Hòn đảo nằm trên cung đường từ Rạch Giá đến Nam Du. Để đến Hòn Sơn, con đường gần nhất là đi từ cảng Rạch Giá, với phương tiện là tàu cao tốc. Ấn tượng đầu tiên là đảo rất sạch sẽ, có chỗ xử lí rác chứ không vứt thẳng ra biển như tại đảo Nam Du. Hơn nữa, trên đảo xanh mướt, đi đâu cũng thấy dừa.

{keywords}
Tới đảo, ấn tượng đầu tiên là đảo rất sạch và trồng vô vàn dừa

Chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh

Trên đảo Hòn Sơn có 7 đỉnh núi, trong đó núi Ma Thiên Lãnh là nổi tiếng hơn cả với những câu chuyện kì bí. Với độ cao 450m so với mặt nước biển, đây là ngọn núi cao nhất tại đảo Hòn Sơn nên thu hút không ít khách du lịch tới tham quan và chinh phục.

Để leo núi mà không mất sức, đêm đầu tiên chúng tôi đặt phòng nghỉ tại Lamien Lodge. Khách sạn nằm ở vị trí lưng chừng núi, trên đường lên đỉnh Ma Thiên Lãnh. Phòng nghỉ nằm trọn trong khu rừng và view nhìn toàn bộ biển Hòn Sơn từ trên cao. Ở đây, bạn được hòa mình hoàn toàn với thiên nhiên cỏ cây, dùng nước suối trực tiếp của đỉnh Ma Thiên Lãnh và nói không với điều hòa, bình nóng lạnh.

Lưu ý, khi bạn lựa chọn ở trên núi thì nhớ chỉ mang balo chứ đừng mang vali, sẽ không tự vác hay kéo lên được vì đường khá khó đi. Tuy nhiên, nếu trót mang vali, sẽ có dịch vụ đưa lên cho bạn, mỗi lượt lên/xuống là 150.000 đồng. Đặc biệt, sóng điện thoại ở đây rất kém, thỉnh thoảng mới có, chỉ để gọi điện trực tiếp chứ không thể truy cập được vào Internet, rất thích hợp với các bạn cần yên tĩnh nghỉ ngơi hoàn toàn.

Một vài lưu ý khi leo núi

- Nên mặc và mang theo những trang phục bằng vải thoáng mát, thấm hút mồ hôi để di chuyển thoải mái.

- Các bạn nữ mặc đồ ngắn thì nên sử dụng thuốc chống muỗi, bởi muỗi rừng rất nhiều và cắn rất đau.

- Giày leo núi phải nhẹ, ôm chân để tránh khỏi bị đau chân.

- Các vật dụng cần mang như đèn pin, dao bấm, nước uống (1,5 lít/người) và thức ăn gọn nhẹ.

- Nhớ giữ gìn cảnh quan núi rừng, hạn chế vứt rác.

 

Nhận phòng xong, bạn có thể đặt luôn bữa trưa là món gà hấp tỏi, hoặc gà hấp muối, do chính người dân mà bạn gặp ở dọc đường khi lên nhận phòng nghỉ làm. Ăn xong nghỉ ngơi, tầm 1h30 chiều các bạn bắt đầu lên đường chinh phục đoạn đường còn lại của đỉnh Ma Thiên Lãnh. Từ đây, đường sẽ khó đi hơn.

Trong quá trình lên núi, bạn sẽ được người dẫn đường kể lại những câu chuyện hấp dẫn, được truyền tụng lại từ thời xa xưa, về chùa Phổ Tỉnh, chùa Lộ Thiên, sư ông Bác, những người tu khổ hạnh trên núi và cả những tiên nữ giáng trần,... Vừa leo lên đỉnh núi vừa được nghe kể chuyện, đường đi vì thế mà cũng gần hơn.

{keywords}
Chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh là trải nghiệm khó quên với du khách khi đến Hòn Sơn

Để thuận tiện cho việc phát rẫy, đi lại và sinh sống tại đây, người dân làm các bậc tam cấp tiện cho việc lên núi. Cảnh vật hai bên đường rất thơ mộng, hoang sơ, bầu không khí trong xanh, mát mẻ.

Một vài lưu ý khi du lịch tự túc là nếu bạn bị lạc, hãy men theo đường dây ống nước. Đây là một mẹo nhỏ, được những người dân thường xuyên lên núi, truyền lại.

Dừng chân ở chùa Phật Lộ Thiên, bạn đã đi được 1/3 chặng đường tới đỉnh Ma Thiên Lãnh. Con đường từ đó tới đỉnh núi ngày càng khó khăn và thử thách hơn khi không còn là đường xi măng, bậc tam cấp nữa, thay vào đó là lối mòn nhỏ. Không những thế, trên đường đi cây cối um tùm, tiếng chim kiêu, vượn hú, khiến chuyến đi của bạn thêm phần bí hiểm, ly kì và thú vị.

