Gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng ra quân hướng dẫn người dân
Từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm nay, Ngày Chuyển đổi số quốc gia có chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Những ngày này, các địa phương trên cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.
Ngày 8/10, lễ phát động và triển khai chiến dịch ra quân hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày Chuyển đổi số thành phố Hà Nội năm 2024 đã được tổ chức, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Sự kiện hướng tới thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số của thành phố ngày càng được triển khai rộng khắp, đem lại những hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát biểu tại lễ ra quân, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội và Đề án 06 cho biết, với chuyển đổi số là khâu đột phá chiến lược, chìa khóa để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững, Thành phố tin tưởng sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, cùng chung tay xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xanh và thông minh - một thành phố đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cũng nêu rõ hệ giá trị cốt lõi của Thủ đô trong tiến trình chuyển đổi số, đó là: “Chính quyền số - Chính quyền phục vụ; Doanh nghiệp số - Doanh nghiệp cống hiến, Xã hội số - Xã hội niềm tin, Công dân số - Người dân hạnh phúc”.
Tuyên bố phát động chiến dịch gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng toàn thành phố ra quân “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số, xã hội số”, ông Hà Minh Hải đề nghị các tổ này tiếp tục tích cực hướng dẫn, hỗ trợ để người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Đồng thời, đào tạo kỹ năng số cho lao động, sinh viên và học sinh, xây dựng một thế hệ công dân có khả năng thích ứng với công nghệ và làm chủ tương lai.
Song song đó, UBND thành phố cũng phát động phong trào 3 sẵn sàng: Sẵn sàng điện thoại thông minh, kết nối mạng và được cài đặt iHanoi; sẵn sàng định danh điện tử và đăng ký tài khoản ngân hàng; sẵn sàng kỹ năng sử dụng công nghệ, an toàn thông tin và văn hóa trên không gian mạng.
“Ngoài ra, trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn phải sẵn sàng học hỏi và không ngừng đổi mới sáng tạo”, ông Hà Minh Hải chia sẻ thêm.
14 nhóm hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Theo kế hoạch được phê duyệt ngày 23/9, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, UBND thành phố Hà Nội giao các cơ quan, đơn vị thực hiện 14 nhóm hoạt động như: phát động nhân rộng mô hình ‘Chợ thông minh 4.0 - không dùng tiền mặt’, ‘Tuyến phố thương mại 4.0 - không dùng tiền mặt’; triển khai sử dụng thí điểm ứng dụng quản lý, theo dõi phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận Tây Hồ.
Cung cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số miễn phí cho công dân tại bộ phận một cửa Sở Xây dựng; giải pháp thay thế hệ thống máy xếp hàng - Sử dụng thẻ từ gắn số kết nối với bàn điều khiển thứ tự thông qua sóng radio và sạc điện tại chỗ; các mô hình ngày thứ 2 hỗ trợ, ngày thứ 6 không hẹn, ngày Chủ nhật chuyển đổi số và Nhà văn hóa chuyển đổi số; tổ chức các hội thi, hội thảo ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào đời sống và thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Trong thông tin chia sẻ tại lễ phát động ngày 8/10, ông Hà Minh Hải đã chỉ rõ 3 nhiệm vụ Hà Nội tập trung thời gian tới, đó là: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, hình thành dữ liệu lớn, phát triển các ứng dụng công nghệ mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; nâng cao kiến thức và phát triển kỹ năng số cho người dân xây dựng xã hội số, xã hội thông minh.
Theo UBND thành phố Hà Nội, trong gần 2 năm qua, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Trong đó, Hà Nội đã thực hiện thành công thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên địa bàn, làm cơ sở để Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc; các dịch vụ thanh toán an sinh xã hội, chi trả lương hưu không dùng tiền mặt cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả và cơ bản đến nay đều đạt trên 90%.
Những mô hình như thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công qua mã QR động đã mang lại hiệu quả và nhiều tiện ích cho người dân.
Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào sử dụng app ‘Công dân Thủ đô số iHaNoi’; đến nay iHaNoi đã có hơn 1 triệu người dùng, trở thành kênh tương tác trực tuyến hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố.
Việc triển khai ứng dụng iHaNoi không chỉ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính mà còn nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý và phục vụ người dân.
Thống kê cho thấy, thành phố hiện có gần 5.000 doanh nghiệp công nghệ số; thương mại điện tử đã phát triển mạnh với doanh thu tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023; kê khai và nộp thuế điện tử tại Hà Nội đạt 99%; hơn 90% các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và kinh doanh.
Về xã hội số, gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 30.000 thành viên đã hoạt động tích cực, đưa chuyển đổi số vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, giúp người dân nắm bắt và trải nghiệm các dịch vụ số.
Hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động đã được đào tạo kỹ năng số cơ bản, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một thế hệ công dân số thông minh.