- 30 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với những thương hiệu Samsung, Honda, Toyota,... đã góp phần "thay da đổi thịt" nhiều tỉnh thành. Nhưng, liệu chúng ta có thể hài lòng với thành quả ấy chưa hay phải nhận được nhiều hơn thế từ những tập đoàn đa quốc gia?

FDI và những băn khoăn 

“Khi sang Mỹ, tôi loanh quanh đi mua đôi giày, bộ quần áo, cầm lên thì hóa ra sản xuất tại Việt Nam. Thực tế, áo sơ mi sản xuất tại Vĩnh Phúc rất nhiều. Một sản phẩm khác là ghế ô tô thì toàn bộ chi tiết ghế xe đều sản xuất ở Vĩnh Phúc và xuất khẩu sang Bắc Mỹ.”

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, không giấu niềm tự hào khi kể câu chuyện này tại tọa đàm “30 năm lan tỏa vốn FDI” tổ chức ngày 6/10.

Ông Lê Duy Thành cho rằng đó là công lớn của doanh nghiệp FDI - khu vực chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này.

{keywords}

Việt Nam ngày càng thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài

Ấn tượng với câu chuyện Vĩnh Phúc, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, cũng nhắc đến địa phương này như một điển hình của việc "thay da đổi thịt" sau 30 năm thu hút FDI.

“Ở Việt Nam không phải tỉnh nào cũng được như vậy. Nhưng ít nhất ở miền Bắc, ngoài Vĩnh Phúc còn có Thái Nguyên, Bắc Ninh - nơi tập đoàn Samsung đang đầu tư - gần đây cũng thay đổi nhanh chóng”, GS Nguyễn Mại chia sẻ.

Ngoài ra, ở Đồng Nai, Bình Dương, khu vực FDI đóng góp 70% giá trị sản xuất công nghiệp, 85% kim ngạch xuất khẩu.

Thừa nhận đóng góp của FDI, song TS. Nguyễn Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vẫn lăn tăn: Vậy DN FDI ở Việt Nam đem lại lợi gì ngoài những thứ chúng ta nhìn thấy được như đóng góp ngân sách, tăng trưởng?... Vấn đề nhiều người quan tâm là tác động lan toả chiều sâu của FDI đến khu vực trong nước, tức là sau khi họ đi, sẽ để lại những gì?

“Chính sách về FDI hiện chưa làm tốt vai trò tạo liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Do đó, cần xây dựng khung chính sách FDI, trong đó coi nhiệm vụ tăng năng lực của khu vực DN trong nước, đặc biệt DN tư nhân, là một cấu thành quan trọng. Có như vậy mới tăng hiệu quả của FDI”, bà Tuệ Anh nói.

Ghi nhận đóng góp to lớn của FDI, song bản thân lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng băn khoăn: nhà đầu tư nước ngoài nộp 1 tỷ đồng tiền thuế, họ sẽ bỏ túi 4 tỷ đồng. Doanh nghiệp trong nước cũng vậy. Tuy nhiên, 4 tỷ của doanh nghiệp Việt sẽ vẫn ở lại Việt Nam, nhưng 4 tỷ của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được chuyển về nước họ.

Cho nên, cùng với FDI, vị lãnh đạo này cho rằng làm khu vực DN trong nước mạnh lên cũng quan trọng không kém.

DN Việt tự ti?

Là DN rót hàng chục tỷ USD vào Việt Nam, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, nói: Cách đây 3 năm, số lượng DN Việt làm nhà cung cấp trực tiếp (cấp 1) cho Samsung chỉ là 4, nhưng giờ đã tăng lên 25. Cuối năm nay con số này nâng lên 29 DN và năm 2020 là 50 DN, chưa kể các nhà cung cấp gián tiếp.

{keywords}

Một DN sản xuất bản mạch điện tử cho Samsung. Ảnh: L.Bằng

Nói về cơ hội trở thành nhà cung cấp cho Samsung, lãnh đạo Samsung Việt Nam cho biết: "Trước khi đến đây, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi về việc làm thế nào để DN nội địa trở thành nhà cung cấp cho Samsung? Hiện Samsung đã và đang đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm. Con số này rất lớn. Cho nên, việc DN vừa và nhỏ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung là vô cùng khó khăn. 

Hơn nữa, những sản phẩm của Samsung xuất khẩu ở nhiều nơi trên toàn cầu, nên những linh kiện, vật tư đầu vào mà công ty chúng tôi nhập phải có chất lượng cao. Nếu nói DN Việt Nam ngay bây giờ đáp ứng yêu cầu của Samsung thì rất nan giải".

“DN nhỏ và vừa đừng tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng Samsung với tư cách nhà cung cấp cấp 1 mà nên là cấp 2, cấp 3. Sau một thời gian tích lũy về công nghệ, chất lượng thì có thể tự tin hơn trở thành nhà cung cấp cấp 1 của Samsung”, ông Bang gợi ý.

Nhắc đến những ý kiến cho rằng DN Việt Nam không đủ khả năng trở thành cung cấp cho DN nước ngoài, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, bộc bạch: "Một chủ DN ở Vĩnh Phúc nói với tôi rằng, không có cái gì DN Đài Loan làm được, DN Trung Quốc làm được mà DN Việt không làm được". 

“Chủ DN này cho rằng vì DN Việt thiếu tự tin, tự tôn, tinh thần làm chủ, cứ nhìn DN FDI như một cái gì cao siêu lắm,... nên còn hạn chế. Nhìn thực trạng ở Vĩnh Phúc thì thấy có tình trạng như vậy”, lãnh đạo Vĩnh Phúc chia sẻ.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Mại đánh giá: “DN Việt Nam hay tự ti. Muốn làm cho DN nước ngoài thì DN Việt Nam phải tự tin, chủ động, không thể ngồi chờ người ta đến làm với anh mà phải chủ động tìm đến họ để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

30 năm trôi qua kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua (năm 1987), Việt Nam đã tiến một bước dài trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, đã có hơn 23.000 dự án FDI chọn Việt Nam là điểm đến với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD, trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD.

Lương Bằng