Gần 3 tỉ đồng chia đều cho 10 chiếc váy, tính ra khoảng 300 triệu đồng cho mỗi thiết kế, như thế có gì mà xa xỉ và khó tin?
Mới xuất hiện trên bản đồ làng thiết kế Việt Nam, song nhà thiết kế Audrey Hiếu Nguyễn đã vượt qua nhiều tên tuổi nổi bật khác để trở thành người duy nhất chịu trách nhiệm thiết kế trang phục cho dàn thí sinh lọt vào chung kết Hoa khôi Áo dài 2016.
Audrey Hiếu Nguyễn vừa có buổi thử trang phục dạ hội cho Top 10 cô gái đẹp nhất được lựa chọn vào đêm chung kết Hoa khôi Áo dài sẽ lên sóng VTV tối 5/6. |
- 10 chiếc váy với trị giá lên tới gần 3 tỉ, con số đó có vẻ không thực tế cho lắm nếu so với thị trường thiết kế chung trong nước. Anh nghĩ sao?
- Theo bạn, tại sao lại không thực tế? Gần 3 tỉ đồng chia đều cho 10 chiếc váy, tính ra khoảng 300 triệu đồng cho mỗi thiết kế, như thế có gì mà xa xỉ và khó tin? Tôi cho rằng với sự đầu tư trong suốt nhiều tháng qua của tôi và ê-kip, bộ sưu tập cho đêm chung kết Hoa khôi Áo dài nếu tính về giá trị tinh thần, nó còn hơn gấp nhiều lần con số 3 tỉ. Vì thế, hãy đừng hỏi tôi con số đó có thực tế hay không.
- Anh nói đã đầu tư rất nhiều, vậy sự đầu tư ấy gồm những gì mà khiến anh tự tin phát biểu '3 tỉ một bộ sưu tập không có gì phải ngạc nhiên'?
- Để làm được 1 chiếc váy, mọi nguyên liệu tôi đều nhập từ Pháp. Trong quá trình thực hiện, hầu hết các công đoạn đều được xử lý bằng tay. Có những thiết kế cần hơn 10 người trong xưởng may của tôi và 240 giờ công lao động. Từng viên đá đính, từng bông hoa thêu… đều được tôi lựa chọn kỹ lưỡng. Tính tôi xưa nay vốn vậy, không làm thì thôi, đã làm thì phải 'ra tấm ra món' cho xứng đáng sau nhiều năm học tập khổ sở ở xứ người.
Bộ sưu tập trị giá gần 3 tỉ đồng cũng đã được 'hé lộ' trước khi đêm trình diễn. |
- Anh gọi những năm tháng mình học thời trang ở Mỹ - niềm ước ao của bao nhiêu nhà thiết kế Việt Nam - là thời gian khổ sở ư?
- Vậy bạn tưởng sinh viên Việt Nam du học Mỹ là sướng sao? Để có được tấm bằng tốt nghiệp loại ưu Học viện nghệ thuật bang California; Top 3 xuất sắc toàn vùng vịnh San Francisco, tôi cũng phải trầy da tróc vẩy. Có tài nhưng muốn có đất dụng võ cũng chẳng phải dễ dàng. Hàng tỉ trò chơi xấu, đâm sau lưng… của đồng môn mà những sinh viên non nớt như bọn tôi không thể đoán trước.
Nhưng rồi tất cả cũng qua, và tôi cũng đã đạt được ước mơ của mình. Giờ đây, tôi đang khao khát được cống hiến những kiến thức mình được đào tạo bài bản ở Việt Nam. Và tôi đang từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình ở quê hương đấy thôi.
- Mới tốt nghiệp, lại không phải là tên tuổi nổi bật trong làng thiết kế Việt Nam, vậy mà anh dám đầu tư số tiền lớn cho bộ sưu tập dù chưa biết hiệu ứng của nó tốt hay không… Sao anh tự tin thế?
- Sao tôi lại không thể tự tin? Nếu thiết kế của tôi không đẹp, tôi đã chẳng thể lọt vào mắt xanh của những nhà tổ chức chương trình Hoa khôi Áo dài.
Cuộc đua vào vị trí người thiết kế duy nhất cho thí sinh trình diễn đêm chung kết không chỉ có mình tôi. Có rất nhiều tên tuổi khác cũng mong muốn vinh dự này. Nhưng may mắn đã mỉm cười với tôi, tất nhiên ngoài may mắn, tôi tự tin rằng mình đủ tài năng.
- Đủ may mắn, đủ tài năng, vậy anh đã làm thế nào để đủ tiền đổ vào những chiếc váy này, bởi Audrey Hiếu Nguyễn chưa phải là cái tên đủ nóng để dễ kiếm tiền cho những phi vụ đầu tư tốn kém thế này?
- Từ khi còn học bên Mỹ, tôi đã có khách hàng của riêng mình. Ngay sau khi tốt nghiệp năm 2014, tôi về Việt Nam và rất may mắn, những người yêu mến phong cách thiết kế của tôi ngày càng trở nên gắn bó. Tôi lại không phải là một người có nhu cầu tiêu tiền cho những thú vui riêng. Khát khao của tôi là có bao nhiêu tiền sẽ quẳng hết vào việc phát triển đam mê. Cùng với sự phụ giúp của gia đình, 3 tỉ đồng cho bộ sưu tập này với tôi không phải là điều khó khăn.
- Nhiều người làm trong ngành thiết kế thời trang cho rằng, anh đang phải gồng quá sức để xứng danh với tên gọi 'nhà thiết kế quốc tế' chỉ vì lỡ sở hữu tấm bằng tốt nghiệp tại xứ cờ hoa, chứ thực tế khả năng của anh chưa được kiểm chứng. Bản thân anh thấy sao về danh xưng mỹ miều nhưng xa lạ ấy?
- Tôi chưa bao giờ tự phong cho mình bất kỳ sự mỹ miều nào. Những khách hàng yêu quý của tôi họ gọi như vậy, và khi gọi tôi là nhà thiết kế quốc tế, đơn giản chỉ là vì họ yêu phong cách của tôi, yêu cái đẹp mà tôi mang đến cho họ mà thôi. Vì lẽ này, dù có thêm từ 'quốc tế' hay không, điều đó cũng chỉ mang đến cho tôi duy nhất cảm giác: sự biết ơn và trân trọng.
Bảo Bảo (thực hiện)