Hà Nội ưu tiên xây dựng 4 hệ thống thông minh
Với quan điểm xây dựng Chính quyền điện tử không chỉ là trang bị máy tính, mạng Internet hay ứng dụng CNTT đơn thuần mà phải là sự chuyển biến căn bản trong phương thức điều hành, quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước Thành phố, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống.
Đến nay, Hà Nội đang dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô gồm: Trung tâm dữ liệu nhà nước, Mạng diện rộng (WAN), Cổng giao tiếp điện tử Thành phố. Hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin cũng đã bước đầu được triển khai Hà Nội.
Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đến tất cả các Sở, ngành, UBND quận/huyện và 584 xã/phường/thị trấn và Thành phố cũng đang từng bước khai thác CSDL dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân và tổ chức, ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực hướng tới xây dựng thành phố thông minh.
Đề cập đến những lĩnh vực Hà Nội ưu tiên triển khai khi xây dựng thành phố thông minh, trao đổi tại tọa đàm chủ đề “Tầm nhìn và giải pháp phát triển mô hình thành phố thông minh” diễn ra mới đây, Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú cho rằng, mỗi địa phương sẽ có cách tiếp cận khác nhau khi triển khai xây dựng thành phố thông minh. Quan điểm của Hà Nội là tập trung vào những cái đang cần cho người dân. “Nghĩa là, chúng ta đánh giá chính quyền thông qua việc đo mức độ hài lòng của người dân, do đó cái gì người dân cần, Hà Nội đang yếu kém thì chúng tôi bắt đầu từ đó”, bà Tú chia sẻ.
Cũng theo bà Phan Lan Tú, hiện nay 4 hệ thống đang được Hà Nội lựa chọn tập trung triển khai là giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh và du lịch thông minh. “Hai lĩnh vực giáo dục, y tế được làm tốt sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Riêng với lĩnh vực giao thông, hiện nay giao thông Hà Nội đang gặp phải rất nhiều vấn đề bất cập như: ùn tắc, số lượng phương tiện quá nhiều (thống kê cho thấy Hà Nội có trên 500.000 xe ô tô và hơn 1,7 triệu xe máy) trong khi đó cơ sở hạ tầng không đảm bảo… Vì vậy, xây dựng hệ thống giao thông thông minh cho Hà Nội cũng là một vấn đề Thành phố lựa chọn tập trung triển khai”, bà Tú cho biết.
Việc triển khai xây dựng hệ thống quản lý giáo dục và hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở y tế và hồ sơ sức khỏe toàn dân trên địa bàn Hà Nội hiện đang được Thành phố hợp tác cùng Công ty Nhật Cường triển khai.
Cụ thể, trong lĩnh vực GD&ĐT, trong năm ngoái, phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016 - 2017 đã được ứng dụng tại 2.620 đơn vị trường học với hơn 250.000 gia đình học sinh tham gia, tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến qua mạng đạt 84,87% đối với mầm non, đạt 51,11% đối với tuyển sinh lớp 1 và 58,18% tuyển sinh lớp 6.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Thành phố cũng đã tập trung triển khai hệ thống sổ điểm điện tử. Tính đến cuối năm 2016, đã có 808/860 đơn vị đã cập nhật được 540.642/584.404 học sinh, cấp 34.103/34.036 tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các đơn vị. Các đơn vị đã tiến hành cập nhật đầy đủ hồ sơ học sinh, in sổ điểm cá nhân cho từng giáo viên, từng môn học, giáo viên các bộ môn tự nhập điểm định kỳ lên hệ thống.
Còn với lĩnh vực y tế, giải pháp tổng thể về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tếcủa Hà Nội được triển khai dựa trên Cơ sở dữ liệu dân cư với 9 cấu phần chính gồm: Kết nối và khai thác CSDL dân cư trong công tác khám, thiết lập hồ sơ sức khỏe toàn dân; Xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, cấp mã y tế cá nhân, tiến tới sử dụng 1 thẻ khám chữa bệnh thống nhất cho tất cả các cơ sở y tế; Quản lý, lưu trữ toàn bộ hồ sơ sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân; Kết nối với các bệnh viện để trao đổi thông tin y tế; Triển khai giải pháp tổng thể hệ thống y tế thông minh; Tầm soát ung thư cho các đối tượng có nguy cơ cao trên toàn địa bàn thành phố; Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lĩnh vực y tế; Xây dựng các CSDL y tế tích hợp vào hệ thống chính quyền điện tử của thành phố như CSDL dược, CSDL vệ sinh an toàn thực phẩm…; hướng tới xây dựng nền y tế thông minh.
Trong đó, 8/9 cấu phần của giải pháp tổng thế về ứng dụng CNTT trong y tế Hà Nội đã được triển khai. Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 4/2017, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân trên 584 xã/phường của Hà Nội sẽ được triển khai, với khoảng 7 triệu người dân được lập sổ theo dõi sức khỏe điện tử.
Bên cạnh các lĩnh vực giáo dục và y tế, hiện nay Thành phố đang chỉ đạo triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh, với các hạng mục cụ thể gồm: cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi TP.Hà Nội - giai đoạn 2; bổ sung trang thiết bị và cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát hành trình GPS; tăng cường năng lực kiểm tra giám sát hoạt động xe buýt trên địa bàn Hà Nội; triển khai đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025; dự án bãi đỗ xe thông minh…
“Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Hà Nội cũng đang triển khai xúc tiến xây dựng, phát triển du lịch thông minh. Đồng thời, trong lúc tập trung triển khai 4 hệ thống được ưu tiên thực hiện, chúng tôi cũng sẽ xây dựng một Trung tâm giám sát điều hành tập trung trong cái lõi thành phố thông minh để đảm bảo kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông minh”, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội cho biết thêm.
Nhiều thách thức trong xây dựng thành phố thông minh
Cũng tại phiên tọa đàm nêu trên, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú đã thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà Hà Nội đang phải đối mặt trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Đó là: thách thức do quy mô lớn, dân số đông; thách thức về nhân lực để xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; thách thức trong việc nâng cao nhận thức, ý thức của chính cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, quận, huyện Hà Nội; thách thức về xây dựng và liên thông các cơ sở dữ liệu cũng như vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin…
Trong đó, theo bà Tú, thách thức lớn nhất là quy mô. “Hà Nội là 1 trong 17 Thủ đô có diện tích lớn trên thế giới, với dân số là 7,5 triệu người (nếu tính cả những người tạm trú thì lên tới hơn 10 triệu dân). Đơn vị hành chính của Hà Nội cũng rất lớn, khu vực dân cư vùng nông thôn rất đông, với 416 xã, 168 phường; nghĩa là tổng số xã của Hà Nội nhiều gấp 2,5 lần số phường. Số dân sống ở vùng nông thôn cũng chiếm tới hơn 50 - 60%. Để xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh thì cần phải có công dân điện tử. Việc phải làm sao để có công dân điện tử khi nhiều bác nông dân vẫn đang quen với việc đến tận cơ quan hành chính để làm thủ tục, không thích ngồi ở nhà sử dụng dịch vụ qua mạng, thực sự là một khó khăn”, bà Tú nói.