Bài thuyết trình 40 giây khiến Will Smith sẵn sàng đầu tư 10.000 USD
Hàng nghìn người lấp đầy những chiếc ghế. Hàng trăm người khác đứng dọc hai bên tường.
Trên sân khấu lớn của Trung tâm Hội nghị Moscone tại San Francisco (Mỹ), tài tử Will Smith và đạo diễn Lý An đang thảo luận về bộ phim sắp tới của họ "Gemini Man".
Đột nhiên, Will Smith bày tỏ rằng anh muốn đầu tư vào các startup. Ngay lập tức, Anthony Ha - người dẫn chương trình nổi tiếng của TechCrunch - đã lái buổi trò chuyện sang chủ đề kinh doanh. Anh mời founder của 4 startup lên sân khấu để thử thuyết trình gọi vốn.
Mỗi người sẽ chỉ có 40 giây để nói. Ai quá thời gian đều bị cắt bỏ không thương tiếc.
Hiển nhiên là ai cũng rất lo lắng.
"Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời và tương lai của các bạn phụ thuộc vào nó. Vì thế, cứ thoải mái đi", triệu phú Hollywood nói đùa.
Founder đầu tiên lo lắng tới mức khó thở và nói lắp bắp. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty anh khá thú vị.
Founder thứ hai thuyết trình trôi chảy hơn. Cô nói rõ ràng và mạch lạc, nhưng lại quá giới hạn thời gian. Sản phẩm của cô quá phức tạp để giới thiệu trong vòng 40 giây.
Founder thứ ba bước lên bục, hít một hơi thật dài, sau đó đi thẳng vào một câu chuyện trau chuốt, nhịp nhàng và súc tích. Ngay khi anh ấy vừa dứt lời, đám đông trong phòng bùng nổ. Những tiếng hò reo vang dội khắp nơi. Trong khi ấy, Will Smith vẫn đang "há hốc mồm" vì ngạc nhiên.
Founder thứ tư cũng thuyết trình khá ổn, nhưng ai cũng nhận ra rằng vị triệu phú Hollywood đã có quyết định của riêng mình.
Kết thúc chương trình, Will Smith đứng dậy, công bố kết quả và chụp selfie cùng Kofi Frimpong - founder thứ ba. Nam tài tử cũng cho phép anh sử dụng bức ảnh này để quảng bá.
Chưa hết, Will Smith còn tạo thêm bất ngờ khi tuyên bố sẽ đầu tư 10.000 USD. Đây không phải là một số tiền lớn, nhưng cũng có thể làm thay đổi hoàn toàn một startup non trẻ.
Thành công không đến từ may mắn, mà là sự chuẩn bị
Tuy nhiên, chiến thắng của Kofi Frimpong hôm ấy không hề đến từ sự may mắn. Những ai từng nghe câu chuyện của anh sẽ thấy: chiến thắng đó không phải là phép màu, mà là kiệt tác.
Buổi gặp gỡ Will Smith không phải là lần đầu tiên Kofi Frimpong lên sân khấu thuyết trình gọi vốn.
Ban đầu, khi Kofi Frimpong cầm mic lên, nhiều người tưởng rằng anh cũng như bao founder mới ngoài kia, run rẩy vì lo lắng. Thế nhưng, anh không hề lo lắng chút nào. Bởi lẽ, xuyên suốt cả sự nghiệp của mình, anh vẫn luôn là một người thuyết trình, một người kể truyện xuất sắc.
Trước đó, Kofi Frimpong từng giành giải thưởng trị giá cả trăm nghìn USD tại một cuộc thi thuyết trình gọi vốn. Có thể nói, đây là kỹ năng số 1 của anh. Nghề của họa sĩ là vẽ; nghề của nhà điêu khắc là tạc tượng; còn nghề của Kofi Frimpong là thuyết trình gọi vốn.
Khoảnh khắc quan trọng giữa Kofi Frimpong và Will Smith có thể chỉ kéo dài vỏn vẹn 40 giây, nhưng câu chuyện ấy chính là minh chứng: thành công sẽ đến nếu bạn chuẩn bị kỹ càng để nắm bắt cơ hội.
Cho những ai chưa biết, Kofi Frimpong (30 tuổi) là founder của Socionado - một startup được thành lập ở Los Angeles. Anh từng theo học Chương trình dự bị Y khoa của ĐH Princeton. Tuy nhiên, sau khi tham gia một cuộc thi thuyết trình gọi vốn và giành vị trí Á quân, cuộc đời anh đã hoàn toàn đảo lộn.
"Tôi thích công việc này", anh chia sẻ. "Tôi thích kể và hiểu các câu chuyện. Đó là kỹ năng của tôi".
Theo Kofi Frimpong, thuyết trình gọi vốn giống như tham gia một trận rap chiến tự do.
"Bạn phải khiến đám đông hào hứng", anh giải thích. "Bạn phải tập trung khi đối thủ đang ‘công kích" mình. Chỉ một biểu cảm của đối thủ cũng có thể khiến bạn thua cuộc".
Kofi Frimpong đã truyền hết niềm đam mê kể chuyện vào trong những bài thuyết trình gọi vốn. "Người kể chuyện hay nhất sẽ giành chiến thắng trong cuộc gọi vốn", anh kết luận.
Founder của Socionado tiết lộ, anh đã chiến thắng rất nhiều cuộc thi thuyết trình, nhờ đó có tiền vốn để kinh doanh. Ở tuổi 22, Kofi Frimpong đã giật giải thưởng trị giá 50.000 USD từ Intel Innovators. Năm ngoái, anh cũng thắng 100.000 USD từ TechSquare Labs ở Atlanta (Mỹ).
