Phóng viên VietNamNet đến thăm nhà nhạc sĩ, Đại tá Vũ Thành tại đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, TPHCM.
Căn nhà trong hẻm đơn giản, không lớn nhưng bình yên, tĩnh lặng. Tại đây, vợ chồng nguyên Trưởng Đoàn Văn công Quân khu 7 sống cùng các cháu gái.
Nghệ sĩ "kiêm" chiến sĩ trinh sát đặc công
Nhạc sĩ Vũ Thành tên thật là Võ Thành Chính, sinh năm 1936 ở Tiền Giang.
Sinh trong thời khói lửa, một quãng đời dài Vũ Thành gắn bó với rất nhiều đơn vị nhưng chỉ 3 nơi - tương ứng 3 dấu mốc - để lại ông nhiều cảm xúc nhất: Tiểu đoàn 309, Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam và phái đoàn quân sự năm 1973.
15 tuổi, ông vào Tiểu đoàn 309 hoạt động vùng Mỹ Tho, Đồng Tháp Mười, được đào tạo thành chiến sĩ trinh sát đặc công trong thời kỳ chống Pháp.
Năm 1962, Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam được thành lập. Vũ Thành làm trưởng đoàn giai đoạn 1967 - 1975, sau đó tiếp tục làm Trưởng đoàn Văn công Quân khu 7 từ tháng 12/1975 đến lúc về hưu - tháng 1/1999.
Một dấu mốc đáng nhớ trong đời Vũ Thành vào năm 1973 tại phái đoàn Liên hiệp quân sự bốn bên - trại David (Tân Sơn Nhất, Sài Gòn).
Sau khi cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đón khách từ Tư lệnh Trần Văn Trà, Đoàn Văn công Quân Giải phóng tiếp tục được giao nhiệm vụ biểu diễn phục vụ Ban liên hiệp bốn bên tại trại David trong hơn 2 tháng, góp phần tăng thiện cảm trong mắt bạn bè quốc tế.
Hỏi ông có bao giờ sợ hãi, Vũ Thành trả lời ngay: "Không! Chúng tôi thời đó vừa là nghệ sĩ vừa là chiến sĩ, được trang bị vũ trang. Người lính thời đó phải làm tốt cả 3 nhiệm vụ: chiến đấu, phục vụ và sản xuất".
Nghe xong bài hát, người thương binh trút hơi thở cuối cùng
Vũ Thành sớm bén duyên với âm nhạc, 11 tuổi đã làm nhạc công của Đoàn ca nhạc Trẻ núi Lam - Cai Lậy, sau này sang Đoàn Tuyên truyền lưu động Mỹ Tho. Bài đầu tiên Tiểu đoàn 309 được ông viết khi mới 15 tuổi.
Năm 1954, Vũ Thành tập kết ra Bắc. Sau khi hai sáng tác Hòa bình trở lại và Nhớ Đồng Tháp Mười đoạt giải Nhất cuộc thi hát của Sư đoàn 330, ông được đưa đi đào tạo bài bản tại Trường Nghệ thuật Quân đội (1956) và Trường Âm nhạc Việt Nam (1959) - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Xuyên suốt sự nghiệp, Vũ Thành viết khoảng 600 bài hát, nhạc múa, nhạc kịch múa, hợp xướng, khí nhạc... Nhiều tác phẩm bị thất lạc do chiến tranh.
Năm 1962 khi nhận nhiệm vụ vượt Trường Sơn về miền Nam chiến đấu, vì bí mật quốc gia, ông phải gửi lại tập nhạc hơn 20 bài hát, sau đó không thể tìm lại.
Năm 1967, trong Chiến dịch Johnson City, địch đánh vào căn cứ của đoàn ở Ka Tum - Tây Ninh và mang đi toàn bộ vật dụng, trong đó có quyển nhạc hơn 30 bài, có cả nhạc kịch múa của ông.
Trong số hàng trăm sáng tác, Vũ Thành tâm đắc nhất bài Tâm tình người nữ quân y. Thời chiến, từng có chuyện một thương binh bị gãy cột sống, nằm dưới hầm sâu, dùng giọng nói yếu ớt nhờ ca sĩ Thúy Nương hát cho mình nghe bài này. Nghe xong, anh nói đã mãn nguyện rồi trút hơi thở cuối cùng.
