Nấm đông cô là một loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Không chỉ vậy, nấm đông cô còn chế biến được nhiều món ăn thơm ngon.
Phần lớn mọi người thường mua nấm đông cô khô để sử dụng được lâu dài, hạn chế bị ôi hỏng. Nhưng hương vị của nấm đông cô tươi cũng mang lại sự khác biệt nhất định cho món ăn. Vậy bạn đã biết cách chọn nấm đông cô tươi ngon chưa? Hãy lưu lại 3 mẹo sau đây nhé.
Đừng chỉ nhìn kích thước, hãy nhìn vào mũ nấm
Nấm đông cô và nấm hương có gì khác nhau? Đây là câu hỏi khá phổ biến khiến nhiều người bối rối. Trên thực tế, nấm hương và nấm đông cô là cùng một loại nấm. Do mùi thơm đặc trưng mà dân gian quen gọi là nấm hương. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào vùng miền, thổ nhưỡng hoặc cách nuôi trồng mà nấm đông cô có màu sắc, hình thái, hoa văn mũ nấm, mùi vị lẫn độ dai khác nhau.
Bạn có thể gặp trên thị trường loại nấm hương thường có phần thịt nấm mỏng, tai và thân nấm tựa như chiếc ô. Phần lớn chúng đều ở trạng thái phơi khô. Còn ở trạng thái tươi, nấm đông cô khi mua bạn cần quan sát kỹ phần mũ nấm.
Nấm đông cô tươi có phần mũ nở căng. Nếu bạn thấy phần mũ có nhiều nếp nhăn, thâm đen là nấm đã thu hoạch lâu và đã có dấu hiệu khô héo. Hương vị của chúng lúc này không còn tuyệt hảo như ban đầu nữa. Chú ý hơn nữa, nấm tươi mới hái sẽ có lớp tơ phủ cực mỏng trên chóp nấm. Nếu may mắn, bạn sẽ bắt gặp. Đương nhiên loại nấm này hương vị lẫn dinh dưỡng của chúng đều tốt.
Ngửi để kiểm tra mùi hương của nấm
Mẹo thứ hai bạn có thể dễ dàng thực hiện đó là ngửi mùi của nấm đông cô. Thường khi nấm đông cô được bày bán sẽ được hút chân không, để tránh tiếp xúc nhiều với không khí.
Tuy nhiên, bạn cũng sẽ bắt gặp những túi nấm đông cô tươi, không được bảo quản đúng cách. Nếu để lâu sẽ có mùi nồng. Nếu nấm tươi, bạn sẽ ngửi thấy mùi thơm tự nhiên toả ra xen nhẹ mùi gỗ mục.
Ngoài ra, để kéo dài thời gian bảo quản, một số loại nấm cũng được tẩm ướp hoá chất nhằm tăng độ tươi, để được lâu. Nấm như vậy ăn không ngon, nên tránh mua. Chưa kể, nấm đông cô tích nước khá tốt nên độ ẩm nhiều. Nấm đông cô tươi cầm lên tay cũng sẽ có độ nặng nhất định. Nếu nấm để lâu sẽ nhẹ bẫng, vì độ ẩm đã mất dần. Những cây nấm như vậy nấu lên hương vị không được như ý.
Quan sát màu sắc của nấm
Màu sắc của nấm đông cô cũng dễ nhận biết. Nấm đông cô tươi chủ yếu có màu nâu be cực nhạt. Trên bề mặt chúng còn có màng mỏng trắng. Những cây như vậy vừa tươi ngon vừa giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao.
Nếu mua nấm đông cô tươi, bạn thấy phần mũ đã chuyển đen nâu thì hãy cẩn thận vì có thể chúng đã để lâu rồi, ăn vào không tốt cho sức khoẻ. Cho nên, loại nấm như vậy, dù có rẻ cũng không nên mua.
Hướng dẫn sơ chế nấm đông cô tươi đúng cách
Nấm đông cô khô sơ chế dễ dàng hơn, chỉ việc cho vào nước ấm có pha bột mì hoặc bột năng để nấm ngậm nước. Còn với nấm đông cô tươi, có lẽ cần cẩn trọng hơn để không làm hao hụt lượng dinh dưỡng mà nấm đang nắm giữ.
Với nấm đông cô tươi, bạn không cần ngâm với nước ấm. Khi mua nấm về, sơ chế nấm trước khi nấu cũng rất quan trọng. Bạn cắt bỏ phần gốc nấm, gõ nhẹ lên phần núm nấm để loại bỏ tạp chất. Sau đó, rửa nấm với nước lạnh, để ráo. Không ngâm nấm trong nước.
Khi chế biến nấm, trừ việc ninh nước dùng cho nấm vào sớm, để đảm bảo độ giòn ngon, nấm nên được cho vào khi các nguyên liệu khác đều gần chín.
Nấm đông cô tươi cũng như các loại nấm khác, chế biến xong nên ăn luôn trong ngày, tránh để qua đêm kẻo biến chất gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Theo Phụ nữ Việt Nam