"Thuyết trình chính là công cụ để tôi kiếm tiền cho bản thân mình", vị doanh nhân trẻ cho biết.
Bí kíp thuyết trình dưới áp lực cao
Vốn dĩ Kofi Frimpong không có kế hoạch tham gia hội thảo TechCrunch Disrupt 2019. Thế nhưng, khoảng 2 tiếng trước khi Will Smith đến, anh nhận được một email.
"Tôi nhận email vào lúc 11h trưa thứ Tư. Họ nói rằng Will Smith rất thích nghe các doanh nhân trẻ thuyết trình, không nhất thiết phải là một cuộc thi phân định thắng thua. Họ muốn mời tôi và 3 founder khác lên sân khấu, mỗi người sẽ có 40 giây để nói", anh nhớ lại.
Ngay lập tức, Kofi Frimpong đến nơi, chọn một góc để ngồi lên ý tưởng cho bài thuyết trình từ 11h trưa đến 2h chiều.
40 giây không phải là một khoảng thời gian quá dài. Kofi Frimpong chia bài nói ra làm 4 phần nhằm đảm bảo mình sẽ nêu được những chi tiết "ăn điểm" nhất.
"Tôi bắt đầu bằng việc thu hút sự chú ý của khán giả, mở đầu với câu hỏi ‘Bạn có biết rằng…?’ Sau đó, tôi giải mã vấn đề, cung cấp giải pháp (công ty tôi) và tiềm năng của cơ hội này (quy mô thị trường", anh nói.
Thông thường khi thuyết trình, Kofi Frimpong không cần phải học thuộc lòng. "Tôi đã vạch ra từng phần mình cần nói, sau đó biến tấu ngẫu nhiên một chút để giữ lại sự tự nhiên. Nếu không, bài thuyết trình sẽ trở nên cứng nhắc và máy móc", vị founder trẻ giải thích.
Sau cánh gà, TechCrunch đã cử một chuyên gia tới giúp Kofi Frimpong thuyết trình.
"Cô ấy đề xuất khá nhiều thay đổi, nhưng tôi quyết không thay cái gì", anh cười. Bài thuyết trình thảm họa trước đây đã giúp anh có được một bài học lớn.
Thời đại học, Kofi Frimpong từng chỉnh sửa bài thuyết trình của mình vào phút chót vì tất cả những tham gia sự kiện đó đều tiếp cận vấn đề "một cách cực kỳ khoa học".
"Thay vì kể một câu chuyện hấp dẫn, tôi lại bắt chước mọi người", anh nói. "Vì từ bỏ phong cách đặc trưng của mình, tôi đã có một bài thuyết trình dở tệ".
Khi Kofi Frimpong bước lên sân khấu với các founder khác, Will Smith đang ngồi ở dưới, sau lưng nam tài tử là khoảng 10 nghìn người đang xem.
"Tôi không nhìn vào đám đông", anh chia sẻ. "Tôi đã lắng nghe những bài thuyết trình khác và thấy chúng có chút gì đó sợ hãi."
"Tôi thì rất bình tĩnh. Rốt cuộc, Will Smith cũng chỉ là một con người giống tôi. Dù anh ấy tin hay không, không gì có thể làm tôi ngừng thuyết trình. Tôi đã sẵn sàng để nắm bắt khoảnh khắc."
Sự tự tin của Kofi Frimpong thể hiện rất rõ trong bài thuyết trình của anh. Anh trình bày vô cùng nhịp nhàng, như một rapper đang biểu diễn. Cuối cùng, công sức của vị doanh nhân trẻ này cũng được đền đáp. Khi được Will Smith gọi tên, anh biết mình đã chiến thắng.
Nam tài tử không chỉ đầu tư vào công ty của Kofi Frimpong, mà còn chụp selfie và nói lời cảm ơn với anh trước khi xuống sân khấu.
Với những người có mặt trong căn phòng hôm đó, Kofi Frimpong là một kẻ may mắn. Tuy nhiên, đối với bản thân anh, đây là một cơ hội mà anh đã chuẩn bị sẵn từ thời đại học. Nếu có ai giành chiến thắng trong một cuộc thi thuyết trình ngẫu hứng do Will Smith làm giám khảo, đó chắc chắn sẽ là Kofi Frimpong.
***
Thành công sẽ đến khi bạn chuẩn bị tốt cho cơ hội. Hãy luôn luôn chuẩn bị tinh thần đứng thuyết trình trước đám đông. Bạn càng chuẩn bị kỹ càng, bài nói của bạn sẽ càng tốt.
Ngoài ra, bài thuyết trình tốt nhất không phải những thứ được lên theo công thức sẵn, mà là một câu chuyện chỉn chu và hấp dẫn. Trong những tình huống căng thẳng, hãy cứ làm những thứ mà bạn tin tưởng. Hơn ai hết, chỉ có bạn mới biết rõ bản thân mình cần gì.
(Theo Trí Thức Trẻ, Medium)
Tiến sĩ AI & Database tự định giá bản thân 4 triệu USD đi gọi vốn, lập nên chuỗi bán lẻ mẹ và bé lớn nhất Việt Nam, đang hướng đến cột mốc doanh thu 1 tỷ USD
Năm 1994, lần đầu tiên ở Việt Nam tổ chức một hội chợ về công nghệ thông tin. Chàng thiếu niên Nguyễn Quốc Minh khi đó 14 tuổi đến tham dự và lập tức mê mẩn với cái máy tính.