Ngày 19/8 vừa qua, 4 anh em ruột nhà Abraham là Yoel, Heshl, Zishe và Shmuel đã bị bắt với cáo buộc gian lận chuyển tiền, lừa đảo, sau khi đánh cắp số tiền lên tới 19 triệu USD trên nền tảng mua sắm trực tuyến Amazon.
Theo lời khai của các bị cáo, trong 2 năm từ 2018 đến 2019, anh em nhà Abrahams đã tự mở doanh nghiệp bán hàng, sau đó lợi dụng kẽ hở trong hệ thống lập hóa đơn và quy trình thanh toán của Amazon để lừa đảo.
Cách thức được chúng thực hiện đó là gửi đơn hàng với số lượng vượt quá giới hạn, đồng thời thay đổi mã định danh của sản phẩm để trùng khớp với món đồ được yêu cầu.
Trong một trường hợp cụ thể được phát hiện vào tháng 7/2018, anh em nhà Abraham nhận đơn hàng bao gồm một chai nước hoa có giá 289.78 USD từ Amazon.
Tuy nhiên, sau đó chúng đã gửi tổng cộng 927 dao cạo râu với giá tiền tương tự, nhưng dưới mã định danh đã được thay đổi, thành chai nước hoa nêu trên.
Trong một trường hợp khác, Amazon đặt 12 chai xịt diệt khuẩn với giá 94.03 USD. Tuy nhiên, anh em nhà Abraham đã gửi 7.000 bàn chải đánh răng với mã định danh của chai xịt diệt khuẩn, và thu số tiền bất chính hơn 650.000 USD.
Khi bị phát hiện và khóa tài khoản, chúng lại tạo một tài khoản mới, dùng tên giả, đổi email và sử dụng phần mềm mạng riêng ảo (VPN) để che giấu danh tính.
Wired cho biết khi một nhà cung cấp gửi sản phẩm với số lượng quá lớn, Amazon sẽ phát hiện lỗi và yêu cầu làm rõ. Họ cũng sẽ hủy kích hoạt tài khoản của nhà cung cấp để tránh việc bị lừa.
Bản cáo trạng nêu rõ rằng 4 anh em đã thao túng hệ thống lập hóa đơn của Amazon để tránh bị phát hiện, nhưng không giải thích cơ chế chính xác cho phép chúng thoát khỏi một vụ gian lận lớn như vậy trong suốt một thời gian dài.
Bản cáo trạng cũng cho hay kế hoạch nhằm "qua mặt" Amazon được các anh em nhà Abraham thảo luận trong một nhóm chat gia đình trên WhatsApp, với thông tin được mã hóa, bảo mật.
Nếu bị kết tội, 4 anh em nhà Abraham có thể bị mức phạt tối đa 20 năm tù vì tội lừa đảo qua mạng Internet, và 10 năm tù vì tội rửa tiền.
Trong quá khứ, các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Apple,... thường xuyên trở thành đối tượng bị lừa đảo của những kẻ xấu.
Thủ đoạn của chúng rất tinh vi, chủ yếu lợi dụng những kẽ hở trong khâu lập hóa đơn, giao hàng, kiểm định hàng, bảo hành sản phẩm,... để trục lợi.
Điển hình như Apple từng mất gần 1 triệu USD trong năm 2019 cũng vì một chiêu lừa "kinh điển", đó là sử dụng các iPhone giả, sau đó gửi tới Apple để nhận chính sách đổi trả sản phẩm mới.
(Theo Dân Trí, Wired)
Làm thế nào để tránh bị lừa đảo trên Facebook và mạng xã hội?
Facebook và các mạng xã hội đã trở thành miếng mồi ngon cho kẻ xấu trục lợi trên không gian mạng, vậy làm cách nào để phòng tránh?