Thông tin trên vừa được ông Đào Ngọc Phong, Trưởng phòng Ứng dụng CNTT - Sở TT&TT Hà Nội cho biết tại hội nghị trực tuyến triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã tại 18 huyện/thị xã diễn ra chiều 9/12/2016.
Hội nghị do bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội chủ trì, với nội dung tập trung sơ kết 1 tháng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã tại 6 huyện thuộc giai đoạn 1 và kiểm tra, đánh giá kết quả chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 tại 12 huyện còn lại của Hà Nội.
Bà Phan Lan Tú cho biết, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp là một nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong năm nay. Để triển khai, Thành phố đã xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến http://egov.hanoi.gov.vn - địa chỉ tích hợp duy nhất cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kết nối với phần mềm một cửa điện tử và liên thông với quá trình xử lý nghiệp vụ của từng thủ tục hành chính (TTHC).
Từ tháng 8/2016, Thành phố đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp đến 12 quận, với 168 phường. Và từ ngày 10/11/2016, Thành phố đã tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã tới 139 xã thuộc 6 huyện giai đoạn 1 gồm: Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì và Gia Lâm.
Tiếp đó, từ ngày 1/12 vừa qua, Thành phố bắt đầu triển khai vận hành thử tại 227 xã của 12 huyện còn lại gồm: Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Mê Linh, Quốc Oai, Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. 12 huyện của giai đoạn 2 sẽ chính thức vận hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã từ ngày 15/12/2016.
Tại hội nghị trực tuyến chiều nay, sơ kết 1 tháng triển khai giai đoạn 1, ông Đào Ngọc Phong đánh giá, các nhiệm vụ UBND Thành phố giao đã được các đơn vị triển khai tích cực và thực hiện nghiêm túc, hoàn thành đảm bảo theo đúng tiến độ lãnh đạo thành phố yêu cầu.
Bên cạnh việc đảm bảo hạ tầng trung tâm dữ liệu và hệ thống mạng thông suốt, ổn định phục vụ triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3, công tác tập huấn sử dụng hệ thống dịch vụ công mức 3 tại 416 xã thuộc 18 huyện của Hà Nội cũng đã được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng.
Cụ thể, về hệ thống mạng WAN, theo ông Phong, Trung tâm dữ liệu nhàn ước thường xuyên giám sát đảm bảo hệ thống mạng WAN được hoạt động ổn định. Cùng với đó, Trung tâm dữ liệu đạt tại IDC Hòa Lạc của Viettel để cài đặt hệ thống dịch vụ công mức 3 cũng đang được duy trì hoạt động ổn định.
Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp với Sở Tư pháp và Công ty Nhật Cường tổ chức 8 lớp đào tạo tập trung tại Trung tâm đào tạo CNTT&TT cho 3 huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì; 10 lớp đào tạo tại huyện cho 3 huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Đông Anh; và 36 lớp đào tạo tại huyện cho 12 huyện/Thị xã thuộc giai đoạn 2.
Đặc biệt, Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp với đơn vị triển khai cài đặt phần mềm trên 760/832 máy tính của các cán bộ một cửa và cán bộ tư pháp của 416 xã/phường/thị trấn thuộc 18 huyện của Hà Nội. Hiện còn tổng số 72 máy tính thuộc 18 huyện chưa cài đặt được do các nguyên nhân khác nhau. Tới đây, Trung tâm dữ liệu sẽ chủ động liên hệ với các cán bộ của các xã để hỗ trợ cài đặt từ xa.
Công ty Nhật Cường đã phối hợp vớiBHXH Thành phố đảm bảo kết nối liên thông tới hệ thống đăng ký BHYT của BHXH Thành phố để BHXH các huyện tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp, liên thông TTHC theo Thông tư liên tịch 05 năm 2015 giữa 3 Bộ Tư pháp, Công an và Y tế, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Hiện Nhật Cường đang tiếp tục phối hợp với Công an Thành phố để kết nối liên thông tới hệ thống quản lý hộ khẩu của Công an Thành phố để Công an các huyện và xã/phường/thị trấn trực thuộc thực hiện việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp, liên thông TTHC theo Thông tư liên tịch 05.
Kết quả, 6 huyện thuộc giai đoạn 1 gồm Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Hoài Đức, Ba Vì đều đã tích cực triển khai. Sau gần 1 tháng, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt khoảng 30%. Các đơn vị cũng đã có các giải pháp thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ công dân trong giai đoạn đầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ba huyện triển khai tốt, có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao là Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, với các tỷ lệ lần lượt là 86%, 38% và 33,67%.
Tuy nhiên, quá trình triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại các xã, theo phản ánh của đại diện lãnh đạo 6 huyện thuộc giai đoạn 1, vẫn còn tồn tại một số khó khăn: một số xã con thiếu máy tính hoặc máy tính có cấu hình thấp, không cài đặt được ứng dụng; một số cán bộ còn lúng túng, chưa quen với thao tác xử lý trên phần mềm dù đã được hướng dẫn, tập huấn; trình độ CNTT của người dân các xã còn hạn chế…
Kết luận hội nghị, bà Phan Lan Tú đề nghị các huyện tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện Kế hoạch 198 của UBND Thành phố về việc triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã; tăng cường công tác giao ban, đánh giá định kỳ.
Về trang thiết bị, theo bà Tú, trên cơ sở tình hình thực tế triển khai của các huyện, Sở TT&TT đã đề xuất Thành phố trang bị cho mỗi xã 2 máy tính, 1 máy scan và 1 máy in hỗ trợ cán bộ 1 cửa và công dân thực hiện thủ tục hành chính. Lãnh đạo Sở TT&TT đề nghị các huyện khẩn trương mua sắm thiết bị để đảm bảo các cán bộ cần dùng phải có máy tính dùng; và công dân đến làm thủ tục hành chính tại xã phải có phương tiện để thực hiện.
Bên cạnh đó, các huyện cũng được đề nghị chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp trên địa bàn thuộc đơn vị quản lý; tăng cường tuyên truyền, niêm yết công khai tại bộ phận một cửa, các khu dân cư, điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa để dân, tổ chức biết về cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và lợi ích đạt được khi sử dụng; đồng thời bố trì tình nguyện viên hỗ trợ người dân nhập hồ sơ trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa.
Riêng với 12 huyện thuộc giai đoạn 2, bà Tú đề nghị, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch triển khai, cán bộ huyện cần trực tiếp xuống các xã để chỉ đạo triển khai vận hành chính thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã; thực hiện giao ban định kỳ và học tập kinh nghiệm của các huyện đã triển khai giai đoạn 1.
Ngoài ra, sau ngày 15/12/2016, sẽ tổ chức 3 đoàn kiểm tra với thành phần gồm Sở TT&TT, Sở Tư pháp và Công an Thành phố để đi kiểm tra việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp tại 12 huyện thuộc giai đoạn 2.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT TP.Hà Nội ngày 26/11/2016, lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội đã cho biết, sau hơn 3 tháng chính thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 cấp phường tại 12 quận, số lượng hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng đã đạt kết quả tích cực. Tính đến hết ngày 24/11/2016, tỷ lệ hồ sơ khai sinh nộp trực tuyến là 76% và tỷ lệ hồ sơ khai tử nộp trực tuyến là 60%.