E kip phẫu thuật của Bệnh viện K ứng dụng hệ thống Robot Da Vinci thế hệ XI vào phẫu thuật nạo vét hạch ung thư đại trực tràng cho bệnh nhân (Nguồn ảnh: moh.gov.vn). |
Ngành y tế đã tiếp cận nhiều công nghệ số như AI, AR, Robot
Đánh giá về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ số trong ngành y tế Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế cho biết, ngành đã tiếp cận các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn...
Cụ thể, ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh đã được đẩy mạnh, hầu hết các bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện. Một số bệnh viện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác với bệnh nhân; phát triển ứng dụng bệnh án điện tử cho bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum...
Cũng trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thành công việc kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cho tới nay, đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Về xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế, ngành y tế đã có kế hoạch xây dựng Dự án Telemedicine đến các bệnh viện hạt nhận thuộc Đề án Bệnh viện vệ tinh. Kết nối thiết bị điện tử và truyền tải dữ liệu lên hệ thống, kết nối hệ thống HIS-LIS-RIS, PACS-EMR, định dạng người bệnh qua mã vạch, cảm biến, RFID.
Đặc biệt, ngành y tế đang ứng dụng 4 hệ thống robot nổi bật được áp dụng trong y học hiện đại. Robot phẫu thuật nội soi Da vinci, robot phẫu thuật cột sống Renaissance, robot phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và robot phẫu thuật thần kinh Rosa.
Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ngành y tế đã thí điểm đưa ứng dụng “Điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện, cụ thể là bệnh viện K vào năm 2017, bệnh viện đa khoa Phú Thọ, bệnh viện đa khoa Quảng Ninh vào năm 2018, đã ứng dụng để hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; hỗ trợ tư vấn – ChatBot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện.
Cùng với đó, ngành y tế đang xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, đầu tư hạ tầng phòng máy chủ đạt tiêu chuẩn Tier2 trở lên; hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin quy mô quốc gia; hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đưa vào vận hành hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân...
“Hạ tầng kỹ thuật của ngành y tế cũng đang được xây dựng đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong các cơ quan trong ngành y tế và việc duy trì, nâng cấp, cải tạo mạng trục chính, mạng Wi-Fi... được thực hiện hàng năm”, Bộ Y tế cho hay.
Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế
Về quản lý nhà nước và dịch vụ y tế, thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về phát triển ứng dụng CNTT chuyên ngành y tế đã được ban hành, tiêu biểu như Thông tư số 53 ngày 29/12/2014 quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng; Thông tư 49 ngày 28/12/2017 quy định hoạt động y tế từ xa; Thông tư 54 ngày 29/12/2017 ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư 46 ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử cùng các văn bản chuyên môn khác trong lĩnh vực an toàn thông tin, chữ ký số...
Ngành y tế đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0 tại Bộ Y tế từ năm 2015 nhằm tăng cường khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ; tăng cường chỉ đạo ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, triển khai thành công và có hiệu quả nhiều dịch vụ công trực tuyến.
Để đảm bảo thống nhất quản lý hoạt động ứng dụng và triển khai CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, năm 2012, ngành y tế đã thành lập Cục CNTT. Các đơn vị trong ngành Y tế, các bệnh viện đều hình thành tổ chức chuyên trách CNTT và cán bộ phụ trách về ứng dụng CNTT.
Bộ Y tế cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung thực hiện 3 chương trình y tế điện tử, bao gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế; Thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã theo tiêu chuẩn; Xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một của của Bộ Y tế.
Đáng chú ý, trên cơ sở nhận thức rõ việc phát triển công nghệ số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến ngành y tế, ngày 18/10 vừa qua, Bộ Y tế đã ra quyết định phê duyệt “Đề án phát triển CNTT y tế thông minh giai đoạn 2019 -2025” để nhanh chóng thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong ngành y tế, hướng tới hỗ trợ đổi mới hoạt động của ngành y tế theo hướng hiện đại, thông minh, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.