Bệnh nhân Trần Văn Nam, 45 tuổi ở Đồng Quang, TP. Thái Nguyên bị tai nạn thương tích tại nhà, được gia đình chuyển vào BV Trung ương Thái Nguyên cấp cứu trong tình trạng sốc đa chấn thương do mất máu nhiều.

Bệnh nhân bị đứt hoàn toàn bàn tay trái, bàn tay phải chỉ còn dính da ở mặt sau cổ tay, ngoài ra bệnh nhân bị rách màng cứng, tụ máu và dập não.

Các bác sĩ khoa cấp cứu nhận định, nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong hoặc tàn phế, mất 2 bàn tay vĩnh viễn.

Ngay lập tức, toàn bệnh viện kích hoạt báo động đỏ. Tất cả các bác sĩ giỏi nhất của các khoa Cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại thần kinh, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh… đều được huy động trong vài phút với tổng hơn 30 người.

{keywords}

2 bàn tay đã "sống" trở lại sau hơn 10 ngày phẫu thuật nối ghép

 

Các bác sĩ chia thành 3 ekip làm việc đồng thời: Ekip thứ nhất, xử lý chấn thương sọ não do BS Trần Chiến, khoa Ngoại thần kinh đảm nhiệm; 2 ekip còn lại đảm trách nối lại 2 bàn tay đứt rời cho bệnh nhân.

Sau 8 giờ chạy đua, 2 bàn tay được nối lại thành công bằng kĩ thuật vi phẫu, tổn thương trên não đã được lấy máu tụ và cầm máu. Bệnh nhân được chuyền hơn 10 đơn vị máu.

BS Nguyễn Thanh Tùng, khoa Chấn thương chỉnh hình chia sẻ, đây là ca mổ rất đặc biệt. Thông thường để nối 1 bàn tay đứt rời bằng kĩ thuật vi phẫu cần 6-7 giờ nhưng trường hợp này, nối cả 2 tay chỉ mất 8 giờ.

Sau khi hồi sức tích cực, bệnh nhân được chuyển về khoa Chấn thương chỉnh hình để điều trị. Qua 10 ngày phẫu thuật, sức khoẻ bệnh nhân tiến triển tốt, tinh thần minh mẫn, 2 bàn tay đã hồng ấm trở lại, lưu máu tốt, các ngón tay đã có thể cử động, có cảm giác.

Tuy nhiên để hồi phục hoàn toàn chức năng bàn tay, bệnh nhân sẽ cần tập phục hồi chức năng chăm chỉ.

Theo BS Tùng, bệnh nhân may mắn ở gần bệnh viện, chi thể đứt rời không bị dập nát nhiều nên quá trình phẫu thuật gặp nhiều thuận lợi.

BS Tùng lưu ý, để nối nối lại chi thể đứt rời thành công, việc bảo quản các phần đứt rời rất quan trọng, quyết định thành công của cuộc mổ.

“Khoảng 2-3 giờ sau đứt, các mô sẽ bị thiếu oxy, dưỡng chất, quá trình chuyển hoá ở tế bào tạo ra chất độc dần phá huỷ mô khiến mô chết dần”, BS Tùng giải thích.

Do vậy, khi gặp những tai nạn thương tích dẫn đến đứt lìa một phần chi thể, việc đầu tiên là giảm đau, cầm máu bằng băng ép vết thương cho bệnh nhân.

Phần đứt rời cần rửa bằng nước sạch, tuyệt đối không rửa bằng xà phòng, không đặt trực tiếp vào đá lạnh, nên bọc trong mảnh vải sạch hay miếng gạc, cho vào túi nilon buộc kín rồi đặt trong thùng đá lạnh, đảm bảo môi trường từ 2-8 độ C.

Các thao tác cần phải nhanh gọn, cẩn thận, nhẹ nhàng và nhanh chóng chuyển nạn nhân cùng phần chi thể đứt rời đến cơ sở y tế có đủ điều kiện và năng lực nối ghép càng sớm càng tốt, không nên quá 6 giờ.

Thúy Hạnh

Lái xe máy vù vù sau 3 tháng bị đứt lìa bàn tay

Lái xe máy vù vù sau 3 tháng bị đứt lìa bàn tay

Sau hơn 3 tháng nối bàn tay phải đứt lìa do bị máy cắt giấy “chém”, anh Sự đã có thể điều khiển xe máy gần như bình thường.