{keywords}
Phần thường xứng đáng khi leo tới đỉnh núi

Đặt chân lên đỉnh núi, những cố gắng của bạn cũng được đền đáp, bao mỏi mệt, đau nhức toàn thân dường như tan biến. Hít một hơi thật sâu và cảm nhận không khí tuyệt vời tại đây. Trước mắt bạn là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi non, biển trời mênh mông, bao la và rộng lớn. Bạn hãy mạnh dạn bắt chuyện với người dân sinh sống tại đây. Họ rất chân thành, cởi mở.

Lặn biển ngắm san hô, bắt nhum

Sớm hôm sau, ăn sáng và nhâm nhi cafe xong, nhận mũ bảo hiểm và xe máy đã thuê khi lên đảo, giá 120.000 đồng/ngày, bạn bắt đầu khám phá cung đường vòng quanh đảo.

Dừa là đặc trưng của đảo này. Ở đây, dừa mọc từ bãi biển kéo lên tận lưng chừng đồi. Cây nào cũng cao vun vút với những thế dáng rất độc và lạ. Thế nên với dân du lịch, Hòn Sơn còn được gọi bằng một cái tên thân quen khác là “đảo Dừa”.

{keywords}
 
{keywords}
Cung đường quanh đảo

Cũng chính vì thế, một số tên bãi biển địa phương được gọi khác thành bãi cây dừa nghiêng, bãi cây dừa nằm hoặc bãi hàng dừa,... Để bảo vệ dừa, người dân đóng đinh dọc thân cây để khách du lịch không ngồi lên, tránh cây bị bật gốc và làm lối ra an toàn để phục vụ khách chụp hình.

Quanh đảo còn có những bãi đá tự nhiên rất đẹp. Có thể vì nhiều đá nên đảo được gọi là Hòn Sơn.

{keywords}

{keywords}
Hòn Sơn Rái - cái tên cũng có thể xuất phát từ hình dáng tảng đá này

Tham quan đảo xong, có thể thuê một chiếc thuyền nhỏ đưa ra biển, giá 120.000 đồng/người. Bạn sẽ được lặn ngắm san hô, ngắm cá. Bãi biển ở đây rất nhiều nhum. Sau cả tiếng bơi và lặn biển, bạn thưởng thức bữa trưa toàn hải sản tươi ngon ngay trên bè nuôi cá, như ghẹ bơi chỉ 400.000 đồng/kg, cháo mực đặc biệt với vị ngọt của mực và cay ấm của gừng.

{keywords}
Một quán nhỏ bán đồ vặt trên đảo vô cùng dễ thương

 

{keywords}
Cây dừa nghiêng bị đóng đinh để du khách không ngồi, trèo lên, làm cây đổ gãy
{keywords}
Du khách vô cùng thích thú khi được ngắm biển, ăn hải sản ở Hòn Sơn 

Một điểm bạn không nên bỏ qua khi đến Hòn Sơn là khu bãi đá và bãi cây bàng có bãi tắm đẹp nhất đảo. Khu bãi đá có tảng đá rất to, hình thù như một con rắn. Người dân ở đây họ gọi là tảng đá đầu con rắn, nhưng khi check-in trên mạng sẽ hiện ra “Hòn Sơn Rái”

Tảng đá này rất to và khá phẳng nên chiều đến, nằm trên đó ngắm hoàng hôn thì phê pha. Buổi tối, đặt một nồi lẩu ăn ngay tại bãi biển rồi lại leo lên “Hòn Sơn rái” nằm ngắm biển hưởng gió trời mát lịm lại không có muỗi làm phiền khiến bạn chỉ muốn ngủ tại đây đến sáng để tiện ngắm bình minh.

Cách đi Hòn Sơn

Hiện mỗi ngày có hai chuyến tàu ra đảo Hòn Sơn. Bạn nên gọi điện thoại để đặt vé trước khi ra cảng, tránh tình trạng hết vé. Vé tàu có thể đặt online và thanh toán chuyển khoản luôn, rất thuận tiện. Tiền vé là 280.000 đồng/khách khứ hồi.

Du khách nên đặt chuyến 7h30 sáng và ra bến tàu sớm, trước khoảng 1 tiếng ăn sáng, sau đó ghé chợ cóc nằm bên kia đường đối diện cổng vào cảng mua chút hoa quả mang theo, vì ra đảo hầu như không có bán. Hoa quả tại đây rất ngon và rẻ.

Đúng 7h30 tàu rời bến. Đi được tầm 15 phút, bác tài sẽ mở cửa cho khách lên boong tàu cho thoáng. Lên đây, bạn tha hồ chụp ảnh tàu rẽ sóng ra khơi. Cảnh rất đẹp, lại lộng gió nên rất phù hợp với bạn nào say tàu xe.

Ở đây có hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Thời điểm đẹp nhất để đi là từ tháng 11 đến tháng 3, vào thời điểm này trời không mưa và biển lặng sóng êm, thuận lợi cho việc leo núi và lặn biển.

Con người ở đây thân thiện, dễ mến vô cùng. Bạn đặt bất kỳ nhà nghỉ hay khách sạn nào đều có người gọi điện, sẵn sàng đón ở cảng. Trên đảo, có rất nhiều dịch vụ lưu trú để bạn lựa chọn, từ homestay đến nhà nghỉ bình dân, chi phí trung bình từ 170.000-800.000 đồng/phòng.

Ngọc Anh