Khi Trung Quốc rục rịch hạ đặt giàn khoan, ngư dân lập tức báo ngay đất liền. Cả đoàn tàu ngư dân tiến vào khu vực giàn khoan để khẳng định chủ quyền, bất chấp hiểm nguy. Trên tàu đều là những người thân ruột thịt trong gia đình.

Biển khơi báo đất liền!

Ngày đầu tháng 5/2014, ngư trường đánh bắt xa bờ ở các tỉnh miền Trung “nóng” lên vì thông tin được mùa. Ngư dân cho rằng, chưa năm nào được mùa như năm nay.

Nhưng cũng vào thời điểm đó, trên làn sóng điện, ngư dân thành phố Đà Nẵng đã cảnh báo một thông tin đáng lưu ý: “Trung Quốc đang rục rịch làm điều gì đó rất khác thường ở quần đảo Hoàng Sa”.

Hàng ngàn ngư dân trở thành “ra-đa sống” quét trên mặt biển đang ngầm dậy sóng. Chiều ngày 2/5/2014, ngư dân đi trên tàu cá của ông Lê Văn Xin ở phường An Hải Bắc, TP Đà Nẵng đã chú ý vào một hiện tượng lạ.

Đó là 20 tàu sắt sơn màu đen và 2 tàu sơn màu xám trắng của Trung Quốc lặng lẽ băng qua quần đảo Hoàng Sa. Ngư dân đánh dấu tọa độ 17 độ 20 phút độ vĩ bắc – 110 độ 00 phút kinh đông rồi lập tức thông báo vào đất liền.

{keywords}
Tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam

Biển đang vào mùa, những người con sông Hàn vẫn hì hục đánh cá với phép tính nhẩm “ngày nay ra bao nhiêu dầu, đã đánh được bao cá”. Khi đoàn tàu đi khuất tầm nhìn, các ngư dân tiếp tục dõi theo trên sóng Icom.

Tại tọa độ 17 độ 20 phút độ vĩ bắc, 110 độ 30 phút kinh đông, tàu của ngư dân Nguyễn Cu ở phường An Hải Bắc, TP Đà Nẵng tiếp tục rung lên cho cả đoàn tàu thông tin “Trung Quốc làm gì đó, có 40 tàu màu đen, 12 tàu vận tải và đều có gắn cần cẩu rất to. Trên mỗi tàu có đặt 10 ca nô màu đỏ. Họ đang chạy ra…?”

Tinh thần cảnh giác, canh giữ biển của ngư dân luôn cao độ. Thấy chuyện lạ thì bàn bạc, nhận định về tình hình như những nhà chiến lược. Xâu chuỗi nguồn tin của các ngư dân cộng với thông tin của các lực lương, Việt Nam đã không bị bất ngờ trước giàn khoan Hải Dương 981.

Bà con ngư dân ở các làng chài Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đều sôi sục. Ngư dân Trương Văn Chính ở TP Đà Nẵng về nói với vợ: “Tui ra đó đánh cá, cùng đồng đội trong tổ buộc hắn phải nhổ giàn khoan”.

Ở Quảng Ngãi, ngư dân Đỗ Nho, Nguyễn Hoang gọi 4 người con trai chuẩn bị tư thế. Ông Trần Văn Kỳ có tàu lớn nhất ở Kỳ Hà – Quảng Nam gọi người em ruột là Trần Văn Chinh lên tàu để sẵn sàng ra khơi.

Anh hùng trên biển cả

Gió xuân mơn man từ cửa biển Sa Kỳ ùa vào làng chài ven sông. Hai con tàu của ngư dân Đõ Nho và Nguyễn Hoang ở thôn Định Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhổ neo ra khơi.

Con tàu sẽ ung dung băng qua đảo Tri Tôn và cắt đường đi vào quần đảo Hoàng Sa. Còn đường này đã được khai thông khi Trung Quốc rút giàn khoan. Còn trước đó mấy tháng là đâm húc, phun nước, cản tàu, còi hụ…

Khi Trung Quốcc hạ đặt giàn khoan, đoàn tàu 20 chiếc của ngư dân Quảng Ngãi cùng với ngư dân Quảng Nam và Đà Nãng đã lập thành tổ, tiến thẳng ra Tri Tôn. Trên những con tàu đó là anh em ruột thịt, chú bác, cha con. Có ngư dân đi cả gia đình. 

{keywords}
Dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc

Đó là tàu QNg 90143 của ngư dân Đỗ Nho (Đỗ Nho, Đỗ Văn No, Đỗ Văn Vo và Đỡ Văn Va).

