Ngày 18/7, tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định khen thưởng 31 đơn vị có đóng góp to lớn vào  thành tựu chung của đề án.

Thuốc sản xuất trong nước ngày càng tăng về giá trị, số lượng, chất lượng, an toàn và hiệu quả. 10 năm qua, sự nỗ lực của ngành y tế nói chung và 31 đơn vị nói riêng đã góp phần quan trọng làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng và cán bộ y tế, tạo nên diện mạo mới cho ngành dược nước nhà.

{keywords}
 

Với nhiều sáng tạo trong cách thức triển khai, Cục Quản lý Dược đã phối hợp với ban tuyên giáo thực hiện liên tiếp 10 hội nghị tập huấn quy mô lớn trên khắp 3 miền. Đây là nền móng tạo cơ sở cho các chương trình truyền thông làm rõ chất lượng thuốc nội không thua kém thuốc ngoại đến mọi tỉnh thành. Kết quả là năm 2018, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước ở cả tuyến huyện và tuyến tỉnh/thành phố đã tăng lên 64%.

Nhằm tạo điều kiện cho thuốc nội tham gia đấu thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, Cục Quản lý Dược đã đề xuất cơ sở cho Bộ Y tế ban hành “Danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu”. Thuốc sản xuất trong nước được ưu tiên phân nhóm để đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng đủ các tiêu chí kỹ thuật.  

Đặc biệt, Cục Quản lý Dược đã đóng vai trò đầu mối triển khai chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” do Bộ Y tế phát động năm 2014-2015. Với phương pháp truyền thông tổng lực trên mọi kênh, chương trình đã giúp cho cán bộ y tế và người dân hiểu rõ hơn về chất lượng thuốc nội. Đồng thời, vinh danh 30 doanh nghiệp, 62 thuốc tiêu biểu của Việt Nam đạt giải thưởng "Ngôi sao thuốc Việt".

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị

Bộ Y tế cũng đánh giá cao nỗ lực triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của 10 Sở Y tế các tỉnh thành. Nhờ đổi mới cách tiếp cận, giá trị sử dụng thuốc nội tại 10 tỉnh chiếm từ 70% đến 87% trên tổng giá trị thuốc năm 2018.

Trong 5 bệnh viện tuyến Trung ương được vinh danh, Bệnh viện 71 Trung ương Thanh Hóa có tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước cao nhất, đạt 53%. Tại hội nghị, lãnh đạo bệnh viện đã đưa ra các giải pháp cụ thể như tích cực tổ chức hội thi tuyên truyền, treo panô ngay cổng viện... Khoa Dược cũng tư vấn bác sĩ ưu tiên kê thuốc nội có cùng hoạt chất, hàm lượng, dạng bào chế, tác dụng điều trị, song giá thành thấp hơn nhằm giảm gánh nặng cho người bệnh.

Trị giá thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 50% nhu cầu thuốc cho nhân dân. Có 652 thuốc đã công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc. Thành tựu này có được còn nhờ nỗ lực không ngừng từ phía các doanh nghiệp dược nước nhà tiêu biểu như Traphaco, Dược Hậu Giang, Pymepharco, Dược Nam Hà...

Doãn Phong