Một năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch, Hội đồng Y tá Quốc tế (ICN) đã chia sẻ những thông tin liên quan tới các nhân viên y tế. Theo đó, tình trạng kiệt sức và căng thẳng đã khiến hàng triệu y tá cân nhắc bỏ nghề.
Các y bác sĩ trong khu hồi sức cấp cứu ở Novi Sad, Serbia. Ảnh: Reuters
Khi đại dịch kết thúc, số lượng y tá giàu kinh nghiệm còn trụ lại có thể sẽ phải xử lý lượng công việc tồn đọng khổng lồ. Rất nhiều ca bệnh đã trì hoãn điều trị do khủng hoảng Covid-19.
Theo thống kê từ 60 quốc gia, con số y tá tử vong lên tới 3.000 người. Tuy nhiên, ICN cho rằng đây là con số thấp hơn so với thực tế.
Giám đốc điều hành ICN, Howard Catton, cho biết, các y tá trải qua những áp lực lớn trong đại dịch, bị đẩy đến kiệt quệ về thể chất và tinh thần.
Ông Catton thông tin, lực lượng lao động toàn cầu gồm 27 triệu y tá. Tới năm 2030, sẽ có 4 triệu người nghỉ hưu.
Đại dịch có thể dẫn tới một đợt bỏ nghề hàng loạt từ nửa cuối năm 2021. Tình trạng thiếu y tá toàn cầu có nguy cơ tăng lên gần 13 triệu người.
“Chúng ta đang trong tình thế hiểm nghèo như đứng trên vách núi”, ông Catton nói. Để đào tạo một y tá lành nghề, mất khoảng 3-4 năm.
Ông Catton nói rằng các y tá đã thực hiện công việc phi thường là tham gia dẫn dắt thế giới vượt qua đại dịch này.
Thành lập năm 1899, Hội đồng Y tá Quốc tế bao gồm 130 thành viên. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ đầu tư thêm tiền để đào tạo lứa y tá mới đáp ứng cho đợt thiếu hụt toàn cầu. Những nhân viên hiện tại cũng cần được trả lương cao hơn.
WHO mong muốn nhân viên y tế ở tất cả các quốc gia được tiêm chủng trong vòng 100 ngày đầu năm 2021.
Tuy nhiên, ông Catton bày tỏ lo ngại về việc phân phối vắc xin không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo. Đối với các y tá, đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao, việc chủng ngừa là quyền được bảo vệ tại nơi làm việc của họ.
An Yên (Theo CNA)
Vì sao có hộ chiếu vắc xin về Việt Nam vẫn phải cách ly?
Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận hộ chiếu vắc xin nên chưa có thay đổi trong biện pháp phòng chống dịch Covid-19.