Trời rét hây hây mà có nồi lẩu nóng sốt, thơm ngon thì thật chẳng còn gì “đã” bằng. Nhưng ngoài những loại lẩu bình thường có nước dùng được ninh từ xương, thì Hà Nội đã có thêm rất nhiều các loại lẩu “lạ” không kém phần ngon miệng.
Lẩu dê khô
Đã lẩu mà lại khô, thế nhưng một khi bạn đã thử món lẩu dê khô này rồi thì cam đoan rằng bạn sẽ tiếp tục muốn ăn tiếp nhiều lần nữa vì cái vị lạ mà ngon miễn chê của nó.
Chế biến món ăn đặc biệt này cần đến rất nhiều gia vị. Thịt dê phải trần qua nước rượu gừng để làm sạch mùi hôi sau đó mới đem chao trong dầu để thịt săn lại. Sau đó lại tiếp tục xào với gừng, lá móc mật, bạch đậu khấu và các loại thảo quả khác, đến khi thịt ngấm đủ gia vị thì mới trút sang nồi và bê lên cho khách.
Thịt dê được chấm với nước tương gừng khiến món ăn càng dậy lên mùi vị đậm đà khiến ai cũng phải xuýt xoa muốn thử thêm miếng nữa. |
Gọi là lẩu khô vì toàn bộ quá trình nấu chỉ xâm xấp nước rồi sau đó chế thêm vào bằng một loại bia đặc biệt khiến món ăn có vị đậm đà, thơm rất đặc trưng, không hề giống với bất kỳ món lẩu nào khác. Miếng thịt dê trong lẩu sau quá trình chế biến ăn chắc, thơm và ngọt đậm đà. Với thời tiết chớm lạnh ở Hà Nội như bây giờ, món lẩu dê khô thật sự rất khó để chối từ.
Bạn có thể ghé qua các cửa hàng lẩu dê khô trên đường Lạc Long Quân, Châu Long để thưởng thức món ngon đặc biệt này. Giá từ 200.000 - 250.000 đồng một nồi.
Lẩu cháo
Món lẩu có xuất xứ từ tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc này đã nhanh chóng được người dân Hà Nội yêu thích, nhất là trong những ngày trời lạnh hanh hao của mùa đông miền Bắc. Đó là sự kết hợp giữa lẩu với món cháo quen thuộc nhưng cháo lại được nấu khá loãng, đủ để thấy nước lẩu sanh sánh vừa phải.
Để có một nồi lẩu cháo ngon, nhà hàng phải cho vào các nguyên liệu như nấm đông cô, thảo quả, táo tàu, hải sâm, ý dĩ... nên nồi lẩu có vị thơm thanh tao chứ không đậm và dậy mùi như các loại lẩu khác. Tùy vào nguyên liệu chính của món lẩu mà người ta chia thành các loại lẩu cháo khác nhau: Lẩu cháo chim, lẩu cháo cá, lẩu cháo gà, lẩu cháo hải sản…
Cháo loãng nên tha hồ đun lâu mà không sợ cháy hay dính đáy nồi, càng đun lâu cháo càng ngon, ngọt và mềm bung. |
Rau ăn kèm là các loại nấm, cải cúc, cải thảo, rau muống và cải xanh. Ăn món lẩu cháo thì không cần dùng tới mỳ, bún hay bánh đa mà người ăn múc một muôi cháo ngay trong nồi rồi dùng thìa ăn khi còn nóng. Cháo loãng khiến người ăn vừa thấy ấm bụng, lại vừa không bị cảm giác quá no mà vẫn thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Nếu thích, bạn có thể ăn kèm thêm với quẩy cũng rất ngon.
Bạn có thể thử món lẩu cháo thanh tao này ở các quán trên phố Hòe Nhai, Nguyễn Cao, Quán Sứ, Thụy Khuê... với giá từ 150.000 đồng một nồi.
Lẩu gà rượu nếp
Không giống với các loại lẩu gà khác, nước lẩu gà rượu nếp được chế thêm rượu và cả rượu nếp cái vào nên có mùi vị rất đặc trưng: Chua chua, thanh thanh và thơm của nếp, quyện với vị ngọt của thịt gà.
Chính việc gia giảm rượu và nếp như thế nào cho vừa đủ để nồi lẩu ngon mà không bị hỏng miếng thịt gà đã lý giải tại sao một vài quán lại ngon hơn hẳn các quán khác. Đặc biệt, các quán nổi tiếng với món ăn này phải tự tay nấu rượu hoặc đặt rượu từ những nhà nấu có uy tín để đảm bảo rượu nấu đúng từ nếp và men chuẩn, giúp rượu thơm, nồng, cay nhưng không chua và gắt.
Thịt gà dùng để ăn lẩu thường được chặt vừa miếng, đợi nước lẩu sôi thì bắt đầu bỏ gà vào nồi. Rau ăn kèm lẩu gà rượu nếp không phải là ngải cứu như các món lẩu gà khác mà chỉ là rau muống, mùi tàu và hành, nhưng là phần cọng trắng của hành mới đúng chuẩn.
Quán nào cầu kỳ thì trước khi nấu phải ướp thịt gà với rượu nếp ngon cho đến khi thịt ngấm vị thơm nồng và ngọt của rượu. |
Chính vì rau ghém ăn kèm không nhiều, cộng thêm mùi nước lẩu bốc lên thơm phưng phức nên dễ khiến người ăn cảm thấy đói “cồn cào” trong lúc chờ gà chín. Chẳng biết có phải vì thế hay không mà khi húp thử một thìa nước lẩu và ăn miếng thịt gà thấy lẩu gà rượu nếp ngon và hấp dẫn vô cùng.
Bạn có thể tìm ăn lẩu gà rượu nếp tại các quán trên đường Nguyễn Du, Quang Trung... với giá từ 250.000 đồng một nồi.
(Theo Congluan)