Ivy League luôn tạo nên những “cơn sốt” truyền thông mỗi mùa tuyển sinh. Mùa tuyển sinh năm nay, tính tới thời điểm hiện tại, đã có 3 học sinh trung học chinh phục được cả 8 trường đại học hàng đầu thế giới.
Điểm chung của họ là thành tích học thuật đáng nể, tinh thần dấn thân và cống hiến trong các hoạt động xã hội. Và hơn hết, họ luôn thể hiện khao khát thay đổi để biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Những sinh viên thuyết phục được tất cả 8 ngôi trường này thực sự là hiếm hoi trong những năm gần đây. Năm 2014 có Kwasi Enin, năm 2015 có Harold Ekeh. Năm 2016 có Augusta Uwamanzu-Nna và Kelly Hyles.
3 gương mặt của mùa tuyển sinh đại học 2017 tính tới thời điểm hiện tại đều đến từ nước Mỹ.
Ifeoma White-Thorpe - nữ sinh tới từ New Jersey |
Ifeoma White-Thorpe - nữ sinh tới từ New Jersey, Mỹ cho biết cô đã “run rẩy” khi nhận được 8 bức thư thông báo trúng tuyển.
Và bây giờ, cô đứng trước lựa chọn giữa Harvard, Yale, Cornell, Columbia, Pennsylvania, Princeton, Dartmouth và Brown.
Ban đầu, cô chỉ tập trung vào Harvard – ngôi trường đầu tiên chính thức “bật đèn xanh” với cô. Nhưng khi thư trúng tuyển của 7 trường khác ập đến, White-Thorpe thực sự bối rối.
“Tôi nộp vào Harvard trong đợt nộp sớm Early Action. Vì thế giống như là tôi chỉ muốn Harvard thôi. Nhưng khi tôi nhận được thư của 7 trường kia, tôi thực sự không biết mình muốn tới đâu” - White-Thorpe chia sẻ.
Để thuyết phục được cả 8 ngôi trường danh giá này, White-Thorpe đã có một bộ hồ sơ thực sự ấn tượng. White-Thorpe là chủ tịch hội học sinh ở Trường Trung học Morris Hills, Rockaway; xếp hạng cao trong các khóa học nâng cao; có năng khiếu làm thơ và viết lách. Mới đây, White-Thorpe còn giành giải Nhất Cuộc thi viết luận và thuyết trình do Bảo tàng Tự do quốc gia tổ chức.
“Giáo dục là cần thiết cho sự thay đổi, và tôi mong muốn trở thành sự thay đổi đó” - White-Thorpe phát biểu sau khi chiến thắng giải thưởng trị giá 5.000 USD trong cuộc thi viết luận quốc gia.
Nữ sinh da màu muốn học về chính sách y tế toàn cầu. Vì tất cả các trường Ivy “đều có cơ sở vật chất tuyệt vời cho việc nghiên cứu” nên cô quyết định nộp đơn đăng ký tất cả. Cô cho biết sẽ xem xét chương trình học ngành này ở mỗi trường trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, đó cũng không phải là yếu tố duy nhất. White-Thorpe tiết lộ, cô còn xét đến khoản hỗ trợ tài chính mà mỗi trường dành cho mình.
Bố mẹ White-Thorpe nói rằng quyết định hoàn toàn thuộc về cô con gái, trong khi nữ sinh này chia sẻ, cô thực sự chưa quyết định. Ngoài Ivy League, cô còn đỗ cả Stanford – một trong số những trường có tỷ lệ tuyển sinh cạnh tranh nhất thế giới.
Martin Altenburg - nam sinh có xuất thân từ một gia đình thu nhập thấp |
“Tôi chỉ muốn nộp đơn vào nhiều trường nhất có thể, bởi vì... tôi không chắc mình sẽ được nhận vào đâu và không được nhận vào đâu” – Martin Altenburg, nam sinh tới từ North Dakota, Mỹ chia sẻ sau khi nhận được thư trúng tuyển của cả 8 trường Ivy.
Chiếc lược này của Martin rõ ràng là có hiệu quả. “Yale là trường gần đây nhất mà tôi mở thư” – cậu nói. “Và tôi đã nghĩ rằng, ‘được rồi, nếu mình được nhận vào đây thì mình đã vào được cả 8 trường Ivy’”.
