiệm đảm bảo ATTT trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các nội dung nêu trên, Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai một số nội dung khác về xây dựng CQĐT và mô hình TPTM như: xây dựng trung tâm điều hành TPTM; xây dựng các hệ thống thông tin quan trọng; hệ thống camera trên địa bàn tỉnh...