
Tôi rất thích ăn mít nhưng mỗi lần ăn hay bị nổi mẩn, ngứa người, cảm thấy nóng bức. Xin chuyên gia tư vấn? (Nguyễn Kim Anh, Hà Đông, Hà Nội)
Lương y Đỗ Minh Tuấn - Hội Đông y Hà Nội tư vấn:
Mít là trái cây phổ biến ở Việt Nam, giàu dinh dưỡng. Thành phần múi mít nhiều chất đạm, chất xơ, magie, đồng, mangan, kali... Mít chứa các chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng thực vật.
Trong y học cổ truyền, mít được xếp vào nhóm thực phẩm vị ngọt, tính ôn, quy kinh tỳ - vị. Mít có tác dụng ích khí, sinh tân, khoan trung, tức là bổ khí nhẹ, sinh tân dịch, làm dễ chịu ở vùng trung tiêu. Khi dùng đúng liều lượng và thời điểm, mít có thể bồi bổ cho người mới ốm dậy, thể trạng suy nhược, ăn uống kém.

Tuy nhiên, mít vị ngọt đậm, tính ôn và hàm lượng dinh dưỡng cao,rất dễ sinh nhiệt và tích trệ nếu dùng quá mức - đặc biệt trong mùa hè, khi tâm - tỳ - vị vốn đã bị thử tà tác động mạnh. Việc ăn nhiều mít có thể khiến người khỏe cũng nóng trong, người yếu mẩn ngứa, táo bón, khô miệng, khó ngủ, đầy hơi…
3 lưu ý khi ăn mít
Thứ nhất, không ăn vào buổi tối: Ăn mít đúng thời điểm là vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều - khi tỳ vị còn vượng, dễ tiếp nhận và tiêu hóa. Tuyệt đối tránh ăn vào buổi tối, lúc âm thịnh dương suy, khí huyết giảm, nếu ăn mít lúc này rất dễ gây trệ khí, khó tiêu, mất ngủ.
Thứ hai, không ăn nhiều: Người trưởng thành chỉ nên ăn khoảng 3–5 múi/lần, không ăn liên tục trong nhiều ngày. Trẻ nhỏ, người tỳ vị yếu, người có cơ địa nhiệt nên hạn chế hơn - chỉ nên ăn 1-2 múi. Nếu lỡ ăn nhiều, cần phối hợp thêm thực phẩm thanh nhiệt để quân bình âm dương.
Thứ ba, kết hợp món giải nhiệt đi kèm: Sau ăn mít nên dùng kèm nước trà giải nhiệt như râu ngô, bông mã đề, nước đậu đen rang, rau má, canh bí xanh… Nguyên tắc này dựa trên quy luật “ôn thì kèm lương”, dương thì cần âm điều hòa” - dùng thực phẩm có tính mát nhẹ để trung hòa mức nhiệt của mít.
Y học cổ truyền khuyến cáo nên ăn uống cân bằng và biết tiết chế, thuận tự nhiên. Mỗi món ăn, loại quả nếu đặt đúng thời, đúng cơ địa sẽ là thuốc; ngược lại, dùng sai thuốc cũng thành hại.
Lưu ý, nếu bạn ăn mít xong bị nổi mẩn, khô miệng, bứt rứt, tiểu nóng, táo bón… là dấu hiệu cơ thể báo động nhiệt tích. Lúc này bạn tạm ngưng ăn mít, chuyển sang dùng các món thanh nhiệt để điều khí, dưỡng huyết.
Trái cây này không thích hợp với người bị bệnh đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, suy thận mạn tính.


Top 5 loại rau thơm ăn hằng ngày giúp sống thọ hơn