Bốn cậu con trai được huấn luyện trở thành ngư phủ quên chuyện lưới chài, giờ được cha đưa ra biển để thực hiện một công việc chưa có trong tiền lệ, đó là đánh bắt bình thường để khẳng định chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi biển của Việt Nam, trả lại con đường thông thương ra đảo.

Đối với dân biển, con trai trong nhà là những tay lưới kéo cá, giăng câu. Nhưng lần này, tàu nhổ neo, người cha chỉ huy những đứa con trai tiến vào giàn khoan. Tàu cắm 3 lá cờ đỏ sao vàng trên nóc, cắm 2 lá cờ xanh in chữ “Việt Nam hòa bình”.

Đoàn tàu như 20 cột mốc chủ quyền của đất nước tiến ra khơi và đối mặt với những con tàu sắt hung dữ. Tàu ngư dân chỉ dài 17-19 mét, còn tàu Trung Quốc dài 30-50 mét và tải trọng gấp vài chục lần. Một cuộc đối đầu không cân sức.

Nhưng các ngư dân vẫn quyết tâm “họ không rút giàn khoan thì mình trụ lại, không quay về đất liền”.

Có một chiếc tàu luôn chạy sóng đôi với tàu của 4 cha con ông Nho để tiến vào giàn khoan, đó là tàu ngư dân Nguyễn Hoang. Trên con tàu này có 3 cha con ngư dân (Nguyễn Hoang, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Đại). Ông Hoang giao cho con út là Nguyễn Văn Đại cầm lái.

Người cha ngồi kề bên con để phụ lái, quan sát bơm nước và lắng nghe tiếng máy tàu. Trong những ngày đối mặt với đoàn tàu Trung Quốc, lẫn trong tiếng máy gầm gào là giọng người cha hô con trai: “Nó tới đó con, một thằng bên đốc, nó chạy bên lái, hãm ga đi con!”.

Tại tọa độ 15 độ 26 phút bắc – 11 độ 22 phút kinh đông, hằng ngày, khoảng 50 tàu cá Trung Quốc ập đến. Tiếng máy tàu gầm rú, tiếng người cha hét lớn cho con trai tăng, hãm tốc độ, qua dốc, sang tài để tránh những cú đâm húc điên cuồng của những con tàu Trung Quốc mang số 16852, 11209, 46002, 16826…

Giao thừa ở đảo xa

Mai vàng, sắc xuân phương Nam sắp nở rộ báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Hương xuân của ngư dân Hoàng Sa là một chậu cúc vàng trên cabin, vài thùng bia, gói bánh, đĩa gà luộc, một trái dừa tươi để giữa mũi tàu.

Ở làng chài Bình Châu có ngư dân bám trụ ở Hoàng Sa ăn tết. Cha con ngư dân Đỗ Nho, Nguyễn Hoang đều quên đi ngày xuân tấp nập, vui tươi ở làng chài. Tàu lỡ phiên biển thì ăn tết ở Hoàng Sa.

Mùa cá chuồn năm 2014 rộ lên từ đầu tháng 10. Cá chuồn theo chân sóng ở các hòn đảo Đá Bắc, Đá Lồi, Bom Bay… Đầu mùa, cá chuồn cồ rất to và có giá. Cứ 4 con/kg và được thu mua 35.000 đồng/kg.... 

{keywords}
Nụ cười ngư dân khi được mùa cá

Đầu mùa năm nay, niềm vui chưa đong đầy thì ngư trường đã nổi “sóng gió”. Tàu Trung Quốc lại xông ra phá lưới của 2 tàu ngư dân xã Bình Châu là Đỗ Văn Nam và Phạm Y. Tàu Trung Quốc chạy vòng theo phao đánh lưới nổi trên mặt biển để cày nát lưới chuồn.

Vậy là vợ chồng, cha con các ngư dân phải làm cho phao ẩn đi và thay phao lưới bằng chiếc đèn tín hiệu thật nhỏ. Nếu tàu tuần tra xuất hiện thì ngư dân rời đi và trở lại khi màn đêm buông xuống.

Đêm giao thừa trong đất liền bừng sáng ánh pháo hoa. Còn giao thừa ở đảo, cha con các ngư dân chong mắt tìm ánh đèn chớp như ánh mắt của những hùng binh đã khuất, giờ ẩn hiện trên sóng nước Hoàng Sa.

(Theo Tiền phong Xuân Ất Mùi)