Diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?" hiện vẫn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả VietNamNet.
Dưới đây là những chia sẻ của độc giả Hà Thanh - một giáo viên trung học cơ sở (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).
Sau 3 năm triển khai thực hiện, chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: xuất hiện các môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở nhưng thực tế lại là ghép môn, các môn học mới không có giáo viên giảng dạy (Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp, Âm nhạc, Mĩ thuật ở bậc trung học phổ thông, Anh văn, Tin học ở tiểu học, Ngoại ngữ 2 ở trung học cơ sở, trung học phổ thông), chưa có đồ dùng dạy học đáp ứng nhu cầu đổi mới, sách giáo khoa rất khó mua…
Thêm một vấn đề tồn tại thời gian qua chính là việc giáo viên bị “ép” phải đạt được bằng mọi giá chỉ tiêu “năm học sau cao hơn năm học trước”, khiến cho họ chạy theo căn bệnh thành tích, giả dối, khó mà có được trường học hạnh phúc.
Vì sao báo cáo chất lượng giáo dục luôn luôn “đẹp lung linh”?
Chương trình Giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm 2020-2021 và cuốn chiếu đến năm 2024-2025 sẽ hoàn tất.
Dù trong 2 năm qua, tình hình thiên tai, dịch bệnh nhất là dịch Covid phức tạp nhưng theo các báo cáo về kết quả thực hiện chương trình mới đều khá “đẹp”, chất lượng năm sau tiếp tục cao hơn năm trước.
Theo tôi, đó là kết quả của căn bệnh thành tích, giả dối trong giáo dục chưa được đẩy lùi mà còn gia tăng hơn.
Với chỉ tiêu “năm sau phải cao hơn năm trước” nên các trường tỷ lệ đều đã tiệm cận mức 100%, như 100% học sinh lên lớp, 100% học sinh hoàn thành tiểu học, trung học cơ sở; chất lượng trung bình bộ môn 100%; học sinh giỏi trên 70%….
Tại trường trung học cơ sở nơi người viết công tác, chất lượng năm học 2021-2022 như sau: Lên lớp thẳng 99,7%, học sinh giỏi 34,1%, khá 40%, trung bình 25,4%, yếu chỉ 0,5% em (tức là trường 1.000 học sinh chỉ có 5 em xếp loại yếu). Về chất lượng bộ môn gần như đạt 99-100%, học sinh giỏi 50% trở lên…
Nhưng với kết quả này, đơn vị trường nơi người viết công tác có kết quả đứng gần cuối của huyện về chất lượng. Tức là, các trường khác có tỷ lệ còn “khủng” hơn nhiều.
“Giả dối” nối tiếp “giả dối”, chất lượng ở các bộ môn ở năm học 2022-2023 được yêu cầu phải cao hơn năm học qua với lý do kết quả năm học sau phải cao hơn năm học trước.
Giáo viên nào đăng ký thấp hơn phải làm bản giải trình lý do tại sao năm trước đạt cao nhưng năm nay đăng ký thấp hơn, và phải qua nhiều vòng xét duyệt cấp tổ, cấp công đoàn. Và cuối cùng đến hiệu trưởng là không duyệt, bắt buộc năm sau phải cao hơn năm trước bằng mọi giá.
Lý do nêu ra là nếu giáo viên đạt thấp hơn trường sẽ không đạt ảnh hưởng đến xét thi đua của trường, của huyện và ảnh hưởng uy tín của hiệu trưởng…
Nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” khi học sinh nghỉ học đã lâu nhưng vẫn có điểm kiểm tra, điểm trung bình trên 5,0, hay học sinh nghỉ ở nhà tới kỳ kiểm tra giáo viên đem bài tới cho học sinh làm để giáo viên đạt chỉ tiêu… không còn là chuyện hiếm.
Hay những câu chuyện phụ huynh xin cho con họ ở lại cũng không được vì giáo viên đã đăng ký chỉ tiêu 100%, nên không thể có học sinh ở lại lớp.
Giáo viên cũng không dám đạt thấp hơn dù biết lương tâm cắn rứt nhưng không thể làm khác, vì nếu làm khác sẽ trở thành giáo viên cá biệt, bị cắt thi đua, không được xét nâng lương, khiển trách…
Chương trình mới sẽ tiếp tục được báo cáo rất “đẹp” trong năm tới?
Như đã trình bày, vì chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước nên chất lượng của các trường được nâng cao vút.
Nên dù chương trình mới còn có bất cập, hạn chế… nhưng cuối cùng nhìn vào chất lượng của năm học này sẽ thấy cao hơn năm học trước và đánh giá chương trình thành công, học sinh học tốt hơn, tiếp thu nhanh hơn… Những kết quả này gần như không pahri là đánh giá chất lượng thật sự.
Như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở trung học cơ sở bộc lộ vô vàn bất cập, phức tạp, nhiều giáo viên không đủ kiến thức để dạy cả 2, 3 phân môn… Nhưng ở trường nơi người viết công tác được giao chỉ tiêu Khoa học tự nhiên 96%, Lịch sử và Địa lý 99% nên dù như thế nào cũng phải đạt tỷ lệ trên, và cuối cùng dù có “khóc” cũng phải báo cáo chất lượng vô cùng đẹp.
Rồi sắp tới đây, kết quả không chỉ 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý mà gần như tất cả các môn khác sẽ được báo cáo đạt tỷ lệ rất cao, chương trình lại được đánh giá là thành công tốt đẹp.
Khi nào còn giao chỉ tiêu cao chót vót, chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước, còn chạy theo bệnh thành tích, khi đó căn bệnh giả dối vẫn còn, khi đó không bao giờ đánh giá được chất lượng thật của chương trình mới để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Giao chỉ tiêu cao, báo cáo cao, đánh giá thành công là điệp khúc vẫn còn nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Bộ GD-ĐT và các cấp các ngành.
Giáo viên dạy “tàng tàng”, gian lận nhưng cuối năm nhờ “cấy, sạ” điểm đẹp, học sinh giỏi cao, chất lượng cao được tuyên dương, khen thưởng, làm mất đi môi trường sư phạm tốt đẹp, ý nghĩa, nhân văn.
Giáo viên giỏi, cố gắng, đánh giá trung thực thì bị cắt thi đua, bị khiển trách… khiến họ bất mãn.
Hạnh phúc không thể sinh ra từ những điều dối trá. Rất mong Bộ GD-ĐT nhanh chóng có biện pháp chấn chỉnh việc chạy theo thành tích, giả dối, dừng ngay việc áp đặt chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước” và từng bước thực hiện chỉ đạo “dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi đó trường học trung thực hơn, trường học sẽ hạnh phúc thật sự.
Hà Thanh
Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?". Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ [email protected]. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn. Xin chân thành cảm ơn. |