Tuy nhiên, Ivy League chưa phải là tất cả những gì Martin chinh phục được. Hai “ông lớn” Stanford và MIT cũng chào đón cậu.
Martin là một nam sinh rất tích cực tham gia các hoạt động thể thao. Cậu tham gia môn chạy băng đồng ở trường. Ngoài ra, cậu còn chơi các môn thể thao khác như: bơi lội, điền kinh, tham gia ban nhạc, dàn nhạc giao hưởng thính phòng.
“Tôi sinh ra trong một gia đình thu nhập thấp, vì vậy tôi muốn thúc đẩy bản thân tới nơi mà tôi có thể nhìn thấy thế giới, có thể kiếm được một công việc cho phép tôi hiểu cách mà thế giới hoạt động, và để làm một khác biệt thực sự lớn” – cậu nói.
Giống như những sinh viên khác của các trường Ivy, thành tích học tập của Martin khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cậu đạt 5 điểm – điểm tối đa – cho tất cả các khóa học nâng cao mà cậu tham gia, gồm có: Sinh học, Lịch sử châu Âu, Địa lý nhân văn, tiếng Anh, Giải tích và Hóa học.
“Tôi học và tham gia các kỳ thi AP, bởi vì nó rất giống môi trường học tập ở đại học” – Martin nói.
Điểm số ACT của Martin đạt 35/36, SAT 1510 mặc dù cậu không sử dụng điểm SAT cho hồ sơ ứng tuyển của mình.
Cũng giống như White-Thorpe, Martin chưa quyết định sẽ theo học trường nào, tuy nhiên cậu nghiêng về Princeton, Stanford, Harvard hoặc MIT.
Ivan Vazquez từng nhìn Ivy League như một giấc mơ xa vời |
Ivan Vazquez – nam sinh tới từ Trường trung học Capital, Boise, tiểu bang Idaho nước Mỹ - là người thứ 3 trúng tuyển cả 8 trường Ivy League năm nay.
“Giống như hồi học lớp 9 khi tôi đọc được những bài báo ‘Nam sinh New Jersey hay nữ sinh New York được nhận vào 8 trường Ivy’” – Ivan chia sẻ cảm xúc của mình. “Cảm giác giống như ‘ôi Chúa ơi, tôi vừa tìm ra thuốc chữa bệnh ung thư hay đại loại thế’”.
“Tôi nộp đơn sớm vào Harvard và tôi được nhận. Đó là một trong những ngày đẹp nhất trong cuộc đời tôi” – Ivan nói. “Tôi không thể tin vào mắt mình”.
Nhưng đó mới chỉ là một trong nhiều ngày đẹp nhất cuộc đời Ivan.
“Tôi được nhận vào Yale, sau đó là Princeton, và khi tôi mở thư của các trường khác, giống như là “không phải thế chứ!” – cậu nói.
Ivan biết đến Ivy League từ khi học tiểu học. Cậu nghe nói đến Harvard và hỏi bố mẹ về nó, bố mẹ cậu nói rằng đó là “ngôi trường tốt nhất”. Sau đó, khi Ivan học lớp 6, anh trai cậu nộp đơn và được nhận vào Brown”.
“Ivy League giống như một thế giới ở rất xa tôi, nhưng sau khi anh trai tôi được nhận, tôi nghĩ rằng mình có thể làm được nếu như mình hướng về mục tiêu đó” – cậu nói.
Được truyền cảm hứng cộng thêm một chút cạnh tranh với anh trai, đó chính là lúc cậu bắt đầu mơ tới nền giáo dục của Ivy. Ban đầu, cậu đặt mục tiêu Harvard, nhưng sau khi tìm hiểu về các trường trong kỳ nghỉ hè, cậu cho rằng được nhận vào trường nào trong số đó cũng đều tuyệt vời cả.
Ivan cho biết cậu đã học tập và làm việc rất chăm chỉ và đầy cống hiến. Cậu tham gia những khóa học thách thức bản thân, tham gia các môn thể thao...
“Chỉ cần tin vào bản thân, bạn có thể làm được điều đó. Các trường muốn nhìn thấy bạn đổ hết tâm trí vào đó, không quan trọng là theo cách nào, miễn là bạn dấn thân và chỉ làm những gì mình thích”.
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)