Tuổi 89, nhạc sĩ Vũ Thành vẫn viết nhạc dù mắt mờ, tay yếu, mỗi năm được 2-3 bài. Gần nhất là Chiến công cầu Rạch Chiếc đã gửi Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM dự thi.
Tuổi già bình lặng
Năm 1999, Vũ Thành mang tiếng "nghỉ hưu" vẫn chăm chỉ làm việc với vai trò Chánh Văn phòng Hội Âm nhạc TPHCM. Năm 2013, ở tuổi 77, ông mới thực sự buông việc.
Nói về ngôi nhà đơn giản khác với tưởng tượng thông thường về chốn an dưỡng tuổi già của một đại tá, Vũ Thành vui vẻ: "Mỗi người một số phận. Sau giải phóng, tôi mải miết dẫn dắt đoàn đi biểu diễn khắp nơi. Nhà cửa lúc đó nhiều lại rẻ mà tôi không để ý gì. Lúc tôi lui về phục vụ phía sau, nhà cửa đã phân phối xong. Tôi làm đại tá cũng chỉ hưởng chế độ nhất định, không so sánh được với cấp tướng. Tôi được cấp 1 căn nhà ngoài đường Trần Hưng Đạo, sau này bán căn đó và dọn về đây sống".
Đổi lại, ngôi nhà trong hẻm yên tĩnh, mỗi buổi sáng Vũ Thành có thể ra ngoài uống cà phê, đi bộ. Ông và vợ - bà Nguyễn Thị Lợi sống cùng các cháu ruột. Họ được ông nuôi từ thời đại học đến khi đi làm.
Trầm ngâm một lúc, Vũ Thành kể từng có 3 người con đều sinh non rồi chết trong rừng. Một người con chết do bà Lợi bị té xuống hầm, hai người còn lại chết do mẹ yếu cộng với hoàn cảnh, điều kiện và kỹ thuật hộ sinh bấy giờ.
Khi sinh con thứ 3, hộ lý để sót nhiều nhau thai, gây ảnh hưởng sức khỏe của bà Lợi. Năm 1985, ở tuổi 50, bà đã phải nghỉ hưu, tuổi già càng yếu.
"Vậy đó, cũng có lúc nghĩ tới có lúc quên đi. Giờ nghĩ cũng vậy thôi, 3 cháu không may, không sống được, mình biết làm sao", người lính già đưa mắt nhìn vào không trung.
Vợ chồng Đại tá Vũ Thành sống đạm bạc, lương hưu đủ chi tiêu, được quân đội chăm sóc sức khỏe. Ông bị huyết áp cao, bệnh tiền liệt tuyến và từng cắt một phần mật. Hai người đều là thương binh, chồng hạng 4/4 còn vợ 3/4.
Ông nói: "Ngày trước, trong kháng chiến chỉ có tôi và bả bên nhau, bây giờ cũng chỉ có hai vợ chồng". Họ thỉnh thoảng nhắc chuyện xưa dù bà Lợi không còn nhớ nhiều.
Hỏi về bạn bè, đồng đội, Vũ Thành lắc đầu: "10 năm trước vẫn còn người lui tới hỏi han, giờ chết hết rồi. Lính của tôi cũng tới tuổi bệnh tật, có đứa chết ở xa mà mình không đi viếng nổi. Ai bệnh, ai chết, giỗ ai tôi đều biết, chỉ là không đi nổi thôi. Tuổi già chỉ biết sống với kỷ niệm".
Một ngày của Đại tá Vũ Thành hiện quanh quẩn trong nhà, quãng đường xa nhất ông có thể đi là đầu hẻm. Mắt ông sau khi mổ đục thủy tinh thể đã nhìn rõ, có thể đọc báo, xem TV.
"Nhìn lại cuộc đời, tôi không có gì ân hận. Vợ chồng tuổi già nương tựa nhau cũng hài lòng rồi. Nếu Trời cho sống lâu thêm thì tốt, không thì cũng không sao", ông nói.