Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng, chiều ngang từ đông sang tây khoảng 800km, chiều dọc từ Bắc xuống Nam khoảng 600km. 

Năm 1986, Trung Quốc đưa các tàu quân sự giả dạng tàu cá xuống trinh sát các bãi đá ngầm, lén lút đặt một số cột bê tông để “đánh dấu chủ quyền”.  Hải quân Trung Quốc liên tục cho tàu chiến giả dạng tàu dân sự để khảo sát, trinh sát thăm dò quần đảo Trường Sa nhằm âm mưu xâm chiếm các đảo chìm.

Ngày 6/11/1987, Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra giữ các bãi cạn, trước mắt đóng giữ các điểm đảo Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ. 

Ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa 1 tàu hộ vệ tên lửa, 1 tàu khu trục, 1 tàu đổ bộ, 1 tàu chở dầu và một số tàu hậu cần xuống phía Nam. 

Ngày 26/1/1988, hải quân Trung Quốc chiếm đóng Đá Chữ Thập rồi nhanh chóng đưa lực lượng xuống củng cố thành căn cứ đầu cầu ở Trường Sa. 

Ngày 18/2/1988, Trung Quốc chiếm thêm Đá Châu Viên, rồi sau đó đưa lực lượng lên các bãi ngầm Ga Ven (26/2), Tư Nghĩa (Hughes, 28/2). Trong khi đó, hải quân Việt Nam đóng giữ thêm các bãi ngầm và đá Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3).

Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng lớn thuộc 2 hạm đội Nam Hải và Đông Hải xuống khu vực quần đảo Trường Sa với ý đồ nhằm chiếm giữ cụm tam giác 3 bãi ngầm Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao.

Ngày 12/3/1988, tàu vận tải HQ-605 của Hải quân Việt Nam từ Đá Đông di chuyển đến để đóng giữ bãi Len Đao; 5h sáng 14/3 đến nơi và đổ quân, cắm cờ Việt Nam lên Len Đao.

Ngày 11/3, tàu vận tải HQ-604 xuất phát từ Cam Ranh và đến bãi Gạc Ma vào ngày 13/3, cùng lúc tàu đổ bộ HQ-505 cũng đến Cô Lin. 

Đi trên 3 tàu này có 70 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 83 Công binh, 22 cán bộ chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 146 và 4 cán bộ quan trắc, đo đạc biên vẽ bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu.

17h30 chiều 13/3, tàu hộ vệ tên lửa 502 của Trung Quốc xuất hiện khiêu khích tàu Việt Nam tại Gạc Ma.

TẠI GẠC MA

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc thả 3 xuồng nhôm chở 40 binh lính đổ bộ lên Gạc Ma định giật cờ Việt Nam. Thấy bộ đội ta cương quyết bảo vệ cờ, lính Trung Quốc nổ súng bắn chết thiếu úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương binh nhất Nguyễn Văn Lanh và dùng súng AK tấn công bộ đội Lữ đoàn 146, Công binh 83 giữ cờ Tổ quốc.

Không ép được lực lượng ta rút khỏi Gạc Ma, lính Trung Quốc rút về tàu.

Tàu hộ vệ 502, 531 của Trung Quốc dùng hỏa lực mạnh bắn thẳng vào tàu HQ-604 làm tàu bốc cháy, chìm dần. 

Cùng lúc đó, nhiều loại pháo hạm từ tàu chiến Trung Quốc cũng trút đạn lên Gạc Ma, vào đội hình công binh - phòng thủ chỉ có cuốc xẻng, xà beng và 3 khẩu AK, khiến bộ đội ta thương vong nặng. 

Khi xuồng nhôm chở lính Trung Quốc định áp sát tàu HQ-604 đang chìm, bộ đội trên tàu dùng súng bộ binh đánh trả quyết liệt khiến xuồng tháo chạy.

TẠI CÔ LIN

Khi thấy tàu HQ-604 bị tàu địch bắn cháy chìm dần, thiếu tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 ra lệnh cho tàu nhổ neo ủi bãi. Thấy tàu ta áp sát Cô Lin, tàu 531 của Trung Quốc quay sang bắn phá dữ dội. 

Khi trườn lên bãi Cô Lin được 2/3 thân thì tàu bốc cháy nhưng cả con tàu HQ-505 đã trụ vững được, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền.

TẠI LEN ĐAO

8h20 ngày 14/3, tàu của Trung Quốc bắn chìm tàu HQ-605 của ta. Cán bộ, chiến sỹ của tàu HQ-605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn (đến 6h ngày 15/3 mới đến đảo). Tại Len Đao, sau trận chiến Gạc Ma, chúng ta đấu tranh kiên quyết, khiến Trung Quốc lui quân, ta bảo vệ thành công Len Đao đến ngày hôm nay.

Tư liệu: Hải quân nhân dân Việt Nam, Lữ đoàn Công binh 83, VietNamNet

BAN THỜI SỰ - Thiết kế: Minh